‘Công khai, minh bạch các tiêu chí đánh giá thì cán bộ hải quan không thể xử lý cảm tính’

Bảo Duy - 04/12/2018 14:09 (GMT+7)

(VNF) - Đó là ý kiến của ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tại Hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động xuất - nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức sáng 4/12.

VNF
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, khi công khai, minh bạch tiêu chí đánh giá thì cán bộ hải quan không thể áp dụng cảm tính để xử lý. (Ảnh minh hoạ)

Ông Cường cho rằng Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan trong nhiều năm qua đã tổ chức nhiều cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, áp dụng thủ tục hải quan điện tử, tự động hóa trong quá trình thông quan, giám sát hải quan tự động, cảng biển, hàng không, thực hiện chương trình quản lý ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán điện tử qua ngân hàng… 

Tuy nhiên, để những hoạt động này có hiệu quả, ngành hải quan đang xem xét để rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo những quy định của ngành hải quan được minh bạch.

Ông cũng cho biết hiện ngành hải quan đang thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động hải quan bằng biện pháp quản lý rủi ro - đây là bước mà hải quan các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực và kiểm soát hiệu quả ngành Hải quan.

“Việc quản lý theo hình thức rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Nói cách khác, ngành hải quan chuyển phương thức giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Hiện ngành hải quan đang đánh giá doanh nghiệp dựa trên 3 luồng đó là: luồng xanh – luồng vàng – luồng đỏ.

Theo đó, luồng xanh là luồng được miễn kiểm tra kể cả hồ sơ và hàng hóa (chiếm 60%), luồng vàng chỉ kiểm tra hồ sơ (chiếm 35%) và luồng đỏ hiện nay là 5%. Hiện nay tỷ lệ này phù hợp với thông lệ quốc tế, hải quan các nước cũng đang áp dụng”, ông Cường cho hay.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, lần này ngành hải quan dự kiến sẽ phân loại doanh nghiệp thành 4 loại thay vì 3 loại như hiện nay, đó là tuân thủ cao, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp và không tuân thủ.

Trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cơ quan hải quan sẽ thực hiện việc áp dụng các chính sách ưu đãi, biện pháp quản lý để đạt được 2 mục tiêu là tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Ông Cường cũng chỉ rõ việc công khai phương pháp quản lý, tiêu chí đánh giá của cơ quan hải quan để cộng đồng doanh nghiệp nắm được. Từ đó để doanh nghiệp biết được ngành hải quan đang nhìn nhận doanh nghiệp thế nào, đồng thời ngành hải quan biết ưu tiên kiểm soát vấn đề gì với từng loại doanh nghiệp.

“Việc công khai minh bạch tiêu chí đánh giá là cần thiết, giúp hạn chế tiêu cực trong công tác quản lý. Đồng thời giúp doanh nghiệp tự xem xét việc thực hiện tuân thủ pháp luật của mình thế nào. Qua đó doanh nghiệp tự biết mình chưa chuẩn ở đâu để có biện pháp khắc phục. Nếu cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp cùng làm tốt điều này sẽ hướng đến môi trường kinh doanh tốt hơn, giảm thiểu tiêu cực trong tổ chức thực hiện ở cơ quan hải quan các cấp”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, khi công khai, minh bạch tiêu chí đánh giá thì cán bộ hải quan không thể áp dụng cảm tính để xử lý, vì tất cả đều thể hiện trên hệ thống máy tính. Qua đó tình trạng gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như sự tiêu cực trong quản lý của cơ quan hải quan sẽ được hạn chế…

"Cần nêu rõ cơ quan cụ thể"

Ông Vũ Chu Hiền, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định việc quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá là việc làm rất cần thiết trong hoạt động kinh tế đối ngoại.

Góp ý cho Dự thảo này, ông Hiền cho hay tại Điều 2 Dự thảo, việc đánh giá xếp hạng theo các tiêu chí này do “Cơ quan hải quan” chủ trì thực hiện với sự tham gia của “Các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu”.

Theo ông, ở đây cần nêu rõ “Các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính” cũng như “Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu” là những cơ quan cụ thể nào để tránh việc phải lấy nhận xét đánh giá của quá nhiều “cơ quan có thẩm quyền” nhưng lại không phải là cơ quan chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể, nhất định để đưa ra nhận xét đánh giá.

Cũng theo đại diện VIAC, một vấn đề lớn hoàn toàn không được nêu ra trong Dự thảo này cũng như nhiều dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật khác do chính các cơ quan hành pháp trong lĩnh vực cụ thể khi được phân công phụ trách soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực do mình phụ trách là bỏ qua, quy định qua loa về trách nhiệm của mình và đặc biệt không bao giờ có quy định chế tài cụ thể đối với những hành vi của các cơ quan này khi thực thi công vụ.

Ông dẫn chứng bằng việc cơ quan hải quan có thể ra quyết định cưỡng chế sai đối với hoạt động xuất nhập khẩu, gây tổn thất cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp chỉ có thể đề nghị cơ quan hải quan rút lại quyết định cưỡng chế, còn tổn thất phải tự gánh chịu vì không có quy định cụ thể hải quan phải bồi thường cho doanh nghiệp như thế nào.

“Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các cơ quan công quyền thực thi pháp luật cần phải có sự bình đẳng và sự bình đẳng này cần bắt đầu ngay từ những bước đầu tiên – quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật”, ông Hiền nhấn mạnh.

Bà Tạ Thị Vân Hà, Hiệp hội chế biến Thủy sản Việt Nam cho biết nếu áp dụng đúng mức độ đánh giá như bộ tiêu chí mà cơ quan Hải quan đưa ra thì hầu hết các doanh nghiệp thủy sản chỉ đạt mức 4 – mức Không tuân thủ. Như thế sẽ gây khó cho doanh nghiệp khi hoạt động. Doanh nghiệp sẽ phải chịu đánh giá kép và lại tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…

Bà Hà cho rằng cơ quan hải quan nên xem xét tính kế thừa lịch sử của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có lịch sử tuân thủ tốt thì nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra, phải có thang điểm để đánh giá tiêu chí thay bằng việc đánh giá chung chung như thế này sẽ không thuyết phục.

Tại Hội thảo, bà Đặng Thị Bình An, đại diện Công ty TNHH tư vấn thuế C&A cũng cho hay để phù hợp với nội dung, mục đích quản lý của dự thảo Thông tư, nên đổi tên Thông tư thành Thông tư Quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Cùng với đó là việc sửa đổi đồng thời các cụm từ liên quan trong dự thảo Thông tư cho phù hợp với tên mới này.

Lý do được bà An đưa ra là bởi phạm vi pháp luật rất rộng; hoạt động xuất nhập khẩu bao gồm nhiều công việc như việc mua bán hàng hoá, dịch vụ,… trong khi phạm vi đánh giá sự tuân thủ của dự thảo Thông tư chỉ là trong lĩnh vực hải quan, do đó cần đổi tên lại Thông tư cho phù hợp.

Trước đó, trong bài phát biểu của mình, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cũng đã dẫn chứng đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong Doing Business 2019 rằng: “Chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam vẫn còn xếp hạng thấp so với các nước, là một trong ba lĩnh vực được đánh giá còn ít chuyển biến và không gian thay đổi còn rất lớn”.

Theo báo cáo của VCCI về thực hiện Nghị quyết 19 và 35 công bố cách đây 2 tuần thì chỉ có 43% doanh nghiệp tại Việt Nam được hỏi đánh giá thấy lĩnh vực này có sự thay đổi tích cực.

Cùng với đó, việc quản lý hải quan do vậy đang đối mặt với các thách thức lớn, thách thức đầu tiên là gia tăng khối lượng công việc khi hàng hoá xuất nhập khẩu gia tăng nhanh chóng cả về khối lượng và tính đa dạng của các loại mặt hàng.

Theo ông Phòng, thủ tục thông quan nhanh chóng nhờ việc phân loại được các hàng hóa rủi ro cao sẽ giúp giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp nằm trong diện rủi ro thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp hàng hoá Việt Nam.

Về phía cơ quan Nhà nước, sẽ tăng cường hiệu quả quản lý khi xác định trọng điểm được các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Về dài hạn sẽ tạo lập văn hoá tuân thủ pháp luật vì khi giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp chấp hành pháp luật tốt sẽ tạo động lực lành mạnh để doanh nghiệp triệt để tuân thủ pháp luật.

"Chính vì vậy, chúng tôi đánh giá cao Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, đề xuất xây dựng Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa. Đây chính là một khung khổ pháp lý cần thiết để hướng tới các mục tiêu quan trọng nêu trên”, ông Phòng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác