Thị trường

‘Cùng một mặt hàng, mỗi cục Hải quan khác nhau lại áp dụng mã HS khác nhau’

(VNF) - Thực trạng này được bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên, nêu ra tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập do VCCI tổ chức.

‘Cùng một mặt hàng, mỗi cục Hải quan khác nhau lại áp dụng mã HS khác nhau’

XNK và thương mại quốc tế là một trong những động lực chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam.

Quy định HS làm khó doanh nghiệp

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hà đã nhấn mạnh những khó khăn khi thực hiện các tiêu chuẩn liên quan đến việc áp mã HS.

Theo bà Hà, Tổng cục Hải quan nên thống nhất việc áp mã HS giữa các đơn vị trên toàn quốc. "Hiện có mặt hàng của chúng tôi, cùng một mặt hàng là thiết bị dàn lạnh công nghiệp, mà ở các cục hải quan khác nhau lại áp mã HS khác nhau, và mức thuế suất thuế nhập khẩu cũng khác nhau. Doanh nghiệp nào làm ăn nghiêm túc thì không cạnh tranh được vì bị áp thuế suất cao".

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, cho biết doanh nghiệp của ông là đơn vị đầu tiên xuất khẩu bưởi đỏ sang châu Âu, nhưng thời gian để 1 container đi từ Hải Phòng đến châu Âu mất 70 ngày, trong khi từ Thái Lan tới châu Âu chưa tới 40 ngày.

Một container 5.000 quả bưởi, ngày 24/11/2022 hàng rời Hòa Bình, 3 ngày tới Hải Phòng và đến ngày 3/2/3023 cập cảng ở London. “Hoa quả Thái Lan sang đến nơi vẫn tươi rói, còn chúng tôi dù được các cơ quan liên quan rất ủng hộ, cũng phải mất tới 70 ngày. Chúng tôi còn xuất khẩu ớt, mía... nhưng kiểm tra chuyên ngành rất nhiều, lãi suất vay ngân hàng thì tới 9%. Nói như vậy để thấy doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh thế nào?”, ông Thức nói.

Nói về những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, ông Trương Đức Trọng, chuyên gia về quản trị địa phương và chính sách công, Ban Pháp chế (VCCI) cho biết các vấn đề mà doanh nghiệp kêu khó vẫn còn rất nhiều. Điển hình, tiếp cận thông tin vẫn là trở ngại lớn. “38% doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc này. Các doanh nghiệp có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn, quy mô lớn, có nhiều mã hàng hóa, tương tác với nhiều cơ quan bộ ngành kêu nhiều hơn”, ông Trọng nói.

Cũng theo ông Trọng, việc minh bạch thông tin đang tốt hơn, nhưng vì vẫn phân tán theo ngành, chưa có nơi tập hợp thông tin, nên việc tìm kiếm đầy đủ thông tin để tuân thủ, như các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu vẫn rất khó khăn. Điểm hỏi đáp của nhiều cơ quan cũng được tổ chức, nhưng số điểm có tương tác đều đặn là số ít. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục than phiền về thủ tục kiểm tra hồ sơ, hoàn thuế, thủ tục thông quan và đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành.

“Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp còn rất nhiều. Thậm chí, không quy trình, thủ tục nào được doanh nghiệp đánh giá là dễ thực hiện cả”, ông Trọng chia sẻ.

Bộ, ngành địa phương sẽ cùng xử lý

Trước các ý kiến của doanh nghiệp, ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định sau hội nghị, sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

“Năm nay, tình hình kinh doanh còn khó khăn, nên chúng tôi xác định các bên cần phải ngồi lại với nhau vì mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các bộ, ngành và doanh nghiệp cùng phải ngồi lại để xem phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành vướng ở đâu, vì sao chưa nhanh gọn, chưa cập nhật thông tin, không để tình trạng như doanh nghiệp nói là khai, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu đến; doanh nghiệp đã nộp thuế qua online nhưng phải nộp bản chụp cho hải quan...”, ông Cường thẳng thắn nhìn nhận.

Cùng với đó, ông Cường cam kết sẽ làm việc ngay với các bộ, ngành, trong đó ưu tiên các lĩnh vực có nhiều vướng mắc như nông nghiệp và phát triển nông thôn, để tìm giải pháp cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

“Ngay sau hội nghị này, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước”, ông Cường cam kết.

Tin mới lên