Cung vượt cầu, giá khí đốt châu Âu giảm sâu dù bị Nga siết nguồn cung

Minh Đăng - 26/05/2023 11:27 (GMT+7)

(VNF) - Lượng khí đốt dự trữ ở châu Âu tăng cao đã đẩy giá khí đốt giảm sâu xuống dưới 26 euro/MWh, mức giá thấp nhất trong gần 2 năm qua.

VNF
Giá khí đốt châu Âu giảm sâu dù bị Nga siết nguồn cung.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 25/5, giá khí đốt trên sàn giao dịch TTF ở Hà Lan đã giảm xuống 25,8 euro (27,7 USD)/MWh, mức giá thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 350 euro (375 USD)/MWh hồi tháng 8 năm ngoái sau khi Nga bóp nghẹt nguồn cung khí đốt khiến các nước châu Âu chạy đua tìm kiếm và tích trữ khí đốt nhằm thay thế nguồn cung từ Nga.

Giới chuyên gia nhận định việc giá khí đốt giảm sâu phản ánh thực tế cung vượt cầu. Tồn kho khí đốt ở các nước châu Âu đang tăng lên nhờ thời tiết mùa đông ôn hòa và chính sách cắt giảm tiêu thụ của các nước.

Theo cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), mức dự trữ khí đốt tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiện đạt trên 66% khả năng lưu trữ.

Các bể chứa của Đức, quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất châu Âu, hiện đạt tỷ lệ dự trữ lên tới 73%.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đặt mục tiêu đạt mức lưu trữ khí đốt 90% công suất vào đầu tháng 11 tới. Tuy nhiên, Ngân hàng Morgan Stanley dự báo EU có thể đạt được mục tiêu đó sớm hơn, vào tháng 7 hoặc tháng 8.

Ở động thái liên quan, mới đây Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom công bố số liệu cho thấy lợi nhuận ròng của tập đoàn này trong năm 2022 đạt 1.226 tỷ ruble (15,29 tỷ USD), giảm hơn 41% so với mức lợi nhuận của năm 2021 là 2.093 tỷ ruble (26,1 tỷ USD).

Theo Reuters, năm 2023 có thể còn khó khăn hơn do giá khí đốt trên thế giới đang trong xu thế giảm. Bên cạnh đó, lượng khí đốt mà Gazprom giao đến châu Âu hiện cũng ít hơn nhiều so với đầu năm ngoái.

Việc các nước phương Tây tăng cường các biện phép hạn chế phụ thuộc vào năng lượng Nga đã khiến lượng xuất khẩu của Gazprom giảm một nửa, còn 101 tỷ m3 năm 2022. Nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga sang châu Âu cũng giảm 55% trong năm 2022.

Cao ủy Năng lượng của EU, Kadri Simson, cho rằng, bằng cách tăng sản lượng năng lượng tái tạo và đa dạng hóa hơn nữa các nguồn cung năng lượng, một số nước thành viên EU có thể loại bỏ hoàn toàn LNG của Nga trong thời gian tới đây.

Xem thêm >> Chuyển dữ liệu người dùng Facebook tại EU sang Mỹ, Meta lĩnh án phạt kỷ lục 1,3 tỷ USD

Theo Newsbeezer
Cùng chuyên mục
Tin khác