Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Ngày 28/6, Vietnam Airlines đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 và thông qua nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó, hãng hàng không quốc gia đặt mục tiêu vận chuyển 17 triệu khách, đưa doanh thu công ty mẹ lên 45.252 tỷ đồng và giảm lỗ ròng 23,5% ở mức lỗ 9.335 tỷ đồng.
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, đại dịch Covid-19 là cú sốc lớn nhất để lại những hậu quả lâu dài nhất cho ngành hàng không. Các hãng hàng không Việt hầu như chỉ có thể khai thác được 60 - 70% công suất đội tàu bay.
"Dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào hai mùa cao điểm quan trọng, đó là dịp Tết và cao điểm hè, đặc biệt đợt bùng phát thứ 4 được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch xảy ra. Thời điểm đó, thị trường vận tải nội địa gần như đóng băng suốt nhiều tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và các công ty có vốn góp của tổng công ty", ông Hà nói.
Trước tình thế nguy cấp, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết thực hiện hàng loạt giải pháp trong quản lý, điều hành, tận dụng mọi cơ hội để vượt qua giai đoạn khó khăn; đồng thời, tổ chức lại sản xuất; điều hành linh hoạt nguồn lực và chính sách nhân sự.
Mặt khác, hãng cũng tích cực tìm kiếm doanh thu thông qua đẩy mạnh bay hàng hóa, vận chuyển khách hồi hương và chuyên gia khi dịch bệnh bùng phát, mở rộng thu các hoạt động phụ trợ, tiết giảm tối đa chi phí.
Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia cũng tích cực đàm phán với các đối tác để giảm giá cũng như chủ động giãn, hoãn các khoản công nợ, cải thiện tình trạng thâm hụt vốn lưu động; đảm bảo duy trì dòng tiền và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng thừa nhận nhờ sự hỗ trợ rất tích cực và chỉ đạo trực tiếp từ cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, được Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm bớt gánh nặng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và áp lực dòng tiền trong năm 2021 thông qua gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng.
Bắt đầu từ quý I/2022, tình hình sản xuất kinh doanh Vietnam Airlines chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Anh, Pháp, Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia. Hôm 15/6, hãng đã mở thêm đường bay mới đến Ấn Độ.
Hãng cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay lập tức khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga khi điều kiện cho phép.
Đến tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay Indonesia. Tháng 11/2022, các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) đặt mục tiêu khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Vietnam Airlines.
"Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023, có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019. Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế là cơ hội để Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới", đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines lần này đã thông qua đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, công tác cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào các lĩnh vực như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán với các bên cho thuê tàu bay để giãn, hoãn tối đa thời hạn thanh toán và giảm giá tiền thuê; đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới (B787-10, A320NEO); hủy 50% tổng số hợp đồng các tàu bay chưa nhận.
Ngoài ra, dự kiến từ năm 2022, tổng công ty sẽ chuyển đổi cấu hình 2 tàu bay A321 thành A321 Freighter theo hình thức bán và thuê lại 2 tàu bay này.
Đối với hoạt động thanh lý tài sản cổ cố định, Vietnam Airlines sẽ thực hiện cơ cấu lại đội tàu bay sở hữu để vừa giải phóng một phần nguồn lực dư thừa do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 vừa có thêm dòng tiền và thu nhập; đồng thời để thực hiện chương trình đổi mới đội tàu bay nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ bán 32 tàu bay, trong đó bán 26 tàu A321CEO và 6 tàu ATR72. Phương án bán và thuê lại tàu bay (Sale and Lease Back) sẽ được thực hiện khi phương án bán gặp khó khăn trong quá trình triển khai.
Trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền về các giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn trong giai đoạn 2022-2023 và cân nhắc tiếp tục tăng vốn trong năm 2024-2025 trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài.
Hình thức phát hành cổ phiếu là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Vietnam Airlines cũng dự kiến triển khai huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua phát hành trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế trong 2 năm 2023-2024 theo hình thức phù hợp và khả thi (phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng), vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu...
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau, xây dựng và triển khai phương án vay ngắn hạn trong khuôn khổ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Hãng hàng không quốc gia cũng sẽ tái cơ cấu danh mục đầu tư như chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư tại nhóm doanh nghiệp đa ngành nghề để tập trung vào lĩnh vực vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không…
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng dự kiến thành lập mới doanh nghiệp, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực phục vụ khách hàng, logistics và du lịch, các lĩnh vực gắn với nền tảng dữ liệu khách hàng, các lĩnh vực dịch vụ đồng bộ gắn với sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.