Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/12): PLX, NKG và CTD

(VNF) - Trong năm 2023, SSI cho rằng lợi nhuận trước thuế của PLX sẽ phục hồi 260% lên 3,1 nghìn tỷ đồng nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 3% và biên lợi nhuận gộp cải thiện sau khi điều chỉnh công thức tính giá xăng dầu bán lẻ.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/12): PLX, NKG và CTD

PLX: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 35.800 đồng/cổ phiếu

Lợi nhuận trước thuế quý III/2022 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HoSE: PLX) đạt 313 tỷ đồng, tăng 179% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2022, lợi nhuận trước thuế giảm 79% so với cùng kỳ xuống 614 tỷ đồng do mảng xăng dầu ghi nhận khoản lỗ lớn trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá dầu biến động.

Theo đó, PLX đã điều chỉnh giảm 90% mục tiêu lợi nhuận trước thuế, từ 3,1 nghìn tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng tại ĐHCĐ bất thường tổ chức thời gian vừa qua. PLX đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế phục hồi mạnh mẽ lên 3,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2023 và tăng dần lên 3,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2025 nhờ thị trường dần bình ổn.

Chính phủ dự kiến sẽ duy trì tỷ lệ nắm giữ 75,87% cổ phần tại PLX đến năm 2025. Mặt khác, PLX dự kiến sẽ thoái 40% cổ phần tại PGB trong nửa đầu năm 2023 và thoái vốn hoàn toàn khỏi Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo doanh thu năm 2022 của PLX sẽ tăng 72% lên 291 nghìn tỷ đồng, nhờ giá xăng dầu bình quân tăng 3% và sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng 21% lên 10,1 triệu tấn (tăng 5,5% so với mức trước Covid). Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến vẫn giảm 77% so với cùng kỳ xuống 870 tỷ đồng do biên lợi nhuận thu hẹp khi công ty nguyên liệu đầu vào với giá giao ngay.

Trong năm 2023, SSI cho rằng lợi nhuận trước thuế sẽ phục hồi 260% lên 3,1 nghìn tỷ đồng nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 3% và biên lợi nhuận gộp cải thiện sau khi điều chỉnh công thức tính giá xăng dầu bán lẻ.

PLX đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 59x và 17x. SSI lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PLX, với giá mục tiêu 1 năm là 35.800 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E mục tiêu là 20 lần.

Năm nay là một năm PLX phải đối mặt với nhiều bất lợi bất thường, bao gồm việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, giá dầu biến động mạnh, đặc biệt trong quý II, và việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn gây thiếu hụt nguồn cung trong nước trong giai đoạn quý III-IV, trong khi giá bán lẻ xăng dầu chưa kịp điều chỉnh kịp thời.

Hầu hết những yếu tố này được dự báo sẽ thuyên giảm vào năm 2023. Do đó, SSI cho rằng việc lợi nhuận của PLX nhiều khả năng phục hồi từ mức đáy trong năm 2022, và việc thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Petrolimex (PGBank) sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu trong năm tới. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý IV/2022 có thể sẽ gây áp lực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn, theo SSI.

NKG: MBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 15.100 đồng/cổ phiếu

Kết quả kinh doanh quý III/2022 của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) kém khả quan bởi diễn biến xấu từ thị trường chung. Từ các yếu tố vĩ mô đến khó khăn ngành bất động sản trong nước, lãi suất cao và tỷ giá đã đồng thời tác động mạnh lên kết quả chung của toàn ngành.

NKG đã ghi nhận kết quả kém so với cùng kỳ ghi nhận mức doanh thu thuần hơn 4,4 nghìn tỷ (giảm 41% so với cùng kỳ). Điều này đến từ sự suy giảm về sản lượng tiêu thụ tôn mạ đặc biệt là về sản lượng xuất khẩu (tỷ trọng xuất khẩu chiếm trên 60%) và giá tôn mạ đồng thời suy giảm trong giai đoạn này bởi khó khăn nền kinh tế toàn cầu.

Chi phí nguyên vật liệu tăng cao đột biến đã khiến cho lợi nhuận gộp trong kỳ âm gần 160 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cải thiện ghi nhận giảm đạt hơn 212 tỷ đồng (giảm 54% so với cùng kỳ) và chi phí biên giảm chỉ còn 4,81% (quý III/2021 đạt 6,17%). Tuy nhiên chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 46% so với cùng kỳ đạt hơn 56 tỷ đồng đưa mức chi phí biên lên 1,28% (quý III/2021 đạt 0,52%).

Lợi nhuận sau thuế NKG ghi nhận âm hơn 418 tỷ đồng chủ yếu đến từ tác động tăng đột biến của giá vốn hàng bán đưa lợi nhuận gộp âm trong kỳ.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), NKG đang tiếp tục cho thấy sự khó khăn chung trong ngắn hạn. Tuy nhiên trong tầm nhìn trung và dài hạn hướng tới kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau lạm phát và lãi suất cao, NKG đã và đang triển khai kế hoạch đầu tư tăng công suất trong hướng tới sản phẩm chất lượng cao gia tăng thị phần đẩy mạnh biên lợi nhuận.

MBS kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ dần ổn định trong giai đoạn 2023-2024 cũng như các chính sách tài khóa và kiểm soát ngành bất động sản tại Việt Nam dần bình ổn trở lại, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy khả năng tiêu thụ của NKG trong giai đoạn năm 2023-2025.

Bên cạnh đó, nhà máy Phú Mỹ khi được đưa vào hoạt động sẽ đẩy mạnh sản lượng sản xuất của NKG tăng trưởng vượt trội góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng doanh thu. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ sẽ tăng trưởng vượt trội khi dự án Phú Mỹ hoàn thành theo 3 giai đoạn.

Tổng vốn đầu tư cho dự án là 4,5 nghìn tỷ đồng với diện tích là 33ha. Theo kế hoạch, nguồn vốn dùng để đầu tư cho dự án sẽ đến từ nguồn lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp mà không sử dụng vốn vay. Điều này sẽ giảm đòn bẩy cũng như giảm gánh nặng lãi vay trong dài hạn cho doanh nghiệp cũng như đồng thời tận dụng các nguồn lực tự có.

Theo MBS, NKG sẽ vẫn tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trong mục tiêu dài hạn (tỷ trọng từ 55-60% tổng tiêu thụ) với mục tiêu sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, tỷ trọng có thể linh động tùy hình giá cả tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Ngoài ra, NKG tiếp tục có kế hoạch và định hướng phát triển thêm các dòng sản phẩm về hàng gia dụng nhằm đa dạng hóa sản phẩm thúc đẩy doanh thu cho doanh nghiệp trong dài hạn.

Doanh thu và lợi nhuận theo MBS dự phóng sẽ phục hồi vào năm 2023 và dần cải thiện trong trung hạn bởi các lợi thế vốn có của doanh nghiệp cũng như việc vận hành nhà máy mới sẽ nâng cao năng lực sản xuất cũng như đưa mức chi phí biên được kiểm soát tốt hơn.

Kết hợp đồng thời 2 phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do DCF và phương pháp so sánh P/E, MBS đưa ra mức giá mục tiêu là 15.100 đồng/cổ phiếu với khuyến nghị nắm giữ.

CTD: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 49.800 đồng/cổ phiếu

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, với hơn 400 dự án đã hoàn thành khắp Việt Nam, cũng như một số nước khu vực Đông Nam Á.

9 tháng năm 2022, doanh thu thuần và lãi ròng đạt 8.307 tỷ đồng và 2 tỷ đồng, tăng 34% và giảm 98% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh xu hướng ngành xây dựng trong 9 tháng đầu năm khi giá nguyên liệu tăng cao, sự đóng băng của ngành bất động sản và sự chật vật tìm kiếm nguồn vốn của các doanh nghiệp trong ngành.

Áp lực cạnh tranh về giá để duy trì hoạt động đã khiến biên lợi nhuận gộp chung của ngành xây dựng giảm sút.

Theo MASVN, lợi thế lớn của CTD là tình hình tài chính vững vàng, ít nợ vay, cũng như lượng tiền gửi tiết kiệm lớn. Lợi thế về tài chính giúp Coteccons đẩy mạnh việc triển khai các mô hình sản phẩm mới Finance - Design & Build (Tài chính - Thiết kế - Xây dựng) để đồng hành cùng các chủ đầu tư trong nhiều công đoạn hơn thay vì chỉ thực hiện xây dựng.

CTD đang trong giai đoạn tái cấu trúc giai đoạn 2021 – 2025 sau giai đoạn thay đổi đội ngũ lãnh đạo. Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, MASVN cho rằng nền tảng tài chính vững chắc sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp sau giai đoạn khủng hoảng ngành bất động sản. Giá trị dự án đặt hàng chưa thực hiện (BACKLOG) duy trì trên 20.000 tỷ đồng sẽ giúp hoạt động kinh doanh CTD kỳ vọng phục hồi tích cực hơn trong những năm tới. Một số dự án trọng điểm: Lego, Vingroup, Doji...

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công 10 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 297.774 tỷ đồng, chỉ đạt 46,4% kế hoạch. MASVN kỳ vọng Chính phủ sẽ có động thái thúc đẩy đầu tư công trong những năm tới, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, cần kích cầu.

Năm 2022, MASVN dự báo doanh thu và lãi ròng của CTD ở mức 11.594 tỷ và 10 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và giảm 59%. Năm 2023, MASVN kỳ vọng CTD sẽ có sự phục hồi khi dự báo doanh thu và lãi ròng đạt 16.109 tỷ và 208 tỷ đồng, tăng 39% và 2.033%. Biên lợi nhuận gộp dự kiến phục hồi từ 3,6% lên 4,8%; mảng xây dựng kỳ vọng đạt 16.085 tỷ đồng doanh thu, tăng 18%.

EPS dự phóng năm 2023 ước đạt 2.780 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E dự phóng 2023 ở mức 14,1 lần. MASVN đánh giá tích cực dành cho CTD dựa trên kỳ vọng hoạt động có sự phục hồi mạnh từ năm 2023 sau giai đoạn tái cấu trúc; ngành bất động sản, cũng như mảng đầu tư công Chính phủ kỳ vọng khởi sắc thúc đẩy nhu cầu xây dựng.

MASVN cho biết cổ phiếu CTD đạt mức cao mới trong 1 tháng trở lại đây, và xác lập xu hướng tăng trong ngắn hạn. Cổ phiếu này sẽ kiểm định ngưỡng cản quanh 45.000 đồng/cổ phiếu, nếu vượt qua thì khoảng giá trên sẽ rộng và CTD có cơ hội tiếp cận ngưỡng cản quanh 70.000 đồng/cổ phiếu.

MASVN khuyến nghị mua cổ phiếu CTD với giá mục tiêu 49.800 đồng/cổ phiếu.

Tin mới lên