Cục Thuế TP. Hà Nội ra văn bản hướng dẫn tài xế Uber, Grab nộp thuế

Duy Phan - 26/10/2017 10:48 (GMT+7)

(VNF) - Ghi nhận một số thông tin trên báo chí phản ánh về việc lái xe Uber, Grab "ngã ngửa" vì bị truy thu thuế khi bán xe do trót đăng ký xe theo diện hộ kinh doanh cá thể, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ra văn bản thông tin đến người nộp thuế về một số nội dung chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến cá nhân kinh doanh vận tải từ lúc mua xe đến lúc bán xe.

VNF
Nhiều tài xế Uber, Grab đang lo sẽ bị thu nhiều loại thuế. (Ảnh minh họa)

Theo đó, về nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước phát sinh khi mua xe, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết việc nộp lệ phí trước bạ khi mua xe áp dụng các văn bản pháp luật hiện hành quy định về tính lệ phí trước bạ phù hợp với thời điểm cá nhân kinh doanh mua xe.

Cụ thể, đối với người mua xe ô tô con dưới 10 chỗ ngồi không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sẽ phải nộp phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số mức 2 – 20 triệu đồng đối với khu vực I (Hà Nội, TP. HCM); tại khu vực II (các thành phố trực thuộc trung ương khác, các thành phố trực thuộc tỉnh và các thị xã) mức phí là 1 triệu đồng; các địa phương còn lại là 200.000 đồng.

Trong khi đó, nếu xe ô tô con dưới 10 chỗ là tài sản của cá nhân kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đăng ký lần đầu tại Hà Nội (khu vực I) thì lệ phí đăng ký cấp đăng ký và cấp biển số chỉ 500.000 đồng. Lệ phí này sẽ nộp cho cơ quan công an.

Trong quá trình kinh doanh vận tải, cá nhân kinh doanh vận tải nộp thuế theo phương pháp khoán có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và lệ phí môn bài.

Đối với cá nhân kinh doanh có mức doanh thu 100-300 triệu đồng/năm thì phải nộp lệ phí môn bài là 300.000 đồng; từ 300-500 triệu đồng phải nộp 500.000 đồng; trên 500 triệu đồng phải nộp 1 triệu đồng.

Cục Thuế TP. Hà Nội cũng cho biết, căn cứ Thông tư số 92 của bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh, số thuế GTGT phải nộp = doanh thu tính thuế GTGT x 3%; Số thuế TNCN phải nộp = doanh thu tính thuế TNCN x 1,5%.

Trong đó, doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế bao gồm cả doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn.

Trên cơ sở mức doanh thu khoán do cá nhân tự khai; mức doanh thu khoán năm liền trước năm tính thuế; thông tin tại cơ sở dữ liệu riêng của từng địa bàn; dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá,... Chi cục Thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để duyệt mức doanh thu khoán ổn định, gửi cho cá nhân kinh doanh và công khai theo quy định.

Cá nhân nộp thuế khoán sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế thì ngoài việc khai doanh thu khoán, cá nhân tự khai và nộp thuế đối với doanh thu trên hoá đơn vào báo cáo sử dụng hoá đơn theo quý, chậm nhất là ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Nghĩa vụ thuế với tài xế hợp tác với Uber, Grab

Riêng đối với cá nhân kinh doanh tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với Uber, Grab thì Uber, Grab (hoặc tổ chức được ủy quyền) phải có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Uber, Grab theo tỷ lệ % thuế GTGT là 3%, thuế TNCN là 1,5% tính trên doanh thu cá nhân được hưởng theo hợp đồng.

Nếu cá nhân kinh doanh vận tải chỉ phát sinh hoạt động kinh doanh theo hợp đồng hợp tác với Uber, Grab thì không phải kê khai, nộp thuế tại các chi cục Thuế.

Về nghĩa vụ nộp Ngân sách Nhà nước phát sinh khi bán thanh lý tài sản, trường hợp cá nhân kinh doanh vận tải hành khách khi bán tài sản phải nộp thuế GTGT, TNCN và mua hóa đơn lẻ từ cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Theo đó, số thuế GTGT và thuế TNCN phải nộp tương ứng là 1% và 0,5% toàn bộ số tiền thu được khi bán xe (theo hợp đồng).

Trường hợp cá nhân đăng ký kinh doanh vận tải nhưng thực tế không phát sinh doanh thu vận tải hoặc không đủ điều kiện kinh doanh vận tải thì cơ quan thuế không cấp/bán hóa đơn lẻ. Chi cục Thuế nơi cá nhân đăng ký kinh doanh sẽ có ý kiến với cơ quan đăng ký kinh doanh để xử lý theo quy định.

Trên thực tế các trường hợp trên không phải là bị truy thu thuế mà là truy thu lệ phí cấp đăng ký và biển số xe và phí này do cơ quan Công an thu chứ không phải cơ quan thuế.

Cụ thể, theo quy định, nếu xe hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách thì phí cấp đăng ký và cấp biển số chỉ 500.000 đồng. Trong khi nếu không đăng ký kinh doanh vận tải thì mức phí này dao động 2-20 triệu đồng.

Nhiều người mua xe để sử dụng nhưng để giảm tiền phí cấp đăng ký và cấp biển đã lách bằng cách đăng ký theo hộ kinh doanh. Nhưng đến khi mua bán qua lại, cơ quan thuế phát hiện không có doanh thu phát sinh (không phải kinh doanh vận tải) nên không cấp hóa đơn. Vì vậy chủ xe sẽ bị truy thu phí cấp đăng ký và biển theo quy định.

Bạn đọc có thể xem chi tiết văn bản tại đây!

Cùng chuyên mục
Tin khác