Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lí vi phạm hành chính.
Tại báo cáo này, đánh giá về nội dung tăng tiền phạt của dự luật (thể hiện ở việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 3 Điều 24 của Luật Xử lí vi phạm hành chính), Ủy ban Pháp luật cho rầng: về việc tăng mức phạt tiền tối đa trong 10 lĩnh vực, hồ sơ dự án chưa làm rõ sự cần thiết.
Ý kiến đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa về các lĩnh vực này của các cơ quan trong hồ sơ còn chung chung; ý kiến giải trình cho việc nâng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực chưa cụ thể. Thậm chí có lĩnh vực cơ quan soạn thảo giải trình là “chưa cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này” nhưng dự thảo luật lại thể hiện tăng mức phạt tiền tối đa. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng chưa có cơ sở để xem xét việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo luật đề xuất.
Mặt khác, Ủy ban Pháp luật nhận thấy một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật Xử lí vi phạm hành chính mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp.
Ủy ban Pháp luật cho rằng trong khuôn khổ mức phạt tiền tối đa được luật hiện hành quy định, Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tương ứng để tăng mức phạt đối với hành vi cụ thể mà không cần thiết phải sửa đổi Luật để nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đó.
Do vậy, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.
Về việc bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong 06 lĩnh vực và sửa đổi tên của 07 lĩnh vực, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ phạm vi của 02 lĩnh vực mới được bổ sung là in và cứu nạn, cứu hộ để không chồng chéo với các lĩnh vực khác; bỏ lĩnh vực quản lý và bảo tồn nguồn gen và phân bón vì đã thuộc lĩnh vực trồng trọt theo quy định của Luật Trồng trọt.
Về thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, dự thảo luật sửa đổi theo hướng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không bị giới hạn bởi giá trị tang vật, phương tiện (khoản 7 Điều 2 dự thảo luật).
Ủy ban Pháp luật cho rằng thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh phải có giới hạn, phải được phân thành các cấp khác nhau để bảo đảm tính hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh.
“Quy định như dự thảo luật là rất khó kiểm soát, dễ lạm quyền; không phù hợp, tương xứng giữa quyền hạn được giao với nhiệm vụ và năng lực thực hiện của các chức danh”, báo cáo thẩm tra đánh giá.
Đối với việc dự thảo luật bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” và “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”, Ủy ban Pháp luật cũng có những đánh giá mang tính bác bỏ.
Cụ thể, về biện pháp “ngừng cung cấp điện, nước”, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, ngoài quy định của Luật Xử lí vi phạm hành chính, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP có quy định biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp điện” tuy nhiên, tài liệu trong hồ sơ không tổng kết việc thi hành biện pháp này.
Mặt khác, báo cáo tổng kết thi hành Luật Xử lí vi phạm hành chính cho thấy, các cơ quan thực thi việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không gặp khó khăn, vướng mắc do thiếu biện pháp cưỡng chế.
“Việc dùng mệnh lệnh hành chính để tạm chấm dứt hợp đồng dân sự như vậy là can thiệp “quá sâu” vào quan hệ dân sự. Việc cắt điện, nước để buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định xử phạt là không thực sự phù hợp. Do vậy, đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp điện, nước” trong lần sửa đổi này”, Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm.
Về biện pháp “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”, Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là không đúng về bản chất, trùng lặp với hình thức xử phạt.
Biện pháp cưỡng chế “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” là biện pháp có tính nghiêm khắc hơn cả hình thức xử phạt, không tương xứng, phù hợp với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả. Mặt khác, việc bổ sung biện pháp này chưa được đánh giá tác động cụ thể và cũng không xuất phát từ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế này.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.