Diễn đàn VNF

Cuộc đua màu xanh: Đường dài, tốn tiền, cần nguồn lực lớn

(VNF) - Chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết net zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.

Cuộc đua màu xanh: Đường dài, tốn tiền, cần nguồn lực lớn

“Cuộc đua màu xanh”

Hãng hàng không Vietjet đang trên đường thực hiện các chuyến bay ít phát thải để thực hiện các cam kết net zero trong ngành hàng không. Ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, thừa nhận rằng các chuyến bay sử dụng nhiên liệu truyền thống phát thải CO2 “khủng khiếp”.

Lãnh đạo Vietjet chia sẻ: Tiêu hao nhiên liệu chiếm tới 40% giá thành, khi giá nhiên liệu lên cao có thể chiếm tới 60%. Một tấn nhiên liệu tàu bay JetA1 thải ra 3,16 tấn CO2, một con số rất khủng khiếp. Cho nên mục tiêu quan trọng nhất của Vietjet là làm sao tiết kiệm nhiên liệu. Vì thế, hãng hàng không này đang dồn tiền đầu tư vào đội tàu bay trẻ có động cơ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu. “Đội tàu bay trẻ của chúng tôi có thể tiết kiệm đến 20% nhiên liệu”, ông Thắng nói,

Suy rộng ra, ông Thắng cho biết: “Để thực hiện net zezo với ngành hàng không thì điều quan trọng nhất là thay đổi loại nhiên liệu bền vững, chiếm tới 65% khả năng giảm thải CO2. Phần lớn hãng hàng không phải chuyển sang dùng nhiên liệu bền vững, khi đó, hãng hàng không nào quản trị tốt chi phí thì nắm được lợi thế”,

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho rằng: Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp cần phải nhìn lại, soi mình vào những chiến lược, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh này, để định vị lại giá trị của mình, không chỉ là vai trò mà chính là doanh nghiệp tạo ra những giá trị gia tăng như thế nào trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh. Đây là lúc doanh nghiệp cần phải đưa ra những giá trị mới để đáp ứng được những nhu cầu mới, nhu cầu phát triển xanh và bền vững, phát triển bao trùm.

Kinh tế xanh đang trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới, nhiều quốc gia hiện đang theo đuổi mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Ông Vinh ví von đó như một cuộc đua xanh “tuy thầm lặng nhưng rất khốc liệt” của các nước trên thế giới và của cả các nước trong khu vực. “Xanh hóa” hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là hướng đi các doanh nghiệp buộc phải theo.

“Chúng ta nhận thấy rằng, một cuộc đua xanh đã âm ỉ kéo dài 2-3 thập kỷ ở châu Á và châu Âu, mà ở châu Á nổi lên là Hàn Quốc, Nhật Bản cùng những nước khác. Đặc biệt là Trung Quốc, sau khi đã trả giá bằng những bài học rất đắt về tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Hiện nay Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về đầu tư vào tăng trưởng xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh và nhiều nguồn khác nữa. Đây là một cuộc đua màu xanh. Và doanh nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng”, ông Nguyễn Quang Vinh lưu ý.

Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường năng lực, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh để tiếp cận các thị trường và nguồn vốn tín dụng xanh. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cần phát triển để không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển khu vực tư nhân bền vững.

Chi phí lớn, cần tiếp cận được nguồn tín dụng xanh

Theo VCCI, chi phí đầu tư cho sản xuất “xanh”, vận hành, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường rất lớn khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị giảm trước mắt. Số liệu khảo sát của VCCI cho thấy 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Mức độ tham gia các chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương của doanh nghiệp còn hạn chế (37%). Đáng chú ý là mặc dù có tới 91% doanh nghiệp cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính họ cũng cần có trách nhiệm lại thấp hơn.

Mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của UNDP, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, cũng chỉ có khoảng 1/2 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng: “Có nhiều nguồn lực khác để hỗ trợ tài chính cho việc Việt Nam loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi khuyến khích các cơ quan có thẩm quyền xem xét thêm khung pháp lý phù hợp, dễ tiếp cận để cung cấp các dự án điện khí ngoài khơi, LNG, điện gió, điện mặt trời và hệ thống truyền tải chất lượng cao với nhu cầu vốn đáng kể từ thị trường quốc tế. Điều quan trọng để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế là các hợp đồng mua bán điện có khả năng vay vốn ngân hàng (PPA) đối với nguồn năng lượng bền vững. Tín dụng xanh cung cấp mức giá ưu đãi cho các nhà đầu tư tư nhân để giảm thiểu phát thải CO2, nhưng khung pháp lý cần được cập nhật để làm rõ các tiêu chí phê duyệt tín dụng xanh”.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, bình quân 5 năm trở lại đây, bố trí chi NSNN cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt trên 21 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đối với chi đầu tư, ngân sách cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu quốc gia. Dự toán chi đầu tư cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2025 được bố trí ở mức khoảng 23,5 nghìn tỷ đồng. Theo cơ quan này, gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh, với 3 cấu phần là: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong ba năm liền. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu xanh cũng đã có những bước phát triển ban đầu. Chỉ số Phát triển bền vững VNSI được đưa vào vận hành từ năm 2017 nhằm xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư xác định những doanh nghiệp có tính “xanh” để đầu tư. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và hoàn thiện các quy định theo chức năng về tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí về môi trường - xã hội - quản trị công ty (ESG).

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong đó hiện nay ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực và chủ yếu tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông vận tải và nhiều mục tiêu ưu tiên khác.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo trong tăng trưởng xanh, mà nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định. Do đó, các cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, ưu tiên cho các dự án có mô hình tăng trưởng xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán carbon”, VCCI khuyến nghị.

Tại phiên họp triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 ngày 14/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững. Thủ tướng yêu cầu, thực hiện Đề án triển khai Tuyên bố JETP (Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng), xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện “xanh hóa” hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tin mới lên