Tài chính

Công nghiệp ô tô Việt: Doanh nghiệp tiếp tục xin ưu đãi thuế

(VNF) - Trong khi các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô cho rằng yếu tố bất lợi khiến ngành công nghiệp ô tô khó phát triển chủ yếu là do thiếu ưu đãi, và chính sách thuế không ổn định thì đại diện Bộ tài chính ủng hộ việc các chính sách thuế ưu đãi phải đi theo hướng tăng nội địa hóa, trong khi thực tế tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô hiện đang không đạt được kết quả như mong đợi dù có đủ các chính sách hỗ trợ.

Công nghiệp ô tô Việt: Doanh nghiệp tiếp tục xin ưu đãi thuế

Nhà sản xuất "xin" được ưu đãi thuế

Phát biểu tại Hội thảo – Triển lãm Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Tổng giám đốc Công ty ôtô Toyota Việt Nam, ông Toru Kinoshita, cũng là chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) khẳng định rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ thúc đẩy sản xuất xe và linh kiện ô tô tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông cho rằng ngành công nghiệp ô tô chỉ có thể phát triển được khi thị trường đủ lớn, vì thế ba giải pháp cần phát triển là duy trì tăng trưởng thị trường, hỗ trợ giảm chi phí chênh lệch giữa sản xuất xe hơi trong nước và nhập khẩu. Cùng với đó là chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư…

Ông Phạm Anh Tuấn, trưởng ban chính sách của VAMA cho rằng doanh nghiệp sản xuất ô tô phát triển không ổn định là do sự thay đổi liên tục của chính sách thuế "lúc tăng lúc giảm".

Trong khi đó, sản lượng sản xuất quá nhỏ nên doanh nghiệp chủ yếu phải nhập khẩu đến 70-80% linh kiện, phải trả chi phí cao cho đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu. Những yếu tố bất lợi trên làm giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia…

Do vậy, ông Tuấn đề nghị cần phải có chính sách thuế ổn định, lâu dài và nhất quán nhằm giúp thị trường tăng trưởng bền vững.

Cụ thể, trong ngắn hạn cần giảm hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện CKD từ năm 2018 cho các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất linh kiện, không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hóa.

Đồng thời, cần có ưu đãi sản xuất cho các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất trong nước, khi thị trường chưa đủ lớn.

Kiến nghị chính sách của các doanh nghiệp ô tô đến nay vẫn chỉ loay hoay quanh chuyện ưu đãi thuế.

Tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định thời gian qua Bộ Tài chính đã rất vất vả trong việc đưa ra những giải pháp liên quan đến chính sách thuế.

Phát biểu tại hội thảo, bà Hằng ghi nhận sự quyết tâm của các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, xây dựng ngành công nghiệp ô tô, vì sự phát triển của ngành; cũng như ý kiến của chủ tịch và trưởng ban chính sách VAMA khi nhận định đúng đặc điểm của ngành công nghiệp ô tô cùng những khó khăn thách thức mà ngành ô tô gặp phải.

Tuy nhiên bà Hằng cũng đã bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng cơ quan nhà nước đã "rất vất vả" khi xây dựng chính sách, nhưng VAMA lại không ủng hộ. 

Việc đại diện VAMA  đề nghị giảm thuế, theo bà Hằng là không gắn với điều kiện về sản lượng và nội địa hóa. Bà cho rằng nếu giảm thuế mà không gắn với yêu cầu về sản lượng thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô.

"20 năm qua chính sách thuế bảo hộ cho ô tô rất cao. Chính sách về thuế với linh kiện luôn thấp hơn so với nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tới 70%. Chúng tôi cũng đã đưa ra đề xuất giảm thuế linh kiện xuống 0% với mục tiêu không có sản lượng thì làm sao duy trì được ngành công nghiệp ô tô. Vấn đề từ năm 2004 đến nay vì sao tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp? Vậy các doanh nghiệp có thực sự muốn nâng tỷ lệ nội địa hóa hay không, có muốn làm công nghiệp hỗ trợ hay không", bà Hằng trả lời các đề xuất kiến nghị của đại diện VAMA.

Theo đại diện Bộ Tài chính, chính sách thuế khi đưa ra là yếu tố để góp phần thúc đẩy sản xuất ngành nào đó. Đến nay chính sách thuế với cả ngành ô tô đều đã có vì vậy cần tập trung giải pháp làm sao khuyến khích doanh nghiệp cùng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để cung cấp linh kiện cho chính doanh nghiệp. Còn cứ xin ưu đãi thuế mãi thì cuối cùng giải pháp thì lại chỉ là giảm thuế.

"Cá nhân tôi ủng hộ phải có chính sách thuế ưu đãi công nghiệp hỗ trợ phát triển theo hướng tăng nội địa hóa. Mục tiêu của chúng tôi là phải giảm thuế có điều kiện. Các giải pháp nêu ra cứ chung chung thế này thì hội thảo hôm nay chỉ nghe cho có ích thôi còn những khó khăn của công nghiệp ô tô thì ai cũng biết hết. Các giải pháp này không giải quyết vấn đề gì cả", bà Hằng nói thêm. 

Bổ sung ý kiến của đại diện Bộ Tài chính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Phan Đăng Tuất cho rằng, không nên coi sản xuất ô tô là một ngành công nghiệp mà phải là một nền công nghiệp ô tô. Khi nhận thức được như thế thì chúng ta mới có các chính sách bắt kịp xu thế vì quy mô của nó vô cùng lớn.

Cũng theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, một trong 3 lý do để phát triển quy mô ngành ô tô  là quy mô và quy mô thị trường gắn với giao thông. "Chỉ khi coi là nền công nghiệp ô tô khi đó mới chỉ được ra tất cả chính sách. Còn loay hoay mãi với thuế sẽ không giải quyết được", ông Tuất nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Việc sản xuất - lắp ráp ô tô đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng bên cạnh các lợi thế, công nghiệp ô tô của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 nhưng tính đến nay chỉ mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại là do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ và ở mức thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của Indonesia.

Tin mới lên