Cuộc đua hàng không giữa các tỷ phú bất động sản: Người thăng hoa, kẻ bỏ cuộc

Trần Lưu - 14/01/2020 15:43 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi Vietjet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đang "hái tiền" thì tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại phải "khai tử" hãng hàng không Vinpearl Air.

VNF
Vingroup chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.

Vietjet tăng trưởng gần 17% so với năm trước

Năm 2019 đánh dấu mốc 3 năm tròn, kể từ khi bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Nam Á. Khối tài sản hiện tại của nữ tỷ phú Việt được Forbes định giá 2,7 tỷ USD.

Trước khi lấn sân vào thị trường hàng không, bà Thảo là Chủ tịch Sovico Holdings kiêm người đại diện phần vốn góp của Sovico ở HDBank. Gắn bó với bất động sản và ngành tài chính ngân hàng nhưng hàng không mới là lĩnh vực đưa bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực với thành công của Vietjet Air.

Lũy kế 9 tháng năm 2019, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 38.134 tỷ đồng, trong đó doanh thu vận tải hàng không là 30.597 tỷ đồng. Dù có doanh thu chỉ bằng phân nửa so với Vietnam Airlines nhưng Vietjet Air báo lãi trước thuế 4.206 tỷ đồng, cao hơn mức lợi nhuận hợp nhất 3.291 tỷ đồng của đối thủ.

Theo số liệu khai thác chuyến bay của Cục Hàng không, Vietjet Air là hãng có thị phần hàng không nội địa lớn nhất trong 9 tháng năm 2019 với tỷ trọng 43%. Sau khi nắm trong tay thị phần số 1 tại thị trường trong nước, Vietjet Air của tỷ phú Phương Thảo đang tập trung mở rộng ra thị trường quốc tế.

Theo số liệu mới được Cục Hàng không Việt Nam công bố, số chuyến bay mà Vietjet khai thác trong năm 2019 chiếm 42,6% tổng số chuyến toàn ngành và tăng trưởng gần 17% so với năm trước.

Về quy mô đội bay, vào đầu năm 2020, Vietjet Air đã tiếp nhận thêm 2 tàu bay A321 mới mang số hiệu VN-A521 và VN-A542. Điều này giúp hãng hàng không của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nâng tổng số tàu bay lên 80 chiếc.

Bamboo Airways báo lãi sau 1 năm cất cánh

Chính thức cất cánh từ ngày 16/1/2019, hãng hàng không Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã báo lãi 303 tỷ đồng sau 1 năm và dự kiến sẽ lãi sẽ tăng lên 1.025 tỷ đồng vào năm 2020.

Bamboo Airways có thể được xem là một hiện tượng trong ngành hàng không Việt Nam bởi những thành công đã đạt được chỉ sau 1 năm cất cánh. Cụ thể, hãng hàng không này đã đón hành khách hàng thứ 1 triệu chỉ sau 7 tháng bay. Đây là con số được Cục trưởng Cục hàng không Đinh Việt Thắng đánh giá là "khá ấn tượng" vì các hãng hàng không Việt Nam khác phải mất thời gian dài hơn để đạt con số 1 triệu khách này.

Trong năm 2019, "em út" của hàng không Việt đã thực hiện tổng số 20.203 chuyến bay, trong đó có 19.012 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỷ lệ 94,1% - cao hơn tỷ lệ chung của toàn ngành là 86,4%, đồng thời dẫn đầu toàn ngành hàng không Việt Nam về chỉ số khai thác chuyến bay đúng giờ.

Đáng chú ý, ngày 22/12 vừa qua, Bamboo Airways đã đón máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên và chính thức trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên khai thác máy bay thân rộng tại Việt Nam.

Hiện tại, Bamboo Airways đang khai thác 35 đường bay nội địa và quốc tế. Đội bay của hãng dự kiến đạt con số 30 máy bay đến tháng 1/2020, trong đó có 4 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Tính đến hiện tại, hãng đã thực hiện hơn 20.000 chuyến bay an toàn tuyệt đối, vận chuyển gần 3 triệu lượt khách.

Bamboo Airways trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên khai thác máy bay thân rộng tại Việt Nam.

Cũng trong tháng 12/2019, Bamboo Airways cho biết đã lên kế hoạch chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) mã cổ phiếu BAV với mức giá khởi điểm dự kiến 60.000 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng vốn hóa đạt 1 tỷ USD sau niêm yết.

Hãng cũng đang xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực và kinh nghiệm, đặc biệt đến từ Mỹ, Nhật, châu Âu, với mục tiêu chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không dưới 160.000 đồng/cổ phiếu.

Đặc biệt, hãng hàng không của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng đang tích cực lên kế hoạch để thực hiện mục tiêu đường bay thẳng Việt - Mỹ. Cụ thể, hãng hàng không này dự kiến sẽ có chuyến bay thẳng đầu tiên từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) đi Los Angeles (Mỹ) vào quý IV/2020.

Vinpearl Air chưa có hình hài đã bị khai tử

Thông tin Vingroup chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không trong ngày hôm nay (14/1) nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trước đó, sự xuất hiện của cái tên Vinpearl Air, với nội lực đằng sau là Tập đoàn Vingroup được rất nhiều kỳ vọng sẽ thành công và nhiều dự đoán về một thị trường hàng không đầy cạnh tranh trong năm 2020 khi Vinpearl Air cất cánh.

Vingroup chính thức khẳng định sự hiện diện trong lĩnh vực hàng không vào tháng 7/2019 với việc thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air, đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp.

Cuối tháng 12/2019, sau khi thẩm định dự án hàng không Vinpearl Air, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo đó, dự án vận tải hàng không Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%. Hãng chọn Nội Bài làm "thủ phủ".

Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không được quy định tại Luật Hàng không dân dụng, Nghị định 92 và báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam quản lý chặt kế hoạch phát triển đội tàu bay đến năm 2025, Công ty Vinpearl Air nói riêng và các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đảm bảo số lượng tàu bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam phù hợp với thị trường vận tải hàng không, hạ tầng cảng hàng không, năng lực giám sát của Cục Hàng không Việt Nam.

Được biết, Vinpearl Air dự kiến khai thác 36 tàu bay vào năm 2025. Dự án này không trái với quy hoạch phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng không mới và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Theo tính toán, Vinpearl sẽ khai thác 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế cho đến năm 2025. Kế hoạch này cũng được cho là phù hợp với định hướng của Chính phủ.

Theo đó, mạng đường bay nội địa có kết nối liên vùng, kết nối với các cảng hàng không địa phương, các cảng hàng không thứ cấp. Đối với mạng bay quốc tế kết nối các cảng hàng không quốc tế chính và thứ cấp đi/đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia và một số quốc gia châu Âu, Mỹ.

Để thực hiện kế hoạch "tham chiến" thị trường hàng không, ngày 20/11/2019, Trường Đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air (VinAviation) cũng đã tổ chức lễ khai giảng Khóa 1 chuyên ngành đào tạo phi công với quy mô 180 học viên.

Mặc dù vậy, Vingroup lại bất ngờ gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Theo giải thích từ Vingroup, “đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là Công nghệ và Công nghiệp của Vingroup”.

Vingroup nhấn mạnh quyết định giải tán Vinpearl Air “không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không VinAviation đảm nhiệm. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên”.

Vingroup cũng khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước.

Cùng chuyên mục
Tin khác