Bất động sản

Chuyên gia: 'Đề xuất thuê nhà từ 15m2 mới được đăng ký thường trú Hà Nội là bất hợp lý’

(VNF) - Ông Phan Văn Lâm (Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN) cho rằng đề xuất của Hà Nội về việc người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại nội thành (12 quận) phải có diện tích ở tối thiểu 15m2 sàn/người là không hợp lý ở thời điểm này.

Chuyên gia: 'Đề xuất thuê nhà từ 15m2 mới được đăng ký thường trú Hà Nội là bất hợp lý’

Đề xuất thuê nhà tối thiểu từ 8-15 m2 sàn/người mới được đăng ký thường trú.

Hơn 3 tháng sau khi xin lùi thời gian thông qua dự thảo lần một, Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến lần hai đối với dự thảo nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

Theo dự thảo mới, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận nội thành phải có diện tích ở tối thiểu 15m2, giảm 5m2 so với dự thảo lần một; khu vực ngoại thành là 8m2 (17 huyện và thị xã Sơn Tây). Diện tích nhà ở tối thiểu tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.

Hà Nội lý giải quy định nói trên nhằm cụ thể hóa Luật Cư trú 2020, tạo cơ sở pháp lý để thành phố quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố kỳ vọng thông qua nghị quyết này sẽ góp phần ổn định an ninh trật tự, đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân.

Đưa ra quan điểm, ông Phan Văn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải (Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN) cho rằng việc nâng điều kiện diện tích nhà ở áp dụng với công dân nhập cư là điều cần thiết nhưng việc đặt giới hạn 15m2 trong thời điểm này là chưa hợp lý.

"Lý do là với mức thu nhập của người dân như hiện nay, yêu cầu này đối với người thuê nhà sẽ khó đáp ứng được (diện tích này hiện có giá cho thuê từ 2-3 triệu đồng). Có thể lấy ví dụ 1 cặp vợ chồng có 2 con cần 60m2 với giá thuê 10 triệu thì tiền dành cho thuê nhà chiếm trên 1/2 thu nhập của 2 vợ chồng. Điều này là bất hợp lý trong cân đối thu chi để gia đình tồn tại và có đăng ký thường trú tại Hà Nội”, ông Lâm nói.

Mặt khác, theo quan điểm của ông Lâm, đối với người mượn, ở nhờ thông thường cũng chỉ được chủ nhà bố trí cho một phòng khoảng 9m2 đến 12m2 là phổ biến (do mối quan hệ nên có thể được bố trí ở lâu dài và đồng ý cho gia nhập hộ khẩu), nhưng theo quy định này thì họ vẫn không đủ điều kiện. Tóm lại cho dù thuê, mượn hay ở nhờ đều gặp khó khăn, bất lợi và không thể trở thành hiện thực trong việc đăng ký thường trú.

Về việc phải quy định bao nhiêu mét vuông/người là hợp lý, ông Lâm cho rằng quy định 10m2/người thì hợp lý hơn trong nhiệm kỳ này.

"Nhiều người cho rằng việc quy định diện tích như vậy sẽ làm giảm áp lực gia tăng dân số cho Hà Nội. Tuy nhiên, tôi cho rằng để giải quyết vấn đề giảm gia tăng dân số thì cần chuyển các cơ quan, trường đại học, các nhà máy sản xuất ra ngoại thành hoặc vùng phụ cận để phương tiện lưu thông trong nội đô ít hơn, giảm khí thải từ ô tô, xe máy và nước thải sinh hoạt cũng giảm theo.

“Nếu làm được như vậy tôi tin chắc cảnh tắc đường hàng tiếng đồng hồ và chất lượng không khí nguy hại đến mức cảnh báo sẽ không còn”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tin mới lên