Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/1): DGC, DRC và STK

(VNF) - Năm 2022, Yuanta cho rằng DGC sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trong bối cảnh nhu cầu hóa chất dự báo tăng do ảnh hưởng từ Trung Quốc, đồng thời nhà máy axit phosphoric điện tử đã đi vào hoạt động, cùng với việc áp dụng công nghệ mới giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, cải thiện biên lợi nhuận gộp trong năm.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/1): DGC, DRC và STK

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (24/1): DGC, DRC và STK

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho DGC

Công Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) vừa công bố doanh thu quý IV/2021 đạt 3.456 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 1.401 tỷ đồng, tăng 476%.

Lũy kế năm 2021, DGC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ở mức 9.550 tỷ đồng và 2.514 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 165% so với năm 2020. Như vậy, nhà sản xuất hóa chất này đã hoàn thành vượt 26% kế hoạch doanh thu và vượt 129% kế hoạch lợi nhuận năm.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, doanh thu quý IV/2021 của DGC tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ sản lượng tiêu thụ tốt hơn với động lực là các dự án mới đi vào vận hành, chẳng hạn như Khai Trường 25 và nhà máy axit phosphoric, đồng thời giá sản phẩm trong quý được cải thiện.

Ngoài ra, DGC cũng áp dụng công nghệ mới giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, qua đó nâng biên lợi nhuận gộp quý IV/2021 lên 46,8%, trong khi cùng kỳ ở mức 24%. Thời gian tới, Yuanta cho rằng nhu cầu hóa chất sẽ vẫn trong xu hướng tăng đến ít nhất quý I/2022 do Trung Quốc tiếp tục giảm sản xuất mặt hàng hóa chất do vấn đề môi trường trước Thế vận hội Bắc Kinh, diễn ra vào tháng 2 năm nay.

Trong khi đó, năm 2022, nhà máy axit phosphoric điện tử mới với công suất 90.000 tấn/năm của DGC (đã vận hành thương mại từ quý IV/2021) sẽ là động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công nghệ mới giúp giảm chi phí cũng sẽ cải thiện biên lợi nhuận 2022.

Triển vọng ngắn hạn, kế hoạch thoái vốn 6 triệu cổ phiếu DGC còn lại của Vinachem từ 13/1/2022 – 11/2/2022 sẽ là thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu. Trước đó, tháng 12/2021, Vinachem đã bán hơn 9,1 triệu cổ phiếu DGC thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn với giá ước tính trung bình khoảng 160.000 – 170.000 đồng/cổ phiếu.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, DGC đang được giao dịch tại mức P/E dự phóng là 10,5 lần (tương ứng EPS 2021 là 13.125 đồng). Mức stock rating của DGC ở mức 93 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực.

Đồ thị giá của DGC tiến sát đường trung bình 20 ngày với khối lượng giao dịch tăng nhẹ và vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn chưa hoàn toàn quay trở lại với cổ phiếu này. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của DGC được nâng lên mức tăng.

Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng thị trường xác nhận tăng.

VDSC: Khuyến nghị mua DRC với giá mục tiêu 37.000 đồng/cổ phiếu

Kết thúc quý IV/2021, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC) báo lãi sau thuế sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận gộp thu hẹp và chi phí logistic ở mức cao, khiến lu mờ sự tăng trưởng của doanh thu (đạt 3.046 tỷ đồng, tăng 20% cùng kỳ).

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng doanh thu của DRC tăng tích cực trong quý chủ yếu là do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh đối với lốp radial và lốp bias tiêu chuẩn hóa tại các thị trường xuất khẩu, kết hợp với việc nới lỏng giãn cách tại Việt Nam để hỗ trợ sự phục hồi của sản lượng tiêu thụ lốp trong nước.

Dù vậy, do chi phí nguyên vật liệu (cao su, than, thép...) neo cao, đồng thời chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng khá cao đã "bóp nghẹt" lợi nhuận trong quý IV/2021. VDSC lưu ý, tốc độ tăng của các chi phí này trong quý cuối năm 2021 giảm hơn so với quý liền trước, cho thấy khả năng sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2022.

Lũy kế năm 2021, DRC đạt doanh thu 4.380 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2020) và lợi nhuận ròng đạt 291 tỷ đồng, tăng 14%, dẫn dắt bởi tăng trưởng kinh doanh mạnh mẽ trong nửa đầu năm, giúp bù đắp cho nửa cuối năm kém sắc do tác động của Covid-19.

Năm 2022, VDSC ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DRC ở mức 4.884 tỷ đồng và 372 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 28% so với năm ngoái. Công ty chứng khoán này giả định tổng sản lượng lốp radial sẽ tăng 17% so với cùng kỳ lên gần 744.000 lốp, trong đó sản lượng radial xuất khẩu và nội địa tăng lần lượt 16% và 20%.

VDSC kỳ vọng nhu cầu toàn cầu chuyển từ lốp bias sang lốp radial đã được củng cố tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt (Mỹ, Brazil). Bên cạnh đó, các sản phẩm lốp radial của DRC không gặp phải sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Mỹ, với tiền đề là tập trung vào thị trường ngách cho các sản phẩm lốp radial tiêu chuẩn hóa.

Mặt khác, được hỗ trợ bởi sự tích hợp của giải pháp kỹ thuật, nhà máy sản xuất lốp radial có thể chạy ổn định ở mức 744.000 lốp/năm vào năm 2022 so với mức trung bình 600.000 lốp/năm vào năm 2021. Ngoài ra, giai đoạn 3 của nhà máy radial, dự kiến ​​sẽ hoàn thành các mô-đun đầu tiên trong quý III/2021, nâng tổng công suất sản xuất thiết kế lên 800.000 lốp/năm sẽ là động lực tăng trưởng sản lượng của phân khúc lốp radial trong trung hạn.

Sử dụng tỷ trọng 50:50 cho kết hợp phương pháp định giá DCF và P/E để định giá cổ phiếu DRC, VDSC đưa ra giá trị hợp lý là 37.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E năm 2022 là 10,4 lần, tổng mức sinh lời là 34% với tỷ suất cổ tức tiền mặt là 6%.

VND: Định giá tích cực đối với STK

Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cho biết, trong quý IV/2021, doanh thu của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) giảm 13% so với cùng kỳ năm trước xuống 497 tỷ đồng, trong khi giai đoạn 9 tháng ghi nhận mức tăng trưởng 29%. Theo STK, sau khi hoạt động “3 tại chỗ” dừng vào tháng 10/2021, công nhân đã trở về nhà và một số người bị nhiễm Covid-19 từ người thân.

Do đó, các nhà máy thiếu lao động và không thể hoạt động hết công suất trong quý IV/2021 và hệ quả là doanh thu từ sợi tái chế giảm mạnh 44% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp trong quý giảm 2,4 điểm phần trăm xuống 15% trước việc giá dầu bật tăng gây ảnh hưởng đến giá PE đầu vào của doanh nghiệp (giá PE trung bình tăng 27% so với cùng kỳ).

Lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2021 giảm 28% so với cùng kỳ, chủ yếu do sự sụt giảm của biên lãi gộp. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng vẫn tăng 10% lên 75 tỷ đồng nhờ khoản hoàn thuế 21 tỷ đồng từ dự án Tràng Bàng 1 và 2.

Nhìn chung, doanh thu năm 2021 tăng 15% so với năm trước lên 2.042 tỷ đồng, còn lợi nhuận ròng tăng 92% và hoàn thành 101% dự phóng của VND.

VND thông tin, ban lãnh đạo STK kỳ vọng sẽ giành thêm thị phần từ thị trường nội địa trong thời gian tới nhờ hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá đối với sợi Trung Quốc. Theo đó, giá bán của sợi nhập khẩu từ Trung Quốc trong nửa đầu năm 21 thấp hơn 10-12% so với giá bán của STK. VND tin rằng việc hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá sẽ hỗ trợ STK cải thiện biên lợi nhuận gộp trong năm 2022-2023.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo STK dự kiến doanh thu sẽ tăng 13% vào tháng 1/2022 so với mức trung bình hàng tháng trong suốt quý IV/2021 nhờ sự phục hồi của lượng đặt hàng của khách hàng và năng lực sản xuất hồi phục của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, STK đang bổ sung, cung cấp thêm thông tin và tài liệu để xin cấp phép chào bán chứng khoán với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. STK dự kiến sẽ hoàn thành việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (khoảng 20% cổ phần) trong quý đầu năm nay.

Tin mới lên