Tài chính

Cuộc 'di cư' của FPT

(VNF) - Liệu FPT có thể tạo ra được "con hào kinh tế" ở mảng gia công phần mềm cho nước ngoài, như những gì đã làm được ở mảng viễn thông?

Cuộc 'di cư' của FPT

7 tháng năm nay, FPT lãi trước thuế gần 2.900 tỷ

Kể từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực và dai dẳng, chỉ số ít doanh nghiệp niêm yết ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Trong số ít đó có Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT).

Số liệu kinh doanh lũy kế 7 tháng năm nay cho thấy, doanh thu của FPT vẫn tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16.000 tỷ đồng; trong khi đó, lợi nhuận trước thuế tăng 13% lên gần 2.900 tỷ đồng.

Nhìn lại quá khứ, FPT đã tạo dựng cho mình chỗ đứng và vị thế vững chắc trong ngành viễn thông với mảng kinh doanh lõi là cung cấp dịch vụ Internet. Hệ sinh thái bao gồm Internet băng rộng, kênh thuê riêng, trung tâm dữ liệu, dịch vụ truyền hình, dịch vụ trực tuyến... đang tạo ra lợi nhuận và dòng tiền đều đặn cho FPT.

7 tháng năm nay, mặc dù phần lớn hướng đến thị trường trong nước - vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 - nhưng khối Viễn thông của FPT vẫn đem về tăng trưởng doanh thu 9,8%, đạt gần 6.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40% tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận trước thuế đem về là trên 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 13%.

Nếu loại trừ mảng quảng cáo trực tuyến (với sản phẩm lõi là báo VnExpress) - mảng chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19 do xu hướng cắt giảm chi tiêu, trong đó cắt giảm chi tiêu truyền thông được đặt lên hàng đầu - thì các dịch vụ viễn thông của FPT ghi nhận tăng trưởng doanh thu tới 11%, tăng trưởng lợi nhuận tới 21%.

Có thể nói, ở mảng viễn thông, FPT đã tạo ra được "con hào kinh tế", như cách mà nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett vẫn hay ví von về lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nếu như ở mảng viễn thông, FPT đã "định cư" và tiếp tục phát triển hệ sinh thái thì ở mảng công nghệ, tập đoàn này đã thực hiện thành công một cuộc "di cư".

Dữ liệu 7 tháng năm nay cho thấy, khối Công nghệ đem về cho FPT gần 8.800 tỷ đồng doanh thu, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 55% tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận trước thuế đem về là gần 1.200 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.

Nói "di cư" là bởi trước đây, khối Công nghệ của FPT phần lớn phục vụ thị trường trong nước thì những năm gần đây đã ghi nhận sự dịch chuyển rất rõ rệt ra thị trường nước ngoài.

7 tháng, doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin trong nước của FPT đạt trên 2.000 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt vỏn vẹn 99 tỷ đồng, giảm tới 29%. Điều này phần nào cho thấy sự kém hấp dẫn của thị trường trong nước thể hiện qua việc lợi nhuận giảm sâu hơn nhiều doanh thu, cùng với đó, FPT cũng đang chuyển dịch nguồn lực để tập trung phục vụ cho thị trường nước ngoài.

Nhờ vậy, doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài (chủ yếu là gia công phần mềm cho nước ngoài) đã tăng 16% trong 7 tháng năm, đạt gần 6.800 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 19% lên gần 1.100 tỷ đồng.

Nhưng liệu FPT có thể tạo ra được "con hào kinh tế" ở mảng gia công phần mềm cho nước ngoài, như những gì đã làm được ở mảng viễn thông?

Kết quả kinh doanh của FPT trong 7 tháng năm 2020

Thị trường gia công phần mềm thế giới rất rộng lớn. Theo thống kê từ Statista, quy thị trường này lên đến 92,5 tỷ USD trong năm 2019. Tuy nhiên, sau giai đoạn liên tục tăng từ năm 2000 đến năm 2012 thì kể từ năm 2013, quy mô thị trường rất trồi sụt, có lúc vượt 100 tỷ USD như năm 2014 nhưng có lúc lại xuống dưới 80 tỷ USD như năm 2016. Điều này phần nào cho thấy thị trường gia công phần mềm có dấu hiệu tiến vào giai đoạn bão hòa.

Trên thực tế, Ấn Độ, Trung Quốc, cùng với đó là các nước Trung và Đông Âu đang cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường này. Trong đó, Ba Lan, Ukraine, Romania và Belarus đang được kỳ vọng sẽ trở thành "điểm nóng" mới trên thị trường gia công phần mềm.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam với đại diện là FPT, dù đang rất nỗ lực và đem về thành quả nhất định nhưng để phát triển trong một thị trường "đại dương đỏ" với mức độ cạnh tranh đã khá cao như gia công phần mềm, không phải đơn giản. Đặc biệt, để tạo dựng được "con hào kinh tế" thì càng khó khăn hơn.

Trong chuỗi giá trị, gia công nói chung hay gia công phần mềm nói riêng là một khâu thâm dụng lao động. Đây là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến thị phần. Quốc gia nào, doanh nghiệp nào càng có tiềm năng phát triển nhân lực công nghệ thông tin thì triển vọng tăng trưởng càng kéo dài, và ngược lại. Liệu Việt Nam nói chung và FPT nói riêng có lợi thế trong cuộc chiến này?

Thị trường rộng lớn cùng sự nỗ lực và chiến lược hợp lý có thể cho phép FPT duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong thời gian tới, tuy nhiên, vì khó lòng thiết lập được "con hào kinh tế" nên tính rủi ro trong chặng đường phát triển mảng gia công phần mềm cho nước ngoài cần được lưu ý đến.

Tại một cuộc tọa đàm về thị trường chứng khoán diễn ra gần đây, một chuyên gia quản lý quỹ đầu tư nêu quan điểm cá nhân rằng ông vẫn đang coi FPT là một công ty xây dựng trong ngành công nghệ chứ chưa phải là công ty công nghệ đích thực, vì thế mà định giá trên thị trường chứng khoán đối với FPT sẽ không thực sự cao. Quan điểm này cũng phần nào cho thấy bức tranh gia công phần mềm cho nước ngoài không phải màu hồng.

Chuyển đổi số đang là hướng đi mang tính mở đường của FPT và có thể tạo ra "con hào kinh tế", bởi đây vẫn là "đại dương xanh" - nơi "chưa có một tổ chức truyền thống nào thành công thực sự", như lời của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ với báo giới vào năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập FPT.

Tuy nhiên, hành trình này còn dài và gian nan ngay từ việc định hình sự phát triển. Trong những năm tới, mục tiêu của FPT vẫn là hoàn thiện giai đoạn 1 (tích hợp dữ liệu, có thể giám sát thông tin của toàn bộ quá trình, tổ chức), từng bước vào giai đoạn 2 (khai thác trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, máy học… biến dữ liệu thành giá trị cụ thể để phục vụ từng con người tốt hơn, giúp các tổ chức, doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, tiến tới tự động hóa, năng suất cao hơn...).

Tin mới lên