Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (27/7): VCI, VCB và VHC

Tân Mai - 27/07/2022 06:58 (GMT+7)

(VNF) - Hết quý II, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE: VCI) công bố lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) đạt 301 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng tư vấn, vốn rất biến động đối với VCI, không thể bù đắp cho sự suy giảm của nghiệp vụ môi giới, nghiệp vụ cho vay ký quỹ và giao dịch tự doanh. Tuy nhiên, VCI đã hoàn thành 45% dự báo PATMI của Yuanta trong nửa đầu năm 2022.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (27/7): VCI, VCB và VHC

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCI

Trong quý II, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE: VCI) ghi nhận doanh thu từ nghiệp vụ môi giới đạt 310 tỷ đồng (giảm 12% quý liền trước/tăng 48% cùng kỳ) và thu nhập ròng từ nghiệp vụ môi giới là 128 tỷ đồng (giảm 59% quý liền trước/tăng 158% cùng kỳ).

Do dòng tiền từ nghiệp vụ ngân hàng đầu tư được ghi nhận vào cùng khoản mục với nghiệp vụ môi giới. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng vì vậy, khoản mục này khá biến động và khó có thể phân tích.

Thị phần quý II của VCI trên HoSE là 4,6%, con số này nhỉnh hơn so với các quý trước mà theo Yuanta là do tỷ lệ giá trị giao dịch của khối ngoại/tổng giá trị giao dịch đã tăng 2 điểm phần trăm trong quý. VCI một lần nữa vắng mặt trong bảng xếp hạng top 10 công ty chứng khoán trên HNX, nhưng giá trị giao dịch chiếm 2,8% tổng giá trị giao dịch của sàn UPCoM.

Lãi ròng từ giao dịch tự doanh đạt 77 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ trong quý II. Lãi đã ghi nhận là 196 tỷ đồng, giảm 28% cùng kỳ, trái ngược với khoản lỗ chưa ghi nhận là 118 tỷ đồng (so với quý I/2022 và quý II/2021 được ghi nhận lãi). Đây là quý có kết quả giao dịch tự doanh theo xu hướng thị trường tệ nhất kể từ quý I/2020.

VCI cũng đã ghi nhận 90 tỷ đồng lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), tính đến nay đây là con số lớn nhất trong mô hình của Yuanta. Kết quả là giá trị tài sản AFS giảm 17% so với quý I còn 4.500 tỷ đồng (tương đương 28% tổng tài sản) vào cuối quý II.

Lãi cho vay ký quỹ đạt 181 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Dư nợ ký quỹ giảm 21% so với quý liền kề, nhưng vẫn tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 4.600 tỷ đồng (tương đương 39% tổng tài sản) vào thời điểm cuối quý II.

Dựa trên con số bình quân dư nợ ký quỹ cuối kỳ, Yuanta ước tính lãi suất cho vay đạt trung bình 10% trong quý II, gần như tương ứng với ước tính quý I, nhưng giảm 50 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước.

VCI công bố lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (PATMI) trong quý II đạt 301 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng tư vấn, vốn rất biến động đối với VCI, không thể bù đắp cho sự suy giảm của nghiệp vụ môi giới, nghiệp vụ cho vay ký quỹ và giao dịch tự doanh. Tuy nhiên, VCI đã hoàn thành 45% dự báo PATMI của Yuanta trong nửa đầu năm 2022.

Yuanta vẫn duy trì khuyến nghị mua đối với VCI, dựa theo quan điểm tích cực đối với ngành chứng khoán nhờ vào tiềm lực cơ bản vững chắc và định giá hấp dẫn. Mức giá mục tiêu là 47.656 đồng/cổ phiếu. Yuanta ưa thích VCI, đặc biệt là định giá tương ứng với kỳ vọng ROE theo chu kỳ đạt khoảng đạt khoảng 20%, vốn được hỗ trợ bởi vị thể là công ty dẫn đầu mảng ngân hàng đầu tư và môi giới khối khách hàng tổ chức hàng tại Việt Nam.

VND: Khuyến nghị khả quan đối với VCB

Hết quý II, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) chứng kiến tăng trưởng trên nhiều phương diện, trong đó thu nhập lãi thuần (NII) tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong bối cảnh tín dụng tăng 19,8% cùng kỳ và NIM giảm nhẹ.

Cụ thể, tín dụng tăng trưởng 14,4% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành là 9,35%, chủ yếu nhờ mảng bán lẻ tăng trưởng cho vay 16,5% so với đầu năm. NIM giảm 11 điểm cơ bản so với cùng kỳ, về 3,39% trong quý II này khi lợi suất tài sản giảm 15 điểm cơ bản bù trừ với chi phí vốn giảm nhẹ 5 điểm cơ bản.

Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) nhận thấy CASA được cải thiện lên 34,4% cuối quý II/2022 từ mức 30,7% cuối quý II/2021 và 32,9% cuối quý IV/2021. Việc cải thiện CASA đã giúp VCB bù đắp một phần việc tăng lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn.

Thu nhập ngoài lãi (non-ii) tăng trưởng 75,7% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ thu nhập từ hoạt động ngoại hối (49,2% cùng kỳ) và thu hồi nợ xấu đã xử lý (145% cùng kỳ). Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 36,4% và chi phí dự phòng giảm 15,2% cùng kỳ, giúp lợi nhuận ròng tăng trưởng 50,1% cùng kỳ đạt 5.937 tỷ đồng.

Cũng theo VND, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh (TOI) của VCB hết quý II tăng 14,4% so với cùng kỳ. Trong đó, NII và non-II tăng trưởng lần lượt 17% và 7% so với quý II/2021.

Chi phí hoạt động tăng 8,5% cùng kỳ chủ yếu do chi phí khấu hao tăng 19,3%, dẫn đến CIR đạt 31,6% trong 6 tháng đầu năm. Chi phí dự phòng giảm 17% cùng kỳ, giúp lợi nhuận bán niên tăng 28% đạt 13.899 tỷ đồng, tương đương 52,4% dự báo cả năm của VND.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) giảm về 0,61% vào cuối quý II từ mức 0,81% cuối quý I và 0,64% cuối quý IV/2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt mức kỷ lục trong ngành 505,9% vào cuối quý II từ mức 372% cuối quý I và 424,4% cuối quý IV/2021.

VND dự báo NII và non-II của VCB tăng trưởng lần lượt 9,5% và 28,7% so với cùng kỳ trong năm 2022. NIM ở mức 3,2%, thấp hơn khoảng 10 điểm cơ bản so với năm 2021. CIR có thể đạt 33,5%, cao hơn mức 31% năm 2021 khi ngân hàng vẫn tiếp tục đầu tư vào công nghệ.

Chi phí tín dụng dự báo giảm về 0,97% từ mức 1,31% năm 2021 nhờ LLR cao. Chi phí dự phòng giảm 15% cùng kỳ, giúp lợi nhuận năm 2022 tăng 21% lên 26.512 tỷ đồng. Rủi ro giảm giá bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến có thể cản trở tăng trưởng tín dụng và nợ xấu cao hơn dự kiến.

Hiện VND khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VCB, giá mục tiêu 95.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 30% giá thị trường.

SSI: Khuyến nghị trung lập với cổ phiếu VHC

Trong 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) ghi nhận doanh thu đạt 7.400 tỷ đồng (tăng 82% so với cùng kỳ), nhờ doanh thu cá tra tăng 82% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 132% so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, mặc dù nhu cầu vẫn ổn định trong 5 tháng đầu năm, nhưng doanh thu cá tra trong tháng 6 vừa qua đã giảm 41% so với tháng trước.

Điều này là do nhu cầu giảm do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát, đồng thời một số nhà bán buôn bán phá giá hàng tồn kho ở Mỹ trong hai tuần cuối năm tài chính của họ (làm doanh thu sang thị trường Mỹ giảm 59% so với tháng trước).

Tuy nhiên, SSI lưu ý rằng doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng kể từ đầu quý II, khi quốc gia này mở cửa lại nền kinh tế và dỡ bỏ một số hạn chế tại các cảng biển.

Theo đó, doanh thu cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 46% so với cùng kỳ và 19% so với tháng trước. Điều này phù hợp với chiến lược mở rộng cơ sở khách hàng của VHC tại Trung Quốc trong thời gian tới. VHC đang cố gắng thâm nhập vào phân khúc cao cấp của thị trường Trung Quốc, nơi giá cả ít biến động

VHC kỳ vọng lợi nhuận sau thuế quý II đạt ít nhất 600 tỷ đồng (tăng 130% so với cùng kỳ, tăng 8% so với quý trước). VHC có các đơn đặt hàng để sản xuất đến hết quý III và các đơn đặt hàng quý IV với giá bán bình quân dự kiến sẽ ngang bằng với quý II.

SSI cho rằng, dù giá bán bình quân dự kiến sẽ tăng trở lại, nhưng sẽ không đạt được mức cao nhất trong quý II do nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu yếu đi; chi phí thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ giảm đi do giá hàng hóa đã ở mức cao nhất. SSI tin rằng tăng trưởng lợi nhuận của VHC đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm nay.

Năm 2022, SSI kỳ vọng VHC sẽ đạt doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 13.500 tỷ đồng (tăng 49% so với cùng kỳ) và 2.000 tỷ đồng (tăng 84% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm, ở mức 30% so với cùng kỳ. Năm 2023, công ty chứng khoán này ước tính VHC sẽ đạt doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 12.900 tỷ đồng (giảm 4,1% cùng kỳ) và 1.740 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ).

Với mức giá hiện nay, cổ phiếu VHC đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 7,2 lần và 8,5 lần, mức P/E trung bình lịch sử là 8 lần.

Giá mục tiêu 1 năm SSI đưa ra cho VHC là 90.100 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 14,3%), tương ứng với khuyến nghị trung lập. SSI cũng đã hạ P/E mục tiêu cho mảng thủy sản từ 9 lần xuống 8 lần (và mảng collagen và gelatin của VHC từ 13 lần xuống 12 lần) để phản ánh tăng trưởng xuất khẩu có khả năng sẽ chậm lại từ nửa cuối năm 2022.

Cùng chuyên mục
Tin khác