Công khai gọi Đài Loan là ‘quốc gia’, Mỹ lại muốn ‘chọc giận’ Trung Quốc?

Minh Đăng - 07/06/2019 14:41 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù Trung Quốc đã liên tục yêu cầu Mỹ tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", tuy nhiên mới đây Mỹ đã ngầm công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập trong báo cáo mới của Bộ Quốc phòng.

VNF
Mỹ đã ngầm công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập trong báo cáo mới của Bộ Quốc phòng.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 1/6 đã công bố “Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” dài 55 trang.

Trong báo cáo này có đoạn đề cập đến những nỗ lực của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ đối tác với các nước trong khu vực, trong đó liệt kê Đài Loan vào danh sách “các quốc gia” cùng Singapore, New Zealand và Mông Cổ.

Mỹ đã gọi 4 “quốc gia” này là “những đối tác tự nhiên, đáng tin cậy và có năng lực”.

“Cả 4 quốc gia trên đều đóng góp vào các sứ mệnh của Mỹ trên toàn thế giới và có những bước đi tích cực nhằm duy trì trật tự quốc tế mở và tự do”, báo cáo nêu rõ.

Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ chưa đưa ra bình luận về mục đích hay thông điệp của họ khi sử dụng cách gọi này.

Các tài liệu trước đây đề cập Đài Loan như một quốc gia thường do sai sót của quan chức Mỹ, song đây là lần đầu tiên Đài Loan được đưa vào trong văn bản chính thức được chuẩn bị kỹ lưỡng của Lầu Năm Góc.

Đài Loan vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với hòn đảo trong chính sách “Một Trung Quốc” và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan.

Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc vào năm 1979 để ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc", nhưng vẫn là đồng minh chủ chốt và đóng vai trò nhà cung cấp vũ khí nước ngoài duy nhất của Đài Loan.

Tuy nhiên, cũng trong năm 1979, Mỹ thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan, có các điều khoản về việc Mỹ và Đài Loan bảo vệ lẫn nhau. Theo đó, Washington sẽ cung cấp cho Đài Bắc lượng vũ khí và viện trợ quân sự đủ để hòn đảo này có thể tự vệ.

Đạo luật cũng coi mọi ý đồ nhằm quyết định tương lai Đài Loan bằng biện pháp phi hòa bình như tẩy chay tài chính hoặc cấm vận là động thái làm phương hại đến hòa bình, ổn định ở Thái Bình Dương và là mối quan ngại sâu sắc của Mỹ.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donal  Trump lên nắm quyền vào năm 2016, cả chính quyền của ông và quốc hội Mỹ đều từ bỏ chính sách tránh gây căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, thay vào đó là việc liên tục thách thức Bắc Kinh và tập trung vào việc tăng cường năng lực phòng thủ cho Đài Bắc.

Việc đẩy mạnh hợp tác với Đài Loan dường như là cách Mỹ tăng sức ép với Trung Quốc khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.

Các nguồn tin giấu tên trong chính phủ Mỹ mới đây tiết lộ nước này đang tiến hành một thương vụ bán xe tăng và vũ khí trị giá hơn 2,5 tỷ USD cho Đài Loan.

Xem thêm >> Bị nhiều nước ‘tẩy chay’, Huawei vẫn ký được thỏa thuận phát triển 5G với Nga

Theo SCMP
Cùng chuyên mục
Tin khác