Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/5): DIG, SAB và OCB

Tân Mai - 13/05/2022 07:32 (GMT+7)

(VNF) - Mới đây, trong hai phiên 20/4 và 27/4, Him Lam đã bán ra hơn 4,3 triệu cổ phiếu DIG, giảm số cổ phiếu nắm giữ về hơn 24,9 triệu đơn vị, tương ứng hạ tỷ trọng xuống dưới 5%, chính thức rời ghế cổ đông lớn của doanh nghiệp.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/5): DIG, SAB và OCB

Yuanta: Khuyến nghị quan sát đối với cổ phiếu DIG

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) ghi nhận doanh thu gần 520 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 24,5% lên 33,3%, doanh nghiệp thu về hơn 172 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 40% cùng kỳ.

Kết quả là DIG báo lãi sau thuế trên 61 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng thu về khoảng 677 triệu đồng mỗi ngày.

Phía DIG cho biết, doanh thu thuần và tài chính ba tháng đầu năm phần lớn đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chẳng hạn như chuyển nhượng căn hộ dự án Gateway Vũng Tàu và dự án CSJ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Nam Vĩnh Yên, chuyển nhượng nhà thô dự án Hiệp Phước. Đó cũng là yếu tố bổ trợ tăng trưởng lợi nhuận trong kỳ.

Năm 2022, đại hội cổ đông DIG giao kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập khác 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng, lần lượt tăng 43% và 48% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc quý I, DIG mới hoàn thành chưa đầy 5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Mới đây, trong hai phiên 20/4 và 27/4, Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam đã bán ra hơn 4,3 triệu cổ phiếu DIG, đưa tỷ lệ sở hữu từ 5,856% giảm xuống còn 4,987%, ước tính thu về gần 290 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu DIG còn nắm giữ là hơn 24,9 triệu đơn vị, dưới mức 5%, đồng nghĩa với việc rời khỏi chiếc ghế cổ đông lớn doanh nghiệp.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, mức stock rating của DIG ở mức 89 điểm cho thấy đánh giá mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực. Đồ thị giá DIG đóng cửa tăng 7% với khối lượng giao dịch tăng mạnh trên mức khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên và khối lượng giao dịch đã cải thiện trong hai phiên giao dịch gần đây.

Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu giảm dần và đồ thị giá bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ biến động hẹp ở những phiên giao dịch tới. Vì thế, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục quan sát và có thể xem xét mua cổ phiếu DIG nếu đồ thị giá vượt được mức kháng cực 60.900 đồng/cổ phiếu.

SSI: Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu SAB

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB) công bố doanh thu và lợi nhuận ròng quý I đạt 7.300 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,7% và 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, nếu không tính các khoản bất thường trong quý I, thì lợi nhuận ròng của SAB sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 49%.

Trong quý, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 29,2% lên 29,8%, nhờ các đợt tăng giá gần đây, đồng thời cơ cấu doanh thu cải thiện và các sáng kiến cắt giảm chi phí hiệu quả. 

Năm 2022, hãng bia Sài Gòn đặt kế hoạch doanh thu 34.800 tỷ đồng (tăng 32% so với thực hiện năm trước), lợi nhuận ròng 4.600 tỷ đồng, tăng trưởng 17%, phù hợp với ước tính của SSI.

Thời gian qua, SAB đã hoàn thành việc mở rộng 2 nhà máy là nhà máy bia Lâm Đồng, công suất 100 triệu lít/năm; và nhà máy bia Quảng Ngãi, công suất 250 triệu lít/năm (tăng gấp đôi công suất trước đây). SSI tin rằng việc mở rộng này sẽ đáp ứng được mức tăng trưởng dự kiến trong 2 năm tới, với tổng công suất của SAB là hơn 2 tỷ lít/năm.

Tuy nhiên, trong suốt 2 năm qua, các nhà máy đều hoạt động ở mức 60 - 80% công suất thiết kế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Về thị phần, SAB đã giành thêm được thị phần trong năm qua nhờ có thương hiệu và chất lượng sản phẩm được cải thiện. Ngoài ra, trong 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19 vừa qua, phân khúc bia phổ thông đạt tăng trưởng tốt trong khi phân khúc bia cao cấp giảm xuống.

SSI duy trì ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 lần lượt là 32.000 tỷ đồng (tăng 21,6% so với cùng kỳ) và 4.700 tỷ đồng (tăng 19,6% so với cùng kỳ). Công ty chứng khoán này đưa ra giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu SAB là 188.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 14%), dựa trên P/E mục tiêu là 28 lần và phương pháp DCF.

Do đó, SSI lặp lại khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu. Ở mức giá hiện tại là 164.900 đồng/cổ phiếu, SAB đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 2022 là 24,8 lần và EV/EBITDA là 13,1 lần, thấp hơn mức trung bình lịch sử lần lượt là 32,8 lần và 19,2 lần.

PHS: Khuyến nghị mua OCB với giá mục tiêu 33.000 đồng/cổ phiếu

Năm 2022, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) đặt kế hoạch dư nợ thị trường 1 tăng 25% so với năm trước lên 129.000 tỷ đồng, huy động thị trường 1 tăng 23% lên 155.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế kế hoạch tăng 29% cùng kỳ lên 7.110 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Cũng trong năm nay, OCB tiếp tục định hướng tập trung vào hoạt động bán lẻ và các phân khúc ưu tiên của ngân hàng, mở rộng sản phẩm, đa dạng hóa nguồn thu, chuyển đổi số toàn diện, kết nối hệ sinh thái và số hóa quy trình nội bộ, duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Moody’s và đạt xếp loại hạng A theo Thông tư 52/2018/TTNHNN

OCB sẽ hoàn thành phát hành 50 tỷ đồng cổ phiếu ESOP và 700 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ cho Aozora theo nghị quyết của đại hội cổ đông thường niên năm 2021 trong năm nay. Đồng thời, thông qua phát hành ESOP, phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 30% nhằm đạt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 17.885 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo cho biết sẽ có nhiều biến động ảnh hưởng đến danh mục kinh doanh như trái phiếu chính phủ nên năm nay khả năng kinh doanh trái phiếu chính phủ sẽ gặp khó khăn. Ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động, khó tăng lãi suất cho vay, vốn tín dụng sẽ chạy về doanh nghiệp sản xuất, tạo ra môi trường cạnh tranh gay gắt cho các ngân hàng.

Ban quản trị cho biết hoạt động bán lẻ cạnh tranh gay gắt, động lực tăng trưởng cho vay bán lẻ của OCB đến từ hợp tác với Boston Consulting Group để số hóa trải nghiệm của khách hàng, nhắm đến các trải nghiệm thực tế; tập trung vào phân khúc khách hàng cụ thể: người lao động có thu nhập trung bình (25-35 tuổi) đang mong muốn để tìm mua nhà. Cho vay mua nhà ở xã hội là hoạt động được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích; sản phẩm cho vay hấp dẫn.

OCB cũng cho biết dư nợ cho Tập đoàn FLC vay ở mức 1.500 tỷ đồng với tài sản đảm bảo trên 2.000 tỷ đồng, chủ yếu cho 2 dự án là Hạ Khánh 1 và Hạ Khánh 2. Các tài sản đảm bảo đều là tài sản có sổ và không phải là tài sản hình thành trong tương lai. Việc ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT của FLC) bị bắt là rủi ro lớn, do đó OCB đã tăng cường kiểm soát dòng tiền, số tiền FLC đang đợi thu về là 2.400 tỷ đồng, tức đủ khả năng trả nợ.

Đối với khoản vay trên 1.000 tỷ đồng của công ty sản xuất găng tay của bà Nguyễn Phương Hằng (Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam), theo OCB, việc bà Hằng bị bắt là rủi ro đối với ngân hàng. Ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Đại Nam - chồng bà Hằng) đã xử lý 450 tỷ đồng cho OCB. Được biết ông Dũng cũng đang bán các tài sản khác trị giá 4.500 tỷ đồng, đủ để trả nợ cho tất cả các ngân hàng.

Kết thúc quý I, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 1.115 tỷ đồng (giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 15,7% kế hoạch cả năm. Do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ trong báo cáo tài chính quý I, nên lợi nhuận sau thuế đạt 836 tỷ đồng (giảm 17,4% cùng kỳ). Dư nợ tín dụng tăng 6%, tổng tài sản tăng 2%.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) tin rằng thực hiện chiến lược chuyển đổi số toàn diện và tập trung phát triển cho vay bán lẻ và cho vay SME và MSME, cùng với sự hợp tác chiến lược với Aozora Bank sẽ tạo động lực tăng trưởng cho OCB trong năm 2022.

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư và P/B, PHS xác định giá hợp lý đối với mỗi cổ phiếu OCB là 33.000 đồng/cổ phiếu, từ đó khuyến nghị mua cổ phiếu này.

Cùng chuyên mục
Tin khác