Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (12/8): CEO, BID và VNM

Tân Mai - 12/08/2022 07:24 (GMT+7)

(VNF) - Kết thúc 6 tháng đầu năm, CEO chỉ mới hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận năm. Ban lãnh đạo thừa nhận kết quả kinh doanh trên vẫn còn khiêm tốn, tuy nhiên cũng cam kết với các nhà đầu tư sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh vào cuối năm nay, sau khi một số dự án hoàn tất bàn giao cho khách hàng và được ghi nhận vào cuối năm.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (12/8): CEO, BID và VNM

Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ đối với CEO

Kết thúc quý II, Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) ghi nhận doanh thu đạt 425 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cũng cải thiện tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, biên lãi gộp đạt gần 34%. Kết quả CEO báo lãi sau thuế đạt 44 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều số lỗ 126 tỷ đồng của quý II/2021. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt hơn 718 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với giai đoạn trước; lợi nhuận sau thuế đạt gần 70 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 165 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành được 24% kế hoạch doanh thu (3.000 tỷ đồng) và 23% kế hoạch lợi nhuận năm (300 tỷ đồng).

Ban lãnh đạo thừa nhận kết quả kinh doanh trên vẫn còn khiêm tốn, tuy nhiên cũng cam kết với các nhà đầu tư sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh vào cuối năm nay, sau khi một số dự án hoàn tất bàn giao cho khách hàng và được ghi nhận vào cuối năm.

Đối với lĩnh vực bất động sản, trong năm nay CEO sẽ tập trung triển khai các dự án bao gồm CEOHomes Hana Garden City Hà Nội (quy mô 20,3ha) và Sonasea Residences tại Phú Quốc (quy mô 160ha). Trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, doanh nghiệp sẽ tập trung giới thiệu tới thị trường sản phẩm Sonasea Vân Đồn Harbor City và Sonasea Premier Nha Trang (quy mô 7,9ha).

Năm nay, CEO có kế hoạch tăng thêm vốn để mở rộng quy mô và quỹ đất. Đầu tháng 7, doanh nghiệp công bố nghị quyết HĐQT triển khai phát hành 257,3 triệu cổ phiếu, bao gồm 5 triệu cổ phiếu dưới dạng ESOP và 252,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến, vốn điều lệ sẽ tăng gấp đôi lên 5.146 tỷ đồng.

Trên thị trường, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết mức stock rating của CEO ở mức 86 điểm cho nên đưa ra đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Bệnh cạnh đó, kết quả kinh doanh quý II của CEO tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận cho thấy điểm cơ bản sẽ cải thiện tích cực hơn. Tuy nhiên, mức sức mạnh giá của CEO đạt mức 98 điểm thể hiện dư địa tăng giá không còn nhiều và rủi ro cho các nhà đầu tư mua mới.

Đồ thị giá của CEO vừa đóng cửa với mức tăng 4,3%, khối lượng giao dịch tăng 48% so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và đồ thị giá có thể sẽ nhanh chóng hướng về mức kháng cự mạnh trong ngắn hạn là 45.000 đồng/cổ phiếu.

Yuanta cho biết hệ thống chỉ báo xu hướng của mình đã xuất hiện tín hiệu mua vào phiên 21/7/2022 với lợi nhuận tạm tính là 11,69%. Vì thế, công ty chứng khoán này khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ và hạn chế mua mới cổ phiếu CEO.

KBSV: Khuyến nghị nắm giữ BID với giá mục tiêu 43.900 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) công bố kết quả kinh doanh quý II tích cực với thu nhập lãi thuần đạt 14.619 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 14% so với quý trước; tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 18.145 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 6.570 tỷ đồng, tăng hơn 40% cùng kỳ.

Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ so với quý I, đạt 1,02% (tăng 5 điểm cơ bản) với nợ nhóm 5 tăng nhẹ 9 điểm cơ bản, trong khi đó nợ nhóm 3 tăng 11 điểm. Nợ nhóm 2 sau khi tăng mạnh vào quý I đã giảm về mức trung bình giai đoạn 2020-2021, đạt 1,17%.

Trong quý này, BID trích lập dự phòng ở mức thấp so với các quý trước, đạt 6.381 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 262%, cao thứ 2 hệ thống ngân hàng sau VCB. Tại thời điểm cuối tháng 6/2022, theo thông tin từ BID, nợ tái cơ cấu đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tương đương 1,1% tổng dư nợ hiện tại.

BID đã thực hiện trích lập toàn bộ cho phần nợ tái cơ cấu này trong năm 2021 qua đó giảm đáng kể áp lực trích lập trong năm 2022 cũng như mở ra cơ hội ghi nhận lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng trong năm nay hoặc năm sau.

Tổng kết 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BID đạt 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ 2021 và tăng trưởng tín dụng đạt 9,3% so với đầu năm.

Năm 2022, BID kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tối thiểu ở mức 20.600 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra. Tăng trưởng tín dụng đạt 12-14% tùy theo trần tín dụng được cấp từ Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến nửa cuối năm, BID sẽ duy trì biên lãi ròng (NIM) ngang ngửa ở nửa đầu năm và phấn đấu cải thiện từ 0,1-0,2% trong các năm tới.

Ngân hàng cũng giữ trích lập dự phòng đi ngang hoặc giảm ở nửa sau của năm 2022 khi chất lượng tài sản đã được cải thiện và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã ở mức cao.

Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho biết, BID đang tích cực trong hoạt động tìm kiếm đối tác và đám phán giá để chào bán riêng lẻ hơn 455 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn điều lệ hiện tại. KBSV liệt kê khó khăn hiện tại mà BID phải đối mặt bao gồm: khía cạnh thị trường chung khiến giá cổ phiếu không thực sự tích cực và phù hợp với định giá và cơ chế xác định giá còn chưa hợp lý, khiến đối tác gặp nhiều bị động trong quá trình mua.

Theo quan điểm của KBSV, với diễn biến thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện tại, khả năng thương vụ hoàn thành trong năm 2022 là rất thấp.

Năm 2022, KBSV dự phóng tăng trưởng tín dụng của BID đạt 13% với giả định ngân hàng được cấp thêm 3% room tín dụng trong 4 tháng cuối năm. NIM ước tính giảm 2 điểm cơ bản so với năm trước, đạt 2,88% và cao hơn 15 điểm so với dự phóng cũ, phản ánh quan điểm tích cực hơn về việc kiểm soát chi phí đầu vào của ngân hàng.

Chi phí trích lập dự phòng dự kiến đạt 24.806 tỷ đồng trong năm 2022, giảm 15,9% cùng kỳ do BID đã chủ động trích lập hết nợ tái cơ cấu trong năm 2021. Cuối cùng, KBSV dự báo lợi nhuận sau thuế của ngân hàng mẹ đạt 17.182 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2021.

Kết hợp hai phương pháp định giá là P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư với tỷ lệ 50-50, công ty chứng khoán này đưa ra mức giá hợp lý cuối cùng cho BID năm 2022 là 43.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 14,6% so với giá đóng cửa phiên 11/8.

SSI: Khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu VNM

Trong quý II, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) đạt 14.900 tỷ đồng doanh thu (giảm 5% so với cùng kỳ) và 2.100 tỷ đồng lợi nhuận (giảm 26,6% so với cùng kỳ). 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 28.800 tỷ đồng doanh thu (đi ngang so với cùng kỳ) và 4.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 19,7% so với cùng kỳ).

Như vậy, VNM đã hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm. Ban lãnh đạo cho biết VNM có khả năng không hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm nay.

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, kết quả quý II của VNM không như kỳ vọng, khi SSI dự đoán doanh thu sẽ phục hồi nhờ vào việc Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn kể từ giữa tháng 3/2022. Thậm chí, doanh thu nội địa của VNM đã giảm 7% so với cùng kỳ.

VNM cho rằng sự sụt giảm này là do những lo ngại về lạm phát cao đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và các sáng kiến tái cơ cấu kênh thương mại truyền thống được doanh nghiệp triển khai từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2022 ảnh hưởng ngắn hạn đến doanh thu quý II.

Trước diễn biến kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm không mấy khả quan, SSI điều chỉnh giảm dự báo cho năm 2022 và 2023 của VNM. Trong ước tính mới, lợi nhuận trước sẽ giảm 11,6% vào năm 2022 trước khi tăng 11% trong năm tới. Năm tới, tình hình có thể sẽ khả quan hơn, với kỳ vọng tăng trưởng doanh thu đạt 7,8% so với cùng kỳ và tỷ suất lợi nhuận tăng lên. Dựa trên ước tính mới của SSI, tăng trưởng doanh thu 6 tháng cuối năm sẽ đạt 8,2%, trong khi lợi nhuận sau thuế đi ngang so với cùng kỳ.

SSI cũng đưa ra giá mục tiêu mới cho VNM với 80.000 đồng/cổ phiếu, dựa trên EPS năm 2023 (P/E mục tiêu là 18 lần) và phương pháp định giá DCF. Với tiềm năng tăng giá 12,5%, công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu VNM.

Cùng chuyên mục
Tin khác