'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 17.245 tỷ đồng (tăng 24,2% so với cùng kỳ) và 4.260 tỷ đồng (tăng 45,9% so với cùng kỳ). Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VietinBank là một trong vài ngân hàng vẫn tiếp tục có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh so với quý liền kề với mức tăng 27,6%.
Quý IV/2022, tín dụng của VietinBank đạt 1.279 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với quý trước và đưa tín dụng cả năm của VietinBank tăng 12,2% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 5 năm qua của CTG.
Cuối quý IV/2022, CTG chỉ nắm giữ 4.679 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 61% so với quý trước đưa tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng của VietinBank về mức 0,4%.
Quý IV/2022, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đạt mức 1,24% (giảm 18 điểm cơ bản so với quý liền kề), nợ nhóm 2/cho vay khách hàng tăng 55 điểm cơ bản so với quý III lên mức 2,35% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 34% so với quý III về mức 188%.
Các chỉ số chất lượng tài sản biến động không nhiều so với cuối quý III/2022, tuy nhiên VietinBank đã sử dụng 15.018 tỷ đồng trích lập dự phòng để ghi giảm nợ xấu. Khoản ghi giảm nợ xấu này tương đương 1,18% dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank.
Quý IV/2022, NIM VietinBank đạt mức 3,01%, tăng 18 điểm cơ bản so với cùng kỳ và giảm 8 điểm cơ bản so với quý liền kề. NIM VietinBank mở rộng so với cùng kỳ nhờ lợi suất sinh lợi trên tài sản tăng nhanh hơn so với chi phí vốn. Trong quý này, chi phí vốn của CTG ở mức 4,29%, tăng 102 điểm cơ bản so với cùng kỳ và tăng 70 điểm cơ bản so với quý liền kề.
Mức tăng chi phí vốn của VietinBank thấp hơn một chút so với nhóm ngân hàng tư nhân nhờ duy trì được tỷ lệ CASA và tiền gửi kho bạc tăng lên khá mạnh. Lợi suất sinh lợi của VietinBank đạt mức 7,3%, tăng 62 điểm cơ bản so với quý III/2022 và tăng 120 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Lợi suất sinh lợi tăng do mặt bằng lãi suất cho vay tăng lên, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng tăng lên cũng như VietinBank không còn phải hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ như những năm trước do tác động của đại dịch Covid19. BVSC cho rằng áp lực về NIM của VietinBank có thể sẽ giảm trong những quý tới bớt khi mặt bằng lãi suất đã ở mức cao và nhiều khả năng sẽ không tăng lên thêm trong năm 2023.
Theo BVSC, VietinBank là một trong những ngân hàng có sự cải thiện mạnh mẽ nhất trong vài năm qua. Trong giai đoạn từ 2018-2022, CTG tăng trưởng lợi nhuận su thuế bình quân là 33,8%, ROE tăng từ mức 8% lên 16,7%.
Trong hai năm vừa qua, VietinBank đã đẩy mạnh hoạt động trích lập dự phòng cũng như ghi giảm các khoản nợ xấu dẫn tới làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhưng điều này cũng tạo ra bộ đệm lợi nhuận cho những năm tới.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng trong đó có VietinBank cũng đối diện với những cơn gió ngược trong năm 2023. Do đó, BVSC đánh giá trung lập đối với CTG với mức giá mục tiêu là 30.600 đồng/cổ phiếu.
Quý IV/2022, Công ty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại (PPC) ghi nhận tổng sản lượng điện đạt 829 triệu kWh (tăng 41% so với quý trước, tăng 142% so với cùng kỳ so với mức nền thấp của quý IV/2021). Nhờ sản lượng điện phục hồi và giá bán điện trung bình cao hơn khi chi phí than đầu vào tăng cao, do đó doanh thu ghi nhận 1.576 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ).
Lợi nhuận sau thuế đạt 69 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ), dù trong quý IV không ghi nhận thêm thu nhập cổ tức từ công ty liên kết như quý IV/2021 và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 67% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, tổng sản lượng điện của PPC đạt 2.876 triệu kWh (tăng 7% so với cùng kỳ). Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt đạt 5.116 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ) và 373 tỷ đồng (tăng 72% so với cùng kỳ).
Trong năm 2023, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo sản lượng điện của PPC sẽ đạt 4,13 tỷ kWh (tăng 20% so với cùng kỳ) nhờ tổ máy S6 của nhà máy Phả Lại 2 (26% công suất) sẽ phát trở lại từ cuối quý II/2023. PPC dự kiến khắc phục xong các sự cố của máy phát điện và được ưu thế khi La Nina dần kết thúc.
VDSC cũng cho rằng triển vọng lợi nhuận tăng trưởng của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) sẽ hỗ trợ lợi nhuận của PPC trong năm 2023. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của các công ty liên kết của PPC thấp hơn so với kỳ vọng của VDSC.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho biết không nhận thấy tác động về giả định về thu nhập từ cổ tức năm 2023. VDSC kỳ vọng mức cổ tức của của HND ở mức 1.000 đồng cho năm 2022 so với 800 đồng năm 2021 và mức cổ tức của QTP ở mức 1.800 đồng cho năm 2022 so với 1.600 đồng cho năm 2021.
VDSC kỳ vọng hai công ty liên kết này sẽ đóng góp 273 tỷ đồng vào thu nhập tài chính của PPC vào năm 2023.
Trong năm 2023, VDSC ước tính tổng sản lượng điện của PPC sẽ đạt 4,1 tỷ kWh (tăng 44% so với cùng kỳ). Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế kỳ vọng lần lượt đạt 7.823 tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ) và 540 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ).
VDSC duy trì khuyến nghị tích lũy với giá mục tiêu 14.300 đồng/cổ phiếu cho tầm nhìn một năm, Với kỳ vọng mức cổ tức tiền mặt 900 đồng/cổ phiếu trong 12 tháng tới.
Sản lượng hàng hóa quốc tế quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HoSE: SCS) sụt giảm 32,2% so với cùng kỳ do nhu cầu suy giảm toàn cầu và hoạt động thương mại tắc nghẽn do chiến tranh. Sản lượng hàng hóa nội địa cũng giảm 5,9% so với cùng kỳ trong quý IV do hoạt động sản xuất yếu, khiến tổng sản lượng hàng hóa của SCS đạt 48.039 tấn (giảm 27,4% so với cùng kỳ).
Doanh thu quý IV/2022 giảm 25,6% so với cùng kỳ trong khi biên lợi nhuận gộp tăng thêm 10,8 điểm % so với cùng kỳ nhờ cắt giảm chi phí. Kết hợp với lãi tiền gửi cao hơn, lợi nhuận ròng của SCS đi ngang so với cùng kỳ và đạt 157 tỷ. Trong cả năm 2022, sản lượng hàng hóa dù duy trì đà tăng trưởng trong 3 quý đầu năm nhưng đã giảm kể từ quý IV/2022.
Tổng sản lượng hàng hóa 2022 giảm 3,1% so với cùng kỳ trong khi giá bán bình quân tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ, giúp doanh thu tăng 1% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng 4,4 điểm % so với cùng kỳ nhờ nỗ lực tiết giảm chi phí nhân công (giảm 36,3% so với cùng kỳ). Tổng hợp lại, lợi nhuận ròng 2022 tăng 14,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 90,9% dự phóng cả năm của Công ty Chứng khoán VNDirect.
VNDirect cho rằng các yếu tố tiêu cực như tiêu dùng suy giảm, chiến tranh Ukraina tiếp diễn, giá cước vận tải biển cạnh tranh, giá nhiên liệu cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường vận tải hàng hóa hàng không toàn cầu trong nửa đầu 2023.
Tuy nhiên, tác động sẽ giảm dần khi FED quay đầu chính sách và Trung Quốc mở cửa kinh tế. Do đó, VNDirect kỳ vọng sản lượng hàng hóa hàng không Việt Nam có thể phục hồi từ quý III/2023, nâng tổng sản lượng lên 1.413.344 tấn (tăng 1% so với cùng kỳ).
VNDirect kỳ vọng sản lượng hàng hóa của SCS trong 2023 tăng 2,4% so với cùng kỳ (thấp hơn dự phóng trước 18,5%). Giá dịch vụ trung bình có thể tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ nhờ đồng USD mạnh hơn. Đáng chú ý, SCS đã dừng kế hoạch M&A nhà ga hàng hóa khác ở Nội Bài để dành nguồn lực cho các kế hoạch khác.
SCS hiện đang nắm giữ 15% thị phần toàn quốc và 45% thị phần ở Tân Sơn Nhất. Hiện tại, công suất các nhà ga hàng hóa bị hạn chế do thiếu không gian, đặc biệt ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ở Tân Sơn Nhất, SCS là nhà ga duy nhất có khả năng mở rộng công suất (khả năng mở rộng 75% công suất hiện tại), do đó SCS sẽ hưởng lợi chính từ đà tăng trưởng trong dài hạn.
Trong ngắn hạn, theo dự báo sản lượng ngành phục hồi vào nửa sau 2023, VNDirect kỳ vọng sản lượng của SCS có thể tăng 2,4% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng hàng nội địa tăng 2% so với cùng kỳ và sản lượng hàng quốc tế tăng 2,5% so với cùng kỳ. Giá cước dịch vụ trung bình 2023 có thể tăng 1% so với cùng kỳ nhờ dự báo đồng USD mạnh lên.
VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu SCS dựa trên phương pháp định giá DCF (WACC: 13,1%). Công ty chứng khoán này giảm giá mục tiêu của SCS 5,4% còn 102.600 đồng/cổ phiếu so với báo cáo trước do chuyển mô hình định giá sang năm 2023, và điều chỉnh giảm dự phóng EPS 2023-2024 thành 12,2 - 9,2%.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.