(VNF) - Hungary mới đây đã lên tiếng phản đối một số điều khoản quan trọng trong gói trừng phạt thứ 11 mà Ủy ban châu Âu vừa đề xuất áp lên Nga.
Phát biểu trước báo giới ngày 22/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng “các biện pháp trừng phạt có hại cho châu Âu hơn là cho Nga và tôi nghĩ rằng gói trừng phạt thứ 10 không nên được nối tiếp bởi gói thứ 11, điều này sẽ trở thành một phép thử thực sự đối với nền kinh tế của các nước châu Âu".
"Brussels lẽ ra phải học được một bài học từ hậu quả của các lệnh trừng phạt”, ông Szijjarto nhấn mạnh thêm.
Nhà ngoại giao Hungary cho biết thêm rằng nước này phản đối các hạn chế bổ sung đối với các công ty châu Âu về kinh doanh hàng hóa của Nga, cũng như các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc bị nghi ngờ hợp tác với Nga.
Ông cũng nhắc lại rằng Hungary sẽ phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của EU nhằm hạn chế hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
"Bất chấp áp lực đang gây ra cho chúng tôi, chúng tôi sẽ phản đối mạnh mẽ bất kỳ hình thức trừng phạt nào ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hạt nhân, bởi vì điều đó liên quan đến an ninh năng lượng của Hungary. Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ không mạo hiểm với an ninh cung cấp năng lượng của Hungary", Ngoại trưởng Szijjarto tuyên bố.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary cũng nhắc lại rằng chính phủ nước ông phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và sẽ không từ bỏ lập trường này bởi "nguồn cung cấp vũ khí tiềm ẩn nguy cơ leo thang chiến tranh và cuộc chiến này càng kéo dài thì càng có nhiều người thiệt mạng".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết gói trừng phạt thứ 11 có thể được thống nhất trước cuộc họp cấp bộ trưởng EU tiếp theo vào tháng 6.
Mới đây, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng thừa nhận rằng không chỉ Hungary mà một số quốc gia khác cũng đang lên tiếng phản đối gói trừng phạt thứ 11 mà khối này định áp lên Nga.
Từ đầu tháng 5, các quốc gia thành viên EU đã bắt đầu thảo luận gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái.
Theo Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula Von Der Leyen, EU sẽ thực hiện một cơ chế mới nhằm cắt giảm xuất khẩu sang các nước thứ 3 và bổ sung hàng chục công ty vào danh sách đen, trong đó có Trung Quốc, Iran, Kazakhstan và Uzbekistan. EU cũng sẽ ngừng quá cảnh qua Nga đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu hơn để bao gồm các sản phẩm công nghệ tiên tiến và phụ tùng máy bay.
EU coi việc trốn tránh các lệnh trừng phạt là lý do khiến những gói trừng phạt trước đó nhằm vào Nga không đáp ứng được kỳ vọng.
Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được tất cả 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn. Nếu được thông qua, thì đây sẽ là lần đầu tiên khối 27 nước thành viên nhằm mục tiêu vào Trung Quốc liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.