Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
6 tháng đầu năm, doanh thu của Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) đạt 54.342 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ, đạt 68% kế hoạch năm) và lợi nhuận sau thuế đạt 8.636 tỷ đồng (tăng 100%, đạt 122% kế hoạch năm).
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), kết quả tích cực của GAS trong nửa đầu năm đạt được nhờ giá dầu và giá LPG tăng, giá bán các mảng hoạt động tăng góp phần đưa mức tỷ suất lợi nhuận gộp chung tăng từ 17,5% lên 22,3%.
Tại cuộc họp do GAS tổ chức vào tháng 9 vừa qua, ban lãnh đạo công ty ước tính lũy kế ba quý đầu năm 2022, GAS dự kiến đạt 76,5 nghìn tỷ đồng doanh thu (30% so với cùng kỳ), và 14 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 61,8%).
Cho cả năm 2022, ban lãnh đạo GAS ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế sẽ lần lượt đạt 100 nghìn tỷ đồng (tăng 26,6%) và 15,5 nghìn tỷ đồng (tăng 38,4%).
Theo VCBS, sản lượng tiêu thụ khí dự báo hồi phục do tăng trưởng nhu cầu sản xuất. Nhiệt điện khí được xác định sẽ là nguồn năng lượng thay thế khi sản lượng than đầu vào của điện than giảm, khí hậu nắng khô tại các thủy điện.
VCBS nhấn mạnh về triển vọng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và dự án Lô B – Ô Môn. Trữ lượng khí tại khu vực Tây Nam Bộ sẽ suy giảm và nhằm đáp ứng nhu cầu thiết hụt điện ở khu vực Đông Nam Bộ, GAS xây dựng kế hoạch dự án Lô B – Ô Môn và dự án nhập khẩu khí LNG để bổ sung nguồn khí trong những năm tới.
Với khả năng duy trì kết quả hoạt động kinh doanh tích cực trong năm 2022 và triển vọng kết quả kinh doanh năm 2023, VCBS cho rằng GAS vai trò là công ty đầu ngành, vẫn là cổ phiếu ưa thích của công ty này trong ngành dầu khí.
VCBS đưa dự phóng giả định giá dầu Brent cho năm 2022-2023 ở mức 90-85 USD/thùng, tạm thời chưa đưa dự án kho cảng LNG Thị Vải vào mô hình định giá do chưa có thêm thông tin cụ thể.
Ngoài ra, một số dự án lớn và quan trọng chưa đưa vào vận hành theo đúng kế hoạch phát triển nguồn cung khí trong dài hạn như dự án Lô B – Ô Môn cũng tạm chưa đưa dự án này vào mô hình định giá.
VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 và năm 2023 lần lượt đạt 100.871 tỷ đồng (tăng 28%) và 92.264 tỷ đồng (giảm 8%). Lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 đạt 13.083 tỷ đồng (tăng 55%) và 11.169 tỷ đồng (giảm 20%).
EPS dự phóng năm 2022 đạt 6.722 đồng/cổ phiếu và EPS dự phóng năm 2023 đạt 5.736 đồng/cổ phiếu.
VCBS sử dụng phương pháp định giá dòng tiền DCF và so sánh tương đối PE đưa ra giá mục tiêu của GAS là 125.879 đồng/cổ phiếu (tăng 18,7% so với giá đóng cửa ngày 10/10/2022).
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá cao đóng góp của hoạt động thu phí cho hoạt động kinh doanh chung của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HoSE: IJC) trong thời gian qua.
Bên cạnh đóng góp về lợi nhuận, nguồn thu phí giúp trang trải cho chi phí hoạt động, chi phí tài chính và đảm bảo chi trả cổ tức cho cổ đông. Điều này giúp IJC đảm bảo sự an toàn về tài chính, thanh khoản nếu thị trường bất động sản bị suy giảm. Đây là điểm quan trọng hiện tại khi bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, các quỹ đất của IJC cũng đa dạng hơn về vị trí với sản phẩm bình dân, trung bình lẫn cao cấp. Điều này giúp hoạt động bất động sản của IJC được ổn định và nắm bắt cơ hội tốt hơn. Theo thống kê của BVSC, quỹ đất sạch của IJC khoảng 49ha trong đó khoảng 30ha tập trung ở Bình Dương.
Tuy nhiên, năng lực bán hàng và phát triển dự án của IJC chưa thật sự tốt. Điều này thể hiện ở việc quỹ đất không chủ động phát triển mà phụ thuộc vào Becamex; cấu trúc sản phẩm chưa phù hợp; và chưa có đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp.
Theo BVSC, kết quả kinh doanh 2022 của IJC có khả năng không hoàn thành kế hoạch Tính đến ngày 30/6, doanh thu đạt 1.238 tỷ, giảm 37% so với cùng ký. Lợi nhuận ròng là 363 tỷ, giảm 22% và hoàn thành 53% kế hoạch.
Thị trường bất động sản chậm lại đáng kể từ cuối quý II làm ảnh hưởng đến tiến độ bán hàng của doanh nghiệp bất động sản nói chung và IJC.
Ngoài ra, quan sát số dư doanh thu chưa thực hiện (người mua trả tiền theo tiến độ) tại 30.6 là 223 tỷ, giảm đáng kế so với mức 710 tỷ vào đầu năm. Do đó, công ty không bán sỉ đất cho Becamex như mọi năm thì doanh thu từ bán lẻ bất động sản cho nửa cuối năm 2022 sẽ không còn nhiều dư địa ghi nhận.
BVSC dự phóng doanh thu năm 2022 của IJC đạt 1.965 tỷ, giảm 25%. Lợi nhuận ròng là 537 tỷ, giảm 13%.
BVSC dự báo triển vọng dài hạn sẽ khả quan hơn vào 2024-2025. Với chính sách tiền tệ đang kiểm soát để ổn định kinh tế vĩ mô, BVSC cho rằng các doanh nghiệp bất động sản sẽ đối mặt với thách thức hơn trong những tháng cuối năm.
Đối với IJC, doanh số bán hàng chịu tác động sẽ là khó khăn lớn nhất, và gián tiếp ảnh hưởng đến triển vọng kết quả kinh doanh.
Với kịch bản FED chấm dứt quá trình tăng lãi suất vào nửa đầu năm 2023, quan điểm chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt hơn vào nửa cuối 2023. Theo đó, thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ cải thiện hơn vào nửa sau 2023 và phục hồi vào 2024.
BVSC cho rằng IJC nói riêng và doanh nghiệp BDS nói chung đang có những áp lực từ nay đến nửa đầu 2023. Các rủi ro này đã và đang phản ánh sớm lên giá cổ phiếu IJC. Kết quả kinh doanh không lạc quan sau đó sẽ thể hiện nhiều hơn vào lợi nhuận trong 1-2 quý tới.
Tuy nhiên, xét trên quan điểm quỹ đất và định giá, BVSC cho rằng cơ hội tích lũy cho mục tiêu trung và dài hạn đang mở ra. Và sự phục hồi diễn ra sớm hoặc cần thời gian sẽ phụ thuộc nhiều vào kiểm soát soát lạm phát, và cụ thể là quan điểm điều hành chính sách tiền tệ.
Kịch bản chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt hơn vào nửa sau 2023. Hoạt động kinh doanh của IJC sẽ phục hồi do quỹ đất sẵn sàng kinh doanh; và thị trường bất động sản Bình Dương thanh khoản hơn với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài như Capitaland, Gamuda, VSIP…
BVSC cho rằng giá cổ phiếu IJC vẫn đang định giá thấp so với giá trị hợp lý. Theo ước tính thận trọng của BVSC, giá hợp lý mỗi cổ phần IJC là 25.163 đồng/cổ phiếu, cao hơn 92,8% giá thị trường ngày 11/10/2022. BVSC khuyến nghị khả quan với cổ phiếu IJC cho mục tiêu đầu tư trung hạn.
Nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến sự phục hồi ấn tượng của ngành hàng không Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - Công ty Cổ phần (UPCoM: ACV) đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 61,6% so với cùng kỳ), tương đương 30% doanh thu hợp nhất năm 2019.
Lợi nhuận trước thuế đạt 4,3 nghìn tỷ đồng (tăng 188% so với cùng kỳ), kết quả này một phần đến từ việc công ty đã ghi nhận khoản lãi tỷ giá 1,7 nghìn tỷ đồng do đồng Yên Nhật giảm giá.
Nếu loại trừ khoản thu nhập này, lợi nhuận trước thuế của ACV đạt 2,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 26% lợi nhuận trước thuế năm 2019.
Trong nửa đầu năm 2022, lượng khách đến các sân bay Việt Nam đạt 23,3 triệu lượt (tăng 74% so với cùng kỳ), tương đương 60% kết quả 6 tháng đầu năm 2019.
Trong đó, lượng hành khách nội địa đạt 21 triệu lượt. Theo Công ty chứng khoán SSI, đây là một điểm tích cực trong kết quả kinh doanh của ACV, cho thấy mức tăng 21% so với năm 2019, kết quả này rất ấn tượng khi Việt Nam mới nối lại các chuyến bay kể từ tháng 3 năm nay.
Tuy nhiên, mức phục hồi lượng hành khách quốc tế thấp hơn nhiều. Hành khách quốc tế chỉ đạt 2,3 triệu lượt sau 6 tháng, tương đương 11% so với kết quả năm 2019.
Đây là lý do chính khiến tốc độ phục hồi lợi nhuận chậm hơn nhiều so với mức phục hồi lượng hành khách, do doanh thu từ hành khách quốc tế cao gấp khoảng 4-5 lần khách nội địa.
Động lực từ các chuyến bay nội địa vào năm 2022. Lượng hành khách nội địa tiếp tục hồi phục ấn tượng, với 61 triệu lượt khách sau 8 tháng đầu năm 2022 (trên thực tế, dữ liệu này chủ yếu phản ánh cho giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 10, điều này làm cho con số trở nên ấn tượng hơn rất nhiều).
Như vậy, kết quả này đã vượt xa năm 2019, một phần do nhu cầu bị dồn nén sau 2 năm ngừng khai thác các chuyến bay. Lượng hành khách quốc tế vẫn ở mức thấp và đang trong giai đoạn phục hồi với chỉ 5 triệu hành khách, tương đương 20% lượng khách vào năm 2019
Cùng với sự phục hồi của ngành hàng không, SSI cho rằng ACV đã có sự phục hồi vững chắc ở cả doanh thu và lợi nhuận ròng, trong khi các hãng hàng không vẫn đang gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí nhiên liệu cao và cạnh tranh gay gắt.
SSI tiếp tục duy trì quan điểm tích cực dành cho lĩnh vực này nói chung và ACV nói riêng, cho rằng công ty sẽ phục hồi nhanh hơn nữa vào năm 2023-2024 khi lượng hành khách quốc tế tăng lên.
Trong kịch bản cơ sở, SSI giả định Trung Quốc sẽ nới lỏng và dần dỡ bỏ chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và chính sách Zero- Covid vào quý I/2023, sau Đại hội Đảng Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10/2022.
Đó sẽ là chất xúc tác lớn cho toàn ngành, để khôi phục cả lượng khách đi và đến. Để lượng hành khách và doanh thu, lợi nhuận trở lại mức bình thường trước Covid, SSI nghĩ rằng cần đợi đến giữa năm 2024.
Về rủi ro lãi suất và tỷ giá, SSI thấy rủi ro này không đáng quan ngại đối với ACV. Cụ thể, công ty hiện đang có khoản vay dài hạn 78 tỷ Yên (kỳ hạn 40 năm) với lãi suất cố định. SSI cũng giả định rằng đồng Yên Nhật sẽ có xu hướng giảm giá so với VND trong 1-2 năm tới, do đó rủi ro lỗ tỷ giá là không cao.
Tuy nhiên, trong các dự án sắp tới nói trên, rủi ro này có thể tăng lên do các khoản vay mới sẽ không còn là vốn vay ODA nữa mà là các khoản vay thương mại với lãi suất thả nổi và cao hơn.
SSI khuyến nghị khả quan cổ phiếu ACV với giá mục tiêu 88.000 đồng/cổ phiếu.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.