Chuyên gia ô tô: 'Chính phủ cần có liều 'doping' thật mạnh để phát triển xe điện'

Lê Ngà - 09/06/2021 09:08 (GMT+7)

(VNF) - Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Whatcar cho rằng Chính phủ cần phải có một liều “doping” thật mạnh, một tổ hợp chính sách cho xe điện nói chung, không riêng gì cho Vingroup hay một doanh nghiệp nào.

VNF
Chuyên gia ô tô: 'Chính phủ cần có liều 'doping' thật mạnh để phát triển xe điện'

- Phóng viên: Mới đây, Vingroup đã có đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Tôi hoàn toàn ủng hộ và thậm chí cho rằng Chính phủ cần phải có một liều “doping” thật mạnh, một tổ hợp chính sách cho xe điện nói chung, không riêng gì cho Vingroup hay một doanh nghiệp nào.

Ô tô điện không những là xu hướng của thế giới mà còn phù hợp với chiến lược đã được đề ra của Việt Nam, chính vì vậy chúng ta phải cố gắng khuyến khích các sản phẩm này một cách mạnh mẽ nhất. Việc sử dụng các công cụ tài chính, như ưu đãi, giảm, miễn thuế, tiếp cận nguồn lực tài chính... cần được sử dụng tối đa để tạo động lực cho những người đi tiên phong, những người dám mở đường.

- Giá bán của xe điện vẫn được xem là đắt hơn so với xe chạy động cơ đốt trong, vậy ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới về những giải pháp khuyến khích xe điện?

Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách rất rõ ràng cho lộ trình phát triển xe điện.

Thứ nhất là về mặt thuế. Nhà nước hỗ trợ các hãng để các hãng có thể giảm giá thành được sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các mẫu xe đốt trong.

Tôi lấy ví dụ, tại một số nước ở châu Âu như Pháp, Đức, người dân khi chuyển đổi một chiếc xe chạy xăng sang xe chạy điện sẽ được trợ giá khoảng 7.000 – 10.000 euro (khoảng 200 triệu đồng đến 280 triệu đồng).

Thứ hai là có chính sách giảm các chi phí về thuế môi trường cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Ví dụ, nước Đức người ta đánh thuế môi trường dựa theo dung tích và đời xe. Dung tích xe càng lớn, đời xe càng sâu thì mức đóng thuế môi trường càng cao. Và khi chuyển đổi sang phát triển xe, các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ “tiết kiệm” được khoản này bởi xe điện dường như khí phát thải gần như bằng 0.

Đó là những chính sách rất là thiết thực của Chính phủ nước sở tại, của hãng đối với việc thúc đẩy người tiêu dùng chuyển đổi sang dùng xe điện trên thế giới, vậy tại sao chúng ta lại không tạo ra cho riêng mình một lộ trình cho sự phát triển xe điện trong nước.

- Trước VinFast, Tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản cũng có mong muốn đầu tư vào sản xuất lắp ráp xe điện hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên, chờ đợi mãi những chính sách phát triển xe điện của Chính phủ mà không thấy đâu. Từ thực tế đó, ông có nhìn nhận như thế nào?

Ngày xưa, Chính phủ không có nhiều mặn mà ưu tiên cho việc phát triển xe điện bởi Nhà nước thấy sự quyết liệt của các hãng trong việc đưa xe điện vào Việt Nam chưa thực sự rõ ràng và mạnh mẽ.

Thậm chí tới một “ông lớn” trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam như Toyota Việt Nam, họ cũng từng vận động hành lang cho việc phát triển xe hybrid từ rất lâu rồi nhưng dường như đến hiện tại thì kết quả vẫn “dậm chân tại chỗ”. Thời điểm đó, trung bình mỗi tháng Toyota chỉ bán được vài trăm xe hybrid nên Chính phủ vẫn chưa thực sự mặn mà.

Tuy nhiên, quay trở lại câu chuyện của Vingroup, họ là một doanh nghiệp của Việt Nam, có định hướng trọng tâm rõ ràng chủ yếu là sản xuất xe điện.

Để thực hiện được tham vọng này, họ đã chủ động bắt đầu triển khai các hệ thống trạm sạc điện tại miền Bắc, miền Nam, tại các khu trung tâm thương mại nằm trong hệ sinh thái của Vingroup. Họ cũng đã tính đến bài toán đặt cược “tất tay” cho việc sản xuất xe điện thay vì lao vào đầu tư sản xuất các loại xe chạy bằng động cơ đốt trong (ICE).

Điều này có thể thấy rằng Vingroup đã có những cam kết rất lâu dài cho ngành công nghệp ô tô xanh tại Việt Nam. Nên nhớ rằng ngành công nghiệp ô tô chạy động cơ đốt trong đã có tuổi đời từ 100 năm, còn ngành ô tô điện chỉ mới có tuổi đời gần 10 năm trở lại đây.

Việc xe điện tại Việt Nam được quảng bá trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa được người tiêu dùng trong nước thực sự quan tâm cho thấy chính sách hỗ trợ cho người dùng vẫn chưa được Chính phủ chú trọng. Nếu doanh nghiệp sản xuất ra xe điện nhưng người tiêu dùng không mấy mặn mà thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Chính vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ cho doanh nghiệp thì Chính phủ cũng nên chú trọng tới việc đưa ra nhiều chính sách dành cho người tiêu dùng để khuyến khích họ chuyển đổi từ xe chạy ICE sang dùng xe điện.

- Thái Lan hiện đã có lộ trình cụ thể cho việc phát triển xe điện theo lộ trình 5 năm và đặt mục tiêu sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô điện toàn cầu vào năm 2035. Nhìn về Việt Nam, theo ông chúng ta cũng nên có một lộ trình cụ thể?

Tôi cho rằng điều này là hiển nhiên và Chính phủ cũng sớm nghiên cứu để đưa ra lộ trình cụ thể phù hợp với ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.

Thái Lan từng được mệnh danh là "Detroit của châu Á" - là cái nôi sản xuất ô tô của Châu Á, đồng thời các nhà cung ứng phụ tùng “đóng đô” tại đây rất là nhiều, chính vì vậy, việc họ chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang sản xuất xe điện đơn giản hơn rất nhiều so với Việt Nam.

Nhìn từ thực tế, doanh số bán xe hàng năm của Việt Nam chỉ vào khoảng vài trăm nghìn chiếc nhưng ở Thái Lan doanh số hàng năm là hàng triệu chiếc. Điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng xe của người dân tại đây là rất lớn và khi chuyển đổi từ xe đốt trong sang xe điện là không quá khó khăn.

Vì lẽ đó mà Thái Lan có thể định hình được thị trường của họ, cộng thêm vào đó là Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ nên việc đặt mục tiêu như vậy là không quá ngỡ ngàng.

Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về đề xuất của Vingroup trước ngày 10/6

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, hoàn thiện nội dung đánh giá về đề xuất của Vingroup, sớm báo cáo Chính phủ.

Lãnh đạo Chính phủ nhất trí cần có giải pháp mạnh, quyết liệt để hỗ trợ phát triển sản xuất ôtô điện tại Việt Nam theo Nghị quyết 23/2018 của Bộ Chính trị về chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045 và quyết định về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô đến 2025, tầm nhìn 2035.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp, chính sách đồng bộ để khuyến khích sản xuất, sử dụng ôtô điện.

Chính phủ yêu cầu các bộ làm rõ sự cần thiết, đánh giá và hướng xử lý cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó các văn bản pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và có tiến độ thực hiện. Bộ Tài chính cùng các bộ liên quan có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/6/2021.

Xem thêm: CEO VinFast Nguyễn Thị Vân Anh: '45.000 xe điện VinFast sẽ lăn bánh tại Mỹ mỗi năm'

Cùng chuyên mục
Tin khác