Cụ thể hạn mức của 18 ngân hàng được nới room tín dụng

Mai Linh - 21/09/2022 16:51 (GMT+7)

(VNF) - Đến nay, 18 ngân hàng đã được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống.

VNF
Sau đợt nới room tín dụng đầu tháng 9/2022, dự báo sẽ không còn đợt nới room nào trong năm nay.

Theo báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán VNDirect, có khoảng 18 ngân hàng thương mại (NHTM) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. "Đáng chú ý, Sacombank được hạn mức cao nhất là 4%, cao hơn kỳ vọng của thị trường", báo cáo của Vndirect cho hay.

18 NHTM được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong đợt này chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống. Theo ước tính của VNDirect, với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm - tiệm cận với mục tiêu 14% của NHNN.

Với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô, cơ hội để có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng nữa từ giờ cho đến hết năm khó khả thi.

Cũng theo VNDirect, trong đợt cấp tín dụng này, NHNN đã ưu tiên các NHTM có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, sức khỏe tài chính tốt và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao.

Mức tăng tăng hạn mức tín dụng đợt này từ 0,7 - 4% so với mức cũ, cho từng ngân hàng. Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, room tín dụng được cấp phổ biến quanh mức 3 - 4%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, hạn mức tín dụng được cấp ít hơn nhưng do quy mô tín dụng lớn hơn nên tổng lượng vốn thực tế được tăng lên sẽ lớn hơn.

Cụ thể, hạn mức được cấp thêm của các ngân hàng đợt này như sau: Sacombank 4%; Agribank 3,5%; HDBank 3,4%; MB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%; ACB 3%; Vietcombank 2,7%; Techcombank 2,7%; TPBank 1,2%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức thấp chỉ từ 0,7 - 1%.

Theo báo cáo của SSI Research, việc tăng hạn mức tín dụng nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Với chỉ tiêu điều hành cả năm ở mức 14%, ước tính sẽ có thêm khoảng 500.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng. Đây chính là dư địa để các ngân hàng đưa ra các giải pháp tín dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với nguồn vốn vay.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo, nhân viên ngân hàng cho rằng hạn mức cho vay tăng thêm đợt này không nhiều so với nhu cầu vay vốn hiện nay của khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp, khi đang bắt đầu bước vào mùa cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước nhu cầu vay vốn cuối năm rất lớn, việc nâng tín dụng lên mức 15-16% thay vì 14% sẽ phù hợp hơn.

Về vấn đề này, tại phiên thảo luận toàn thể trong diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Phạm Thanh Hà cho biết, trong năm nay, NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, không nới thêm để ổn định lãi suất, thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Theo ông Hà, để điều hành chính sách tiền tệ nói chung, NHNN phải giải bài toán với nhiều yếu tố khác nhau, mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng mức tăng trưởng tín dụng 14% cả ngắn hạn lẫn dài hạn là hợp lý. Bởi nếu nới thêm room tín dụng, áp lực lên tỷ giá và lãi suất sẽ rất lớn.

Cùng chuyên mục
Tin khác