Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (6/7): STB, GVR và HAH

Tân Mai - 06/07/2021 07:11 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 6/7, bao gồm STB, GVR và HAH.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (6/7): STB, GVR và HAH

Yuanta: Khuyến nghị mua dành cho STB

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 800 tỷ đồng, tăng trưởng 1,9% trong quý I/2021. Đồng thời, ngân hàng đạt mức tăng trưởng cho vay gần 5% so với hồi đầu năm, trong khi huy động chỉ tăng 0,7%, kéo theo thu nhập lãi thuần tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái dù biên lãi ròng (NIM) giảm 22 điểm cơ bản.

Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 1,48% so với mức 1,97% của quý I/2020, các thành phần của tài sản không sinh lời như lãi dự thu, khoản phải thu đều giảm so với với quý trước và cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, STB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 9% và sẽ điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng nếu nhận được hạn mức tín nhiệm bổ sung của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng huy động đạt 9%, tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức dưới 2% và lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỷ đồng (tăng 20% cùng kỳ).

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đặt kế hoạch xử lý khoảng 12.000 tỷ lãi dự thu còn lại tới cuối năm 2022. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 cũng đã được đệ trình lên Ngân hàng Nhà nước và chờ chấp thuận thông qua.

Đáng chú ý, STB đã đề xuất mua lại khoản nợ liên quan tới trái phiếu VAMC. Hiện tại có khoảng 32,5% cổ phần của STB đang được các ngân hàng khác cầm cố và do VAMC quản lý và việc mua lại số trái phiếu này cần phải có sự thông qua của Thủ tướng Chính phủ.

Yuanta đánh giá tích cực triển vọng tăng trưởng của STB trong năm 2021 nhờ tín dụng tăng trưởng tốt hơn so với năm 2020, NIM cải thiện nhờ môi trường thanh khoản dồi dào. Về trung hạn, Yuanta kỳ vọng tiến độ xử lý tài sản tồn đọng của STB sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới và hoàn thành trước kế hoạch từ 2-3 năm. Việc kết thúc sớm quá trình tái cấu trúc sẽ giúp STB tăng trưởng mạnh mẽ sau đó.

Trên thị trường, ở mức giá hiện tại, cổ phiếu STB đang được giao dịch tại P/B dự phóng năm 2021 là 1,8 lần. Đồ thị giá của STB vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên các nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng mạnh trong phiên. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của STB cũng được nâng từ mức giảm lên tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại.

PHS: Khuyến nghị mua GVR với giá mục tiêu 40.200 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) vừa tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 và thông qua một số nội dung đáng chú ý. Trong đó, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh với tổng thu nhập (doanh thu thuần, doanh thu tài chính và lợi nhuận) là 26.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và giảm 10% so với thực hiện năm 2020.

PHS cho rằng, kế hoạch này khá sát với dự phóng trong báo cáo gần nhất. Tuy nhiên, với đà tăng gần đây của giá cao su, công ty chứng khoán thấy rằng kế hoạch này cũng khá thận trọng.

Về giai đoạn 5 năm tới (2021 - 2025), GVR đặt mục tiêu cho tổng thu nhập là 161.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 33.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng cho thấy định hướng chuyển đổi sang mảng phát triển bất động sản khu công nghiệp - đó là mảng có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 17% trong khi mảng cao su chính chỉ tăng trưởng trung bình đạt 3,6% tại GVR.

Doanh nghiệp cũng có kế hoạch thoái vốn khá chi tiết, bao gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP), Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC), Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: VRG), các nhà máy thủy điện và các khoản đầu tư không quan trọng khác. GVR cũng có kế hoạch giảm sở hữu của mình tại PHR và DPR, lần lượt từ 66,6% và 59,8% xuống còn 51%.

Về kế hoạch cổ tức, GVR sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 6% cao hơn so với mức dự phóng của PHS là 3%.

Đáng chú ý, trong quá trình trao đổi với cổ đông, ban lãnh đạo có đề cập đến một số tín hiệu tích cực từ một số nghị định mới giúp cho việc phát triển đất bất động sản và chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang khu công nghiệp.

Những nghị định mới bao gồm Nghị Định 148/2020/NĐ-CP và nghị định soạn thảo thay thế Nghị Định 82/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, ban lãnh đạo vẫn còn những trở ngại trong việc đẩy nhanh quá trình phát triển khu công nghiệp vì phải đợi sự chấp thuận từ phía tỉnh.

PHS sử dụng phương pháp P/B và SoTP để định giá cổ phiếu. P/B mục tiêu là 3, tương đương với các doanh nghiệp cao su khác ở Châu Á và đưa ra giá hợp lý cho cổ phiếu GVR là 40.200 đồng/cổ phiếu.

SSI: Khuyến nghị mua dành cho HAH

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) là một cơ hội đầu tư tốt trong ngành logistics Việt Nam, với mô hình kinh doanh tích hợp (cảng-vận tải-kho bãi-logistics) và năng lực quản lý tốt.

Phân khúc vận tải là động lực tăng trưởng chính cho HAH trong những năm gần đây. Doanh nghiệp có đội tàu container lớn nhất Việt Nam, đầu tư với chi phí vốn thấp trong chu kỳ đi xuống của ngành vận tải, và sẵn sàng hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành cùng với nhu cầu vận tải container ngày càng gia tăng ở thị trường trong nước.

Lợi nhuận trước thuế cốt lõi năm 2021 và 2022 ước tính tăng trưởng 54% và 35% so với thực hiện năm trước đó, nhờ khối lượng vận tải và giá cước đều tăng trong điều kiện thị trường thuận lợi.

Trong ngắn hạn, giá dầu tăng vẫn là rủi ro lớn nhất đối với HAH, tuy nhiên, SSI cho rằng giá cước tăng và sản lượng tăng mạnh mẽ có thể giữ đà tăng trưởng cho HAH bất chấp biên lợi nhuận giảm.

Trong tương lai, ngành vận tải container đối mặt với rủi ro chính là giá giảm do tình trạng tắc nghẽn cảng bắt đầu giảm và công suất tăng từ năm 2023. Tuy nhiên, rủi ro này không quá lớn đối với thị trường trong nước do giá cước tăng với tốc độ thấp hơn nhiều so với thị trường quốc tế.

SSI khuyến nghị mua cổ phiếu HAH với giá mục tiêu 1 năm là 43.800 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá 24,3%, dựa trên tình hình tài chính lành mạnh, năng lực quản lý tốt, mô hình kinh doanh tích hợp và triển vọng tăng trưởng trong 2 năm tới.

Điểm lại kết quả kinh doanh quý I/2021, HAH ghi nhận doanh thu thuần đạt 359 tỷ đồng, báo lãi trước thuế 102 tỷ đồng, lần lượt tăng 28,4% và 182% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hoạt động kinh doanh cảng ghi nhận doanh thu tăng 16,2% và lợi nhuận gộp tăng 64%, nhờ sản lượng qua cảng tăng 14%.

Hoạt động vận tải ghi nhận doanh thu tăng 29,3% và lợi nhuận gộp tăng 113%, nhờ nhu cầu hồi phục trở lại so với quý I/2020 và tổng công suất tăng 20% do doanh nghiệp mua tàu Hải An View trong tháng 7/2020. Bên cạnh đó, giá dịch vụ tăng 15 - 20% so với cùng kỳ và giá nhiên liệu trung bình giảm 3% so với cùng kỳ cũng giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 13,4% trong năm 2020 lên 17% trong quý I/2021.

Mặt khác, dự án PAN-HAIAN đang hoạt động ở mức 40% công suất đối với cảng cạn và 50% công suất đối với trung tâm logistics, sát với điểm hòa vốn. HAH cũng ghi nhận khoản thu nhập khác 22 tỷ đồng lợi nhuận từ việc bán tàu HA Song. Nếu không bao gồm khoản này, lợi nhuận trước thuế cốt lõi vẫn tăng 121% so với cùng kỳ.

Cùng chuyên mục
Tin khác