Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/12): BCG, HDG và DCM

Tân Mai - 03/12/2021 07:41 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 3/12, bao gồm BCG, HDG và DCM.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/12): BCG, HDG và DCM

Yuanta: Khuyến nghị nắm giữ đối với BCG

Mới đây, Công ty Cổ phần Bamboo Capital (HoSE: BCG) đã công bố kế hoạch phát hành hơn 148,7 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian tới. Như vậy khi đợt phát hành hoàn tất, vốn điều lệ BCG dự kiến sẽ tăng lên 4.463 tỷ đồng.

BCG cho biết, mục đích huy động vốn là để nâng cao năng lực tài chính đồng thời bổ sung nguồn vốn nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước đó, tháng 1/2021, BCG đã phát hành thành công 68 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và bất động sản.

Liên quan tới hoạt động huy động vốn, cách đây ít lâu, BCG cũng có nghị quyết phê duyệt phương án phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, lãi suất tính cho hai kỳ tính lãi đầu tiên là 11,5%/năm và là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.

Với nguồn vốn bổ sung, BCG dự kiến sử dụng 247 tỷ đồng cho Công ty TNHH Điện gió Đông Thành 2 vay, còn lại 253 tỷ đồng được cho vay tại Công ty Cổ phần BCG Wind Sóc Trăng. Thời gian giải ngân dự kiến trong quý I/2022.

Cập nhật kết quả kinh doanh, giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021, BCG ghi nhận 1.905 tỷ đồng doanh thu thuần và 701 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 13% và 580% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành được 87% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Nhận định về giá cổ phiếu BCG, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) vừa duy trì đánh giá tích cực mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này, trong điều kiện mức stock rating đang ở mức 88 điểm.

Yuanta cho biết, đồ thị giá của BCG đóng cửa phiên 1/12 tăng 7% và đạt mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn.

Ngoài ra, xu hướng ngắn và trung hạn của BCG vẫn duy trì ở mức tăng. Vì vậy, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu BCG.

MASVN: Khuyến nghị mua dành cho HDG

Lũy kế 9 tháng, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) khá ảm đạm với doanh thu thuần giảm 36% cùng kỳ, xuống còn 2.454 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế theo đó cũng giảm gần 30% về mức 729 tỷ đồng.

Trong kỳ, điểm tích cực đó là biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 40% lên 54%. Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm khá mạnh, trong khi chi phí bán hàng tăng đột biến, đặc biệt ở quý II.

Nhận xét về triển vọng kinh doanh, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, với mảng bất động sản, dự án Hado Charm Villas (Hà Nội) đang là một trong những mũi nhọn chính của cơ cấu doanh thu của HDG, tổng dự án có hơn 528 căn biệt thự.

Trong tháng 8/2021, doanh nghiệp đã hoàn thiện 100 căn, và đã bàn giao được 70 căn cho những khách hàng mua đợt 1. Doanh nghiệp tiếp tục lên kế hoạch mở bán đợt 2 trong quý IV/2021 khi dịch bệnh có phần suy giảm.

Ở mảng năng lượng, sản lượng điện thu của HDG đạt kết quả tốt, ước tính đạt 142 triệu KWh cho khoảng 10 tháng đầu năm nhờ thời tiết mưa nhiều thuận lợi cho thủy điện. Trong tháng 9 và tháng 10 có thêm đóng góp từ 2 nhà máy thủy điện mới là Sông Tranh 4 (vận hành thương mại ngày 4/9) và một phần nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 (vận hành thương mại 8/10).

Ngoài ra, dự án điện gió 7A đã chính thức được EVN công nhận ngày vận hành thương mại cho 4 tuabin gió cuối cùng. Theo đó, dự án đã hoàn tất vận hành thương mại cho toàn bộ 12 tuabin gió với tổng công suất 50MW trước thời hạn 1/11/2021, đủ điều kiện hưởng giá FIT ưu đãi 8,5 cent/kWh.

MASVN dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của HDG ở mức 4.248 tỷ đồng và 1.395 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020.

MASVN ước tính trong năm, biên lợi nhuận tiếp tục duy trì ở mức cao 57% so với mức 41,5% cùng kỳ; doanh thu từ mảng năng lượng cải thiện khi nhiều nhà máy được đưa hoạt động trong giai đoạn cuối năm; chi phí bán hàng tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ ở mức 113 tỷ.

Với giả định HDG tiếp tục hưởng lợi từ quỹ đất rẻ của dự án Charm Villas, công ty chứng khoán này dự phóng doanh thu thuần năm 2022 sẽ đạt 5.523 tỷ (tăng 30% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1.631 tỷ đồng (tăng 46%). Tương ứng, EPS dự phóng năm 2022 ở mức 9.970 đồng, P/E dự phóng đạt 7,2 lần - thấp hơn mức trung bình 5 năm của HDG.

Hiện MASVN khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HDG với giá mục tiêu 12 tháng là 92.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 26% so với giá đóng cửa phiên 2/12.

AGR: Khuyến nghị mua DCM, giá mục tiêu 46.600 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) là doanh nghiệp sản xuất phân bón với sản phẩm chủ lực là phân Urea và phân NPK. Hưởng lợi từ việc giá phân bón tăng mạnh trong thời gian qua, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) dự báo kết quả kinh doanh của DCM sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong quý IV/2021 và duy trì cho tới nửa đầu năm 2022.

Nhìn lại 9 tháng đầu năm 2021, DCM ghi nhận doanh thu đạt 6.333 tỷ đồng (tăng 16,4% cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 860 tỷ đồng (tăng 84% cùng kỳ), vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm. Động lực tăng trưởng tới từ sự thăng hoa của giá các loại phân bón, xu hướng này được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón trên toàn cầu và các chính sách hạn chế xuất khẩu của các quốc gia như Trung Quốc, Nga.

AGR nhận định, quý IV, giá Urea thế giới trung bình đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ và tăng 50% so với quý liền trước. Do đó, công ty chứng khoán này đánh giá kết quả kinh doanh quý cuối năm của DCM sẽ có mức tăng trưởng tốt ngay cả khi nhà máy Ure Cà Mau có lịch bảo trì trong quý IV này.

Bên cạnh đó, ngay khi quá trình bảo dưỡng nhà máy hoàn thành, DCM dự kiến tăng tải nhà máy lên 112% công suất để đáp ứng được nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân.

Thêm một điểm sáng, là từ quý III, DCM đã đưa và vận hành chính thức nhà máy phân bón NPK với công suất 300.000 tấn/năm (bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ tháng 4/2021). AGR cho rằng, nhà máy sẽ chỉ đạt từ 25 - 30% công suất trong năm 2021, nhưng kỳ vọng sẽ vận hành với hiệu suất cao hơn nhiều trong năm 2022.

AGR dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của quý IV/2021 có thể đạt tới 300% so với cùng kỳ, và kéo dài sang đến đầu năm 2022. Chính vì vậy, AGR khuyến nghị mua dành cho DCM với giá mục tiêu 46.600 đồng/cổ phiếu trong 3 tháng tiếp theo (triển vọng tăng 20% so với thị giá hiện tại).

Cùng chuyên mục
Tin khác