Tài chính

Chuyên gia: Thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là thâm hụt ngân sách

(VNF) - Nhóm chuyên gia của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn.

Chuyên gia: Thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là thâm hụt ngân sách

Chuyên gia: Thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là thâm hụt ngân sách và nợ công

Nhóm chuyên gia nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố cuốn sách Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2020 - Ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19, hướng tới phục hồi và phát triển.

Theo đó, nhóm nghiên cứu này chỉ ra rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% theo kế hoạch của Chính phủ trong năm 2021 là rất “khó khăn” khi bối cảnh diễn biến của đại dịch Covid-19 còn rất khó lường.

Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2021, dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn tại Việt Nam, nhiều địa phương trong giai đoạn giãn cách, các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn chưa thể trở về trạng thái bình thường.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt nam vẫn tiếp tục đến từ khu vực kinh tế đối ngoại. Theo đó, sản xuất và xuất khẩu của khu vực FDI đóng vai trò quan trọng đến tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn và các ngành dịch vụ khó có cơ hội tăng trưởng cao do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế đối ngoại cũng còn phụ thuộc nhiều vào cú sốc từ bên ngoài và khả năng hồi phục còn bất định của kinh tế thế giới.

Đầu tư công cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng 2021, bù đắp cho đầu tư khu vực ngoài Nhà nước khó khăn do đại dịch, đảm bảo tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư trong nhiều năm qua. Tuy vậy, dư địa tài khóa không còn nhiều nên khả năng mở rộng mạnh mẽ đầu tư công để tăng trưởng sẽ khó có thể kéo dài.

Lạm phát năm 2021 cũng được nhóm chuyên gia dự báo sẽ ở mức dưới 4%. Trong khi đó, giá dầu và các hàng hóa cơ bản trên thế giới dự báo có mức tăng thấp; ổn định giá trị VND so với USD cũng giúp hạn chế được lạm phát nhập khẩu.

Cũng theo nhóm nghiên cứu này, thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn. Điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại, đồng thời rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Hiện nay Việt Nam có rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa. Do vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Đồng thời, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết.

Để có thể vượt qua đại dịch Covid-19, nhóm chuyên gia này kiến nghị các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cần phải xem xét lại để áp dụng đúng đối tượng; duy trì các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng, tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; các chính sách hỗ trợ tiền tệ cần rõ ràng, minh bạch và các rào cản không cần thiết cần được rà soát gỡ bỏ; quản lý tốt nợ xấu. Đặc biệt, Chính phủ cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Đối với các giải pháp dài hạn, nhóm chuyên gia này cho rằng cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau, tăng cường sử dụng công nghệ cao thông qua trực tiếp nhập khẩu, mua bán bản quyền, thuê bao sản phẩm từ nước ngoài; đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển theo hướng tăng cường khởi nghiệp sáng tạo và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI.

Tiếp đến là hoàn thiện thể chế; xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính và hành động; tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thực hiện phân cấp quản lý với phân cấp ngân sách; tinh giảm và kiện toàn bộ máy.

Cuối cùng là phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo; đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân (DNTN); bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật nâng cao công nghệ và năng lực quản trị; thực hiện liên kết với doanh nghiệp FDI.

Tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam chỉ đạt 2,91% (thấp nhất trong gần 2 thập niên gần đây), giảm rất sâu so với mức tăng trưởng 7,02% năm 2019. 

Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam hiện nay ở mức tương đối cao trong khu vực. Trong những năm gần đây, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP cũng có những cải thiện đáng kể, tuy nhiên năng suất lao động năm 2020 chỉ tăng 5,4% (so với mức tăng 6,2% năm 2019 và ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây), cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%) nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6 %). 

Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực, cụ thể là thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) vẫn ở mức cao trên 6 và không có sự cải thiện đáng kể từ năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, hệ số ICOR đạt 6,14; cao hơn 5,62 bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế bị đình trệ, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực, nên ICOR lên đến 14,28. Điều này khiến cho hệ số ICOR bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ở mức cao 7,04.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 tăng 3,23% so với năm 2019, cao hơn so với mức 2,79% năm 2018, và là năm thứ 7 liên tiếp lạm phát ổn định ở dưới 5%.

Báo cáo của nhóm chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Xem thêm: IMF đánh giá kinh tế toàn cầu đang hồi phục mạnh mẽ hơn

Tin mới lên