Thị trường

Cú hích tăng trưởng từ kinh tế đêm

(VNF) - Từ đầu năm 2023 đến nay, hàng chục tỉnh thành đã đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế đêm. Đây được xem là cơ hội mới cho các nhà đầu tư và là giải pháp tăng doanh thu cho các địa phương.

Cú hích tăng trưởng từ kinh tế đêm

Đồng loạt triển khai hoạt động hút khách ban đêm

Đầu tháng 4/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản về kế hoạch triển khai mô hình thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại TP. Đà Lạt. Theo đó, UBND TP. Đà Lạt đề xuất phát triển 8 mô hình kinh tế đêm trong tương lai. Đó là khu giải trí đêm tại tầng hầm sân golf Đà Lạt với tổ hợp các loại hình vui chơi, giải trí như: bar, ăn uống, rạp chiếu phim, game. Khu trung tâm Hòa Bình (phường 1, phường 2, TP. Đà Lạt) sẽ hình thành trung tâm phức hợp đa chức năng với nhiều loại hình dịch vụ và giải trí. Công viên Trần Quốc Toản (phường 10, TP. Đà Lạt) sẽ được kêu gọi đầu tư xây dựng công viên cảnh quan kết hợp với hình thành mô hình vui chơi, có quy mô lớn, hiện đại….

Tại Bình Định, Sở Du lịch tỉnh này đã xây dựng “Đề cương đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Các hoạt động, dịch vụ về đêm (giải trí, mua sắm, ăn uống, tham quan) đang dần hình thành và từng bước phát triển về số lượng cũng như chất lượng tại TP. Quy Nhơn như: các tuyến phố ẩm thực trên các tuyến đường Ngô Văn Sở, Phan Bội Châu, Hoa Lư, điểm bán hàng xe lưu động Lê Thánh Tôn, điểm phục vụ giải khát kết hợp quảng bá du lịch tại bãi biển Sea Sand; phố văn hóa - nghệ thuật trên đường Lê Đức Thọ; chợ đêm Quy Nhơn…

UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã ban hành Quyết định số 331/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở tỉnh này giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án là 12.000 tỷ đồng. Dự kiến kinh tế ban đêm góp phần thực hiện mục tiêu thu hút 700.000 lượt khách và tổng thu từ du lịch đạt khoảng 300 tỷ đồng vào năm 2025.

Tỉnh Bình Thuận cũng vừa tổ chức hội nghị về phát triển kinh tế đêm, kinh tế đô thị tạo đòn bẩy cho du lịch Bình Thuận phát triển. Các hoạt động sẽ tập trung vào thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm và du lịch vào ban đêm, trọng tâm là tại các đô thị, khu du lịch, dịch vụ tập trung đông người. Trước mắt Bình Thuận sẽ triển khai hoạt động kinh tế đêm tại khu vực của TP. Phan Thiết, Mũi Né và giai đoạn kế tiếp là các khu vực lân cận.

UBND TP. Cần Thơ cũng vừa ban hành Quyết định số 3362/QÐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP. Cần Thơ, thí điểm tại quận Ninh Kiều. Hiện, quận Ninh Kiều tiếp tục duy trì và nâng chất hoạt động, cho phép mở rộng khung thời gian hoạt động từ 6 giờ tối ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau đối với các hoạt động hiện có như: phố hàng rong, chợ đêm, tuyến phố chuyên doanh thời trang và ẩm thực... Trong giai đoạn thí điểm đến năm 2024, 5 vị trí triển khai ở quận này là phố đi bộ Ninh Kiều; khu vực công viên sông Hậu (từ cầu đi bộ đến đường Trần Phú); khu vực rạch Khai Luông - kè cặp rạch Khai Luông đến Nhà lồng 1, Nhà lồng 2, Nhà lồng 3; cụm trung tâm thương mại Cái Khế; khu vực Hồ Xáng Thổi, Hồ Búng Xáng.

Tại TP. HCM, mới đây, ngày 12/4, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi chỉ ra điểm mà trung tâm TP. HCM (quận 1) cần tập trung hơn trong quý II và các quý còn lại là vấn đề kinh tế đêm, kinh tế dịch vụ. Theo đó, ông Mãi yêu cầu cần phải nghiên cứu các loại hình dịch vụ mới có giá trị gia tăng; tổ chức lại các hoạt động để hàng tuần có show diễn, điểm diễn thu hút du khách; cơ chế mở cửa phục vụ ban đêm ở các bảo tàng... Chủ tịch UBND TP. HCM cho rằng quận 1 cần học hỏi kinh nghiệm quản lý của Singapore để tổ chức, quản lý các hoạt động về đêm.

Chính quyền quận 7 cũng đã trình UBND TP. HCM đề án phát triển kinh tế đêm và sẽ triển khai sau khi được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, ăn uống của khách du lịch. Đề án phát triển kinh tế đêm đã được nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. HCM triển khai thời gian qua, với trọng tâm là một loạt phố đi bộ, chợ đêm đang được thực hiện ở các quận, huyện: 1, 3, 5, 11, Phú Nhuận, Cần Giờ, Củ Chi…

Cần hoàn thiện những mô hình thí điểm

TP. HCM là một trong các địa phương có những lợi thế để phát triển kinh tế đêm, làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đến nay, tại TP. HCM, mô hình phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm đã được tổ chức ở nhiều nơi. Tuy nhiên đa phần các tuyến phố đêm ở thành phố có mô hình tổ chức giống nhau, mặt hàng bán còn ít ỏi, chưa có điểm nhấn gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách; thiếu chỗ giữ xe, nhà vệ sinh công cộng... Các khu chợ đêm, dịch vụ kinh tế ban đêm đa số còn dừng ở quy mô nhỏ lẻ và thường kết thúc trước 23 giờ. TP. HCM còn chưa có nhiều các suất chiếu phim nửa đêm về sáng; thiếu các chương trình biểu diễn nghệ thuật, đầu tư xây dựng những sô biểu diễn áo dài kết hợp ca - vũ - kịch có quy mô lớn và ứng dụng thêm nhạc nước, âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng 3D...

Tại tọa đàm quản lý kinh tế đêm tổ chức ở TP. HCM, đại diện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) lưu ý hiện nay một số sản phẩm hiện có chưa thực sự xuất sắc; các đơn vị lưu trú và trung tâm thương mại lớn nên triển khai các gói ưu đãi, dành riêng cho khách sử dụng về đêm; cơ quan quản lý nhà nước cần cho phép các khách sạn, nhà hàng được khai thác kinh doanh về đêm các loại hình ăn uống tại một số điểm.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kinh tế ban đêm không phải là mô hình mới, mà đã trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới. Việt Nam cũng đã hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm nhờ nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc. Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, phát triển kinh tế ban đêm là tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được việc phát triển kinh tế ban đêm, các địa phương sẽ phải trải qua nhiều thách thức phía trước.

Tin mới lên