Có gì trong bức tranh tài chính của 'sếu đầu đàn' IPP Group?

Tân Mai - 02/10/2021 16:56 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2020, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn xấp xỉ 480 tỷ đồng với các thành viên trong gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Giá trị này ngang ngửa với doanh thu thuần của doanh nghiệp trong năm.

VNF
Có gì trong bức tranh tài chính của 'sếu đầu đàn' IPP Group?

Dự án hàng không tỷ USD

Tuần qua, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) Johnathan Hạnh Nguyễn đã tiếp tục đề nghị Thủ tướng quan tâm hỗ trợ dự án lập hãng bay chở hàng IPP Air Cargo và Bellazio Logistics.

Hiện tại, IPP Air Cargo có kế hoạch ký bản ghi nhớ mua 10 máy bay B777 Freighter - dòng máy bay chuyên chở hàng với Boeing, trị giá khoảng 3,5 tỷ USD. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải bằng đường hàng không lớn nhất Đông Nam Á, nếu thương vụ này thành công.

Hồi đầu tháng 6, doanh nhân này xin thành lập dự án hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD), trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại là vốn huy động. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải chưa đồng ý chủ trương thành lập hãng bay này trong bối cảnh ngành hàng không vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh.

Dù vậy, ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn chưa từ bỏ tham vọng lập hãng bay chở hàng. Cuối tháng 7, ông kiến nghị Thủ tướng cho phép chuẩn bị các thủ tục để lập hãng bay chuyên biệt vận tải hàng hoá trong lúc đợi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

Đề xuất này giúp hãng có cơ sở xúc tiến các công việc như đàm phán, ký hợp đồng mua tàu bay với Boeing, xúc tiến các cuộc gặp cấp cao với phía Mỹ để giúp cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Đồng thời, ông cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn, thẩm định các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nhằm đáp ứng các điều kiện an toàn bay theo quy định hiện hành. Hãng dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay vào năm 2022 (tuỳ theo tình hình dịch bệnh).

'Hé mở' năng lực tài chính của IPP Group

IPP Group của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là tập đoàn đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng nổi bật nhất vẫn là hàng hiệu và dịch vụ sân bay. "Sếu đầu đàn" của IPP Group là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), doanh nghiệp có mạng lưới 12 công ty con, được thành lập từ cuối tháng 10/2002.

Theo tài liệu mà VietnamFinance có được, mặc dù năm 2020 là một năm kinh doanh khó khăn do chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu thuần của IPP (công ty mẹ) vẫn ghi nhận tăng trưởng 10% so với năm trước, đạt gần 500 tỷ đồng. Nhờ giá vốn hàng bán giảm 4% về gần 180 tỷ đồng, doanh nghiệp có lãi gộp đạt 318 tỷ đồng, tăng 19%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt đồng tài chính giảm từ 266 tỷ xuống còn 185 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt giảm 11% và 18% về mức 72 tỷ đồng và 47 tỷ đồng, trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 148 tỷ lên 156 tỷ đồng.

Kết quả, IPP báo lãi trước thuế 233 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Lãi sau thuế 212 tỷ đồng, tăng 6%.

Duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận dương giữa đại dịch Covid-19 là nỗ lực lớn của IPP. Không chỉ tăng trưởng dương, IPP còn ghi nhận tỷ suất lợi nhuận/doanh thu rất cao, lên tới 42,7%.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của IPP có 5.491 tỷ đồng, giảm 22 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền có hơn 266 tỷ đồng, giảm 24%. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có gần 2.155 tỷ đồng đầu tư tài sản dài hạn, số tiền này chủ yếu đầu tư vào công ty con (1.706 tỷ đồng) và công ty liên kết (583 tỷ đồng).

Các khoản phải thu ngắn hạn gần 2.491 tỷ đồng, tăng tới 40% so với năm 2019. Đáng chú ý, trong số này, các khoản phải thu liên quan đến thành viên trong gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn lên đến 479 tỷ đồng, xấp xỉ doanh thu cả năm 2020 của IPP.

IPPG có hơn 345 tỷ đồng phải thu cho vay ngắn hạn từ bà Lê Hồng Thủy Tiên - vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn. (Nguồn: BCTC riêng IPPG 2020)

Cụ thể, IPP có khoản phải thu ngắn hạn lên đến hơn 345 tỷ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn; 102 tỷ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh (Louis Nguyễn) và 32 tỷ đồng với ông Nguyễn Phi Long (Phillip Nguyễn) - hai người con trai của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Chưa kể, IPP còn có khoản phải thu lãi cho vay gần 27 tỷ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, hơn 10 tỷ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh và gần 455 triệu đồng với ông Nguyễn Phi Long. Ngoài ra, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên còn nhận tạm ứng hơn 264 tỷ đồng từ IPP.

Kết thúc năm 2020, IPP có gần 1.546 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 232 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu nằm ở mức 3.945 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của IPP khá khiêm tốn với 5,4%.

Cùng chuyên mục
Tin khác