Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/1): PLX, DCM và TCD

(VNF) - PHS kỳ vọng kết quả kinh doanh của PLX sẽ cải thiện rõ rệt trong năm 2022 khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát và giá dầu ổn định ở mức 70 USD/thùng, giúp cho doanh thu có thể chinh phục ngưỡng 77.600 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế cán mốc 4.200 tỷ đồng, tăng trưởng gần 40%.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/1): PLX, DCM và TCD

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (20/1): PLX, DCM và TCD

PHS: Khuyến nghị mua PLX với giá mục tiêu 62.800 đồng/cổ phiếu

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) tiền thân là Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, thành lập vào năm 1995. Petrolimex chủ yếu xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối và bán lẻ các sản phẩm xăng dầu.

PLX là nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất thị trường nội địa với hơn 50% thị phần, mạng lưới phân phối hơn 2.700 cửa hàng trực thuộc và 2.800 đại lý trên toàn quốc. PLX cũng hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh khác như bảo hiểm, ngân hàng, vận tải với các thương hiệu PLC, PGC, PG Bank, PG Insurance.

Tại báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng doanh thu của PLX sẽ cải thiện rõ rệt trong năm 2022 khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng cao. PHS cho rằng với giá dầu ổn định ở mức 70 USD/thùng, doanh thu của PLX có thể đạt 77.600 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 4.200 tỷ đồng, tăng trưởng 39%.

Lưu ý rằng từ năm 2021, biên lợi nhuận của PLX đã có sự cải thiện khi nền kinh tế nhanh chóng phục hồi trở lại trạng thái bình thường, dẫn đến giá dầu thô và giá các sản phẩm xăng dầu tăng nhanh.

Cùng với việc sở hữu thị phần cung cấp xăng dầu nội địa lớn nhất cả nước, nghị định 95/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 sẽ giúp ổn định giá xăng dầu hơn và hỗ trợ đảm bảo lợi nhuận của PLX trước những biến động bất lợi của giá cả quốc tế.

Mặt khác, trong khi mức tiêu thụ xăng dầu trên đầu người của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực thì tốc độ tăng trưởng ô tô đang diễn ra rất nhanh chóng và người dân có xu hướng di cư ra xa các trung tâm đô thị. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu thụ xăng dầu và thắp sáng triển vọng dài hạn cho PLX.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá hợp lý của PLX là 62.800 đồng/cổ phiếu. Do đó, công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị mua với triển vọng tăng giá khoảng 14%. Lưu ý rằng định giá của PHS không bao gồm dự án LNG Mỹ Giang (Nam Vân Phong) do sự không chắc chắn và thiếu thông tin cần thiết trong giai đoạn được định giá.

Yuanta: Khuyến nghị quan sát đối với DCM

Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021 với nhiều đột phá. Theo đó, DCM ghi nhận sản lượng sản xuất ước đạt gần 900.000 tấn ure trong năm 2021, vượt 3% so với kế hoạch đề ra; sản lượng tiêu thụ gần 1 triệu tấn, bám sát kế hoạch.

Đáng chú ý, DCM báo cáo tổng doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.820 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và gấp gần 3 lần so với năm 2020. Đây là kết quả kinh doanh tươi sáng nhất suốt 10 năm hoạt động của doanh nghiệp.

Trước đó, sau khoảng thời gian 9 tháng tích cực, DCM đã tăng kế hoạch doanh thu hợp nhất lên 9.168 tỷ đồng (từ 7.839 tỷ đồng, tăng 18%) và lợi nhuận sau thuế lên 867 tỷ đồng (từ 197 tỷ đồng, gấp 4,5 lần). Như vậy, DCM đã vượt gần 10% chỉ tiêu về doanh thu và vượt 110% chỉ tiêu lợi nhuận điều chỉnh cả năm 2021.

Được biết, lợi nhuận khởi sắc của DCM xuất phát từ việc giá bán sản phẩm ure liên tục tăng cao trong thời gian qua. Xét riêng quý III, giá bán bình quân sản phẩm ure đã tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng này được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón trên toàn cầu và các chính sách hạn chế xuất khẩu của các quốc gia như Trung Quốc, Nga. Bên cạnh đó, DCM đã đưa vào vận hành chính thức nhà máy phân bón NPK với công suất 300.000 tấn/năm (bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ tháng 4/2021), giúp cải thiện đáng kể sản lượng sản xuất trong năm.

Năm 2022, DCM đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu ước đạt gần 9.060 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hơn 513 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 40% so với kế hoạch năm ngoái. Nhấn mạnh rằng, DCM là doanh nghiệp thường xuyên đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng.

Nhận định giá cổ phiếu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) vừa duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của DCM khi mức stock rating đang mốc 86 điểm. Tuy nhiên, sức mạnh giá của cổ phiếu này vẫn thấp hơn 80 điểm cho thấy dòng tiền vẫn chưa quay trở lại cổ phiếu này.

Đồ thị giá của DCM vừa đóng cửa tăng 7% và đồ thị giá xuất hiện mô hình nến đảo chiều cho thấy đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục ở 1-2 phiên giao dịch tới. Đồng thời, đồ thị giá của DCM hồi phục trở lại mức hỗ trợ 61,8% của Fibonacci nhưng xu hướng ngắn hạn của DCM vẫn duy trì ở mức giảm.

Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục quan sát đối với cổ phiếu này.

MASVN: Khuyến nghị mua dành cho TCD

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Công nghiệp và Vận tải (HoSE: TCD) là doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Bamboo Capital (BCG) nên được thừa hưởng những thuận lợi và hậu thuẫn từ công ty mẹ, hỗ trợ cho việc tăng trưởng trong giai đoạn 2-3 năm tới, đặc biệt là thi công những dự án bất động sản và năng lượng tái tạo.

Theo ước tính từ TCD, giá trị xây lắp trong giai đoạn 2022-2024 đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. TCD có kinh nghiệm và năng lực để triển khai các dự án bất động sản và năng lượng lớn, chẳng hạn như dự án King Crown City tổng giá trị thi công 7.450 tỷ đồng; dự án King Crown Infinity tổng giá trị thi công 3.113 tỷ đồng; dự án Radisson Blu Hội An tổng giá trị thi công 2.258 tỷ đồng; dự án nhà máy điện mặt trời Gia Lai với công suất 400MW; nhà máy năng lượng gió Khai Long 1, 2 và 3 với tổng công suất 300MW, giá trị thi công gần 5.200 tỷ đồng.

Giá trị back-log khoảng 7.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2022-2024 đảm bảo doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong các năm sắp tới từ các dự án lớn như Hội An D’or, Casa arina và các nhà máy năng lượng.

Bên cạnh đó, mảng hoạt động khai thác đá nguyên liệu hiện đang được công ty con của TCD là Công ty TNHH Liên doanh Khai thác và Chế biến vật liệu xây dựng An Giang (ANTRACO) thực hiện. Vị trí địa lý của mỏ đá ANTRACO tạo điều kiện rất thuận lợi đối với việc vận chuyển sản phẩm tới các dự án trong khu vực, đồng thời là mỏ đá duy nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm.

Ngoài mỏ đá hiện có, TCD đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội M&A thêm mỏ đá nằm trong khu vực có kế hoạch phát triển mạnh về các dự án hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, TCD hiện nắm giữ 29 triệu cổ phiếu TPB với giá vốn 33.000 đồng/cổ phiếu. Tính đến thời điểm cuối 31/12/2021, thị giá cổ phiếu TPB đã tăng gần 24% so với giá vốn mua vào.

MASVN đang khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCD với giá mục tiêu 34.700 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF. Với EPS dự phóng 2021 ước đạt 4.135 đồng, ROE đạt 37,4%, TCD đang giao dịch tại mức giá hấp dẫn P/E 5,6 lần theo giá đóng cửa ngày 19/1.

Cập nhật kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2021, TCD ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2021 đạt 2.101 tỷ đồng và 280 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 418% so với cùng kỳ năm 2020. 

MASVN ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của TCD lần lượt đạt 3.566 tỷ (tăng 25% so với năm trước) và 384 tỷ đồng, tăng 162%. Lợi nhuận trong kỳ tăng đột biến do ghi nhận các khoản lợi nhuận từ hợp đồng hợp tác đầu tư và lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết.

Tin mới lên