Cuộc đua 'tám lạng, nửa cân' của Shopee và Lazada ở Việt Nam
Viễn Thông -
15/05/2019 21:33 (GMT+7)
"Mặt trận" Việt Nam của Shopee và Lazada đang tương đồng với bức tranh đối đầu chung của họ ở Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, Shopee và Lazada đặt trụ sở chính cùng chung cao ốc văn phòng hạng A tại trung tâm quận 1, TP. HCM. Bằng một cách ngẫu nhiên nào đó, nhân viên của họ vào văn phòng bằng hai lối khác nhau.
Dù khác lối đi, cuộc đối đầu "tám lạng, nửa cân" hai đại gia ngoại tại đây không phải sự tình cờ, mà là một phần trong cuộc tranh giành thị phần tại Đông Nam Á đang hồi kịch tính.
Quý I/2018, Lazada là trang thương mại điện tử dẫn đầu Việt Nam về lượng truy cập hàng tháng (MAU), với gần 42,5 triệu. Tuy nhiên, tình thế đảo ngược vào quý I/2019, Shopee vươn lên thống lĩnh với 40,7 triệu MAU trong khi Lazada xuống hạng 3, chỉ còn 29 triệu, theo dữ liệu của Iprice. Thực tế, Lazada đã rời bỏ ngôi vị kể từ quý III/2018.
Tương tự như các loại hình kinh doanh khác trong nền kinh tế Internet, thương mại điện tử cũng là cuộc đua "mạnh về gạo, bạo về tiền". Ở Đông Nam Á, nếu ứng dụng gọi xe có Grab và Go-Jek thì bán hàng trực tuyến có Shopee và Lazada. Tháng 3 năm ngoái, Alibaba tuyên bố rót thêm 2 tỷ USD vào Lazada, nâng tổng số tiền đổ vào nền tảng này lên 4 tỷ USD.
Không thua kém, SEA vừa khép lại vòng huy động vốn trên sàn New York hồi tháng 3/2019, thu về 1,5 tỷ USD. Phần lớn số tiền này sẽ đổ vào Shopee. "Shopee nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu khu vực chỉ trong 3 năm, là ví dụ tuyệt vời về cách chúng tôi phân bổ vốn nhanh chóng và kịp thời nhằm nắm bắt cơ hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, củng cố vị trí dẫn đầu và bền vững của nền tảng này", ông Forrest Li - Nhà sáng lập kiêm CEO của SEA nói khi ấy.
Quý I vừa rồi, Shopee dẫn đầu lượng người truy cập hàng tháng (MAU) tại Việt Nam, đứng thứ hai tại Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và thứ ba tại Singapore với tổng cộng 184,4 MAU. Lazada giảm 12% MAU nhưng vẫn đứng đầu ở Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Không có con số cụ thể về lượng vốn đổ vào từng thị trường của hai đơn vị. Tuy nhiên, về chiến lược, bên cạnh cách làm kiểu "anh làm gì - tôi làm đấy, anh có gì - tôi có đấy" giữa các ông lớn thương mại điện tử Việt Nam thì Shopee và Lazada dần xác lập hướng tiếp cận và phát triển khách hàng riêng.
Năm 2018, trong khi Lazada tích cực đầu tư theo chiến dịch, tập trung vào quí I với dịp Tết Nguyên Đán, Sinh nhật Lazada và quý IV với Sale 11.11, Black Friday, Cyber Monday, 12.12 Sale... thì Shopee khuyến mại tương tự nhưng nhường hẳn mặt trận truyền thông, quảng cáo cho đối thủ.
Về nền tảng, Lazada đi theo hướng mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) với các chương trình livestream của nghệ sỹ, người nổi tiếng và các minigame. Tính năng tìm kiếm sản phẩm bằng hình ảnh được triển khai với tuyên bố có 500.000 khách hàng tại khu vực sử dụng hàng ngày. Sang năm 2019, Lazada công bố hoàn tất việc tích hợp cơ sở hạ tầng công nghệ từ Alibaba.
Trong khi đó, Shopee "câu kéo" người dùng bằng chiến lược phát triển ứng dụng riêng cho mỗi nước. "Đây là một phần trong chiến lược tập trung vào cách tiếp cận địa phương hóa cao cho từng thị trường. Chiến lược này hiệu quả khi Shopee vẫn là một trong những tên tuổi trẻ nhất, nhanh chóng vươn lên kể từ khi thành lập năm 2015", Jacob Wolinsky - Nhà sáng lập kiêm CEO ValueWalk nhận định trong bài phân tích gần đây.
Cụ thể, ở Việt Nam Shopee tung tính năng giao hàng 4 giờ, mang dáng dấp từ dịch vụ giao hàng 2 giờ của Tiki. Shopee còn đều đặn tặng mã giảm giá và mã giao hàng miễn phí cho người dùng. Với một thị trường "mê" mã giảm giá và miễn phí giao hàng như Việt Nam, chiến lược đã phát huy hiệu quả.
Đang bị dẫn trước trong quý I/2019, Lazada vẫn rất lạc quan và liên tục có động thái trong vài tháng trở lại đây. Đơn vị này củng cố uy tín bằng cách ký nhiều hợp tác với các thương hiệu lớn trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, thời trang, mỹ phẩm... nhằm gia tăng sự hiện diện của hàng chính hãng.
"Việt Nam tiếp tục là một thị trường quan trọng mà chúng tôi tập trung tại Đông Nam Á với dân số lớn và tốc độ phát triển kinh tế, thương mại điện tử luôn ở mức cao", ông Max Zhang - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam nói.
Về phía Shopee, trong lúc khách hàng vẫn mải mê với các mã giảm giá, khuyến mại thì những chiến lược mới để duy trì phong độ dẫn đầu đang là tâm điểm được nhiều bên chờ đợi, nhất là khi 1,5 tỷ USD vừa huy động được.
"Chúng tôi không tin bất kỳ một người chơi nào sẽ thắng hoặc thua ở Đông Nam Á trong 1-2 năm tới. Thay vào đó, câu hỏi đặt ra là ai có tư duy, chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp để nắm bắt tiềm năng to lớn của khu vực trong thập kỷ tới hoặc lâu hơn", nhóm chuyên gia của Iprice bình luận.
Theo Google & Temasek, nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á năm 2018 đạt giá trị 72 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử chiếm tỷ trọng lớn, với 23 tỷ USD và dự đoán sẽ đạt quy mô 100 tỷ USD vào năm 2025.
"ASEAN là một trong những thị trường tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Điểm độc đáo của thị trường này là các quốc gia thành viên đều ưu tiên sử dụng thiết bị di động, thậm chí, một số quốc gia chỉ hoạt động trên nền tảng di động. Điều này đưa ASEAN vào quỹ đạo trở thành một trong những nền kinh tế di động quan trọng nhất trên thế giới", bà Cindy Deng - Giám đốc điều hành App Annie phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhận định.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone