Tài chính cá nhân

Công ty chứng khoán nhận định gì về cổ phiếu FPT, MWG và FMC?

Nhận định cổ phiếu đáng chú ý của một số công ty chứng khoán đưa ra về FPT, MWG và FMC.

Nhận định cổ phiếu ngày 29/4: FPT, MWG và FMC

Nhận định cổ phiếu ngày 29/4: FPT, MWG và FMC

Agriseco: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT, giá mục tiêu 140.000 đồng

Kết quả kinh doanh được Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) quý I năm 2022 ghi nhận tăng trưởng vượt bậc khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 9.730 tỷ đồng (tăng 28% so với năm trước) và 1.539 tỷ đồng (tăng 34% so với năm trước). Lợi nhuận kinh doanh tăng trưởng mạnh chủ yếu từ mảng công nghệ khi thị trường trong nước và nước ngoài lợi nhuận lần lượt tăng 76% và 35% so với năm trước.

Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của công ty trong mảng công nghệ quý I lần lượt đạt 5.593 tỷ đồng (tăng 35% so với năm trước) và 770 tỷ đồng (tăng 39% so với năm trước).Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ doanh thu ký mới hợp đồng tại thị trường nước ngoài và trong nước tiếp tục tăng cao 57%so với cùng kỳ. Tại thị trường nước ngoài, doanh thu tăng tại mọi thị trường, đặc biệt thị trường Mỹ (tăng 61% so với năm trước) và APAC (tăng 41% so với năm trước).

Ngay trong quý I, FPT đã ghi nhận các đơn hàng lớn từ thị trường quốc tế với 7 dự án quy mô trên 5 triệu USD (tăng 75% so với năm trước). Thị trường trong nước với việc hợp tác cùng Base.vn và đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công nghệ Made – by – FPT, chuyển đổi số trong nước đã giúp cải thiện biên lợi nhuận từ 6% lên 7%. Doanh thu Chuyển đổi số đạt 1.648 tỷ đồng (tăng 96% so với năm trước) nhờ tập trung vào các công nghệ như Cloud, AI, Lowcode.

Mảng viễn thông với biên lợi nhuận cải thiện từ 18,7% lên 19,1% nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV và Quảng cáo trực tuyến. Mảng giáo dục với doanh thu tăng 38% yoy nhờ lượng học sinh tiếp tục gia tăng khi trường học đã mở cửa đón học sinh trở lại. Với việc tiêm chủng cho học sinh, sinh viên của Chính phủ và đẩy mạnh xây dựng chuỗi giáo dục từ cấp trung học đến đại học của FPT, kỳ vọng doanh thu mảng này sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) tại đây.

imoney-mwg

SSI: Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG, giá mục tiêu 196.000 đồng

Đối với mảng công nghệ thông tin, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) đã xác nhận MWG đã mở 29 cửa hàng Topzone. Doanh thu/tháng/cửa hàng AAR đạt khoảng 6 đến 8 tỷ đồng, trong khi tại APR đạt khoảng 10-15 tỷ đồng. Ban lãnh đạo dự kiến doanh thu từ Apple sẽ tăng lên 600 triệu USD trong năm 2022 (tăng 33% so với cùng kỳ) và 1 tỷ USD (tăng 67% so với cùng kỳ) trong năm 2023, khi người tiêu dùng chuyển từ điện thoại xách tay sang các sản phẩm nhập khẩu chính hãng.

Về mảng bách hoá, công ty đã thay đổi cách ước tính hàng tồn kho sau khi chợ truyền thống cửa trở lại. Theo ban lãnh đạo, sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, người tiêu dùng dường như không còn tích trữ hàng tiêu dùng nhanh nữa và MWG đã bỏ các SKU này khỏi chuỗi cửa hàng bách hóa. Trong khi đó, công ty đặt mục tiêu bổ sung thực phẩm tươi sống để thu hút người tiêu dùng chuyển từ chợ truyền thống sang cửa hàng BHX. Ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu/tháng/cửa hàng sẽ tăng từ 900 triệu đến1,0 tỷ đồng lên 1,3 tỷ đồng đến cuối năm 2022 (so với mức đỉnh lịch sử 1,55 tỷ đồng) sau khi điều chỉnh danh mục sản phẩm.

Các cửa hàng An Khang hiện đạt doanh thu/tháng/cửa hàng là 650 triệu đồng (350 triệu đồng/cửa tại thời điểm cuối năm 2021). Sự gia tăng doanh thu này phản ánh nhu cầu tăng cao đối với thuốc/thực phẩm chức năm, vì các ca nhiễm Covid-19 hiện có thể được điều trị tại nhà. Bất chấp hành vi tích trữ thuốc tiêu dùng đang dần giảm đi, MWG vẫn tiếp tục mở rộng chuỗi này để chiếm thị phần từ các cửa hàng đối thủ quy mô nhỏ khác.

Theo ban lãnh đạo, quy mô thị trường thuốc và thực phẩm chức năng dao động từ 7-8 tỷ USD mỗi năm (bao gồm cả kênh OTC và ETC). Thị trường vẫn còn phân mảnh với 60 nghìn nhà thuốc nhỏ lẻ, trong khi thương mại hiện đại chiếm chỉ 3% - 5%, do đó, dư địa cho An Khang thâm nhập vào thị trường này vẫn còn. Tuy nhiên, công ty được cho là vẫn cần thiết lập kết nối tốt hơn với các bệnh viện địa phương để đảm bảo doanh thu ổn định trong dài hạn.

Với doanh thu Bách hoá xanh thấp hơn dự kiến, SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 lần lượt giảm 2,0% và giảm 2,5%, ước đạt 138,8 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) và 6,7 nghìn tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ). Lợi nhuận năm 2022 có thể vẫn tăng mạnh do sự phục hồi của Điện máy xanh và Thế giới di động từ mức thấp năm 2021; và lợi nhuận của BHX cải thiện nhờ các biện pháp tối ưu hóa chi phí và doanh thu cao hơn.

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tại đây.

imoney-fmc

VNDIRECT: Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu FMC, giá mục tiêu 80.300 đồng

Năm 2022 được kỳ vọng là một năm tươi sáng đối với toàn ngành thủy sản Việt Nam, trong đó có ngành tôm khi nhu cầu từ thị trường xuất khẩu mục tiêu sẽ phục hồi mạnh mẽ. Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) là một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất tại Việt Nam, ước tính chiếm gần 5,3% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào năm 2021. Chuỗi giá trị tích hợp cho phép công ty thích ứng với mọi yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Công ty được cho là sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ vào việc nâng tỷ lệ tự cung cấp tôm nguyên liệu lên 50% trong năm 2025 từ mức hiện tại là 20-30%, cắt giảm 3-5% chi phí tôm nguyên liệu, và tăng khoảng 80% công suất chế biến trong năm 2022 nhờ hai nhà máy mới.

Trong ba năm qua, doanh thu và lợi nhuận của FMC tăng trưởng ở mức cao lần lượt 18,4% và 7,8% mỗi năm. Hiện tại, VNDIRECT ước tính 95% doanh thu của FMC đến từ các thị trường xuất khẩu bao gồm Mỹ (32% tổng doanh thu năm 2021), Nhật (28%) và châu Âu (27%).

Doanh thu từ thị trường Mỹ - nguồn xuất khẩu lớn nhất của công ty, tăng mạnh từ năm 2018 với mức tăng trưởng kép hằng năm 49,8% trong giai đoạn 2018 - 2021; nhờ vào thuế chống phá giá trở về mức 0% và nhu cầu từ ngành dịch vụ ăn uống phục hồi mạnh mẽ sau khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Tuy nhiên, công ty cho biết sẽ tập trung hơn vào thị trường Châu Âu trong thời gian tới khi mà doanh thu từ thị trường này hưởng mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 93,0% trong giai đoạn 2014-2018 trước khi giảm xuống mức 18,4% trong giai đoạn 2019-2021 do nhu cầu sụt giảm khi các nước châu Âu thực hiện giãn cách xã hội.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý I năm 2022 tăng 37% so với cùng kỳ lên hơn 900 triệu USD. Nhu cầu tôm cao tại các thị trường xuất khẩu cùng với giá bán bình quân tăng là những yếu tố chính giúp kim ngạch xuất khẩu tôm tăng trưởng vượt trội so với năm trước. VASEP dự báo năm 2022, xuất khẩu tôm sẽ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ, đạt kim ngạch xuất khẩu 4,0 tỷ USD và 5,6 tỷ USD vào năm 2025 (tốc độ tang trưởng kép vào khoảng 9,5%).

Quý độc giả quan tâm có thể đọc báo cáo nhận định cổ phiếu FMC của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT tại đây.

Từ khoá: iMoney,
Tin mới lên