Thị trường

'Đã đến lúc tự do hóa thị trường xăng dầu'?

(VNF) - Nhiều ý kiến cho rằng tự do hoá thị trường xăng dầu, để thị trường quyết định vấn đề mới là giải pháp căn cơ cho thị trường xăng dầu thay vì chỉ sửa một Nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

'Đã đến lúc tự do hóa thị trường xăng dầu'?

Bán lẻ lỗ, đầu mối cũng lỗ

Năm 2022, diễn biến giá xăng dầu phức tạp, xung đột Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước, hàng loạt các cây xăng treo biển hết hàng, tình trạng bán nhỏ giọt cũng xuất hiện ở nhiều nơi làm ảnh hưởng nghiệm trọng tới đời sống sản xuất của nhân dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đáng nói tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu, tình trạng các cây xăng treo biển ngừng bán chỉ chấm dứt khi Thủ tướng Chính phủ ra công điện yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ xăng dầu, đảm bảo không để thiếu, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống vào ngày 12/11/2022.

Bước sang năm 2023, tình hình cung ứng xăng dầu đã trở nên ổn định, không còn tình trạng cây xăng treo biển dừng bán hàng nữa. Nhưng một nghịch lý khác lại xảy ra đó là việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp đầu mối, đồng loạt kêu lỗ.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính-VietnamFinance, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), cho rằng biết hơn một năm qua, họ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. “Sự việc này các doanh nghiệp bán lẻ chỉ nghĩ rằng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ. Để phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính, dù lỗ vẫn phải bán. Đây là hình thức cưỡng bức doanh nghiệp bán lẻ”, ông Tây nói.

Ông Tây cũng chia sẻ rằng: “Một số người nói kinh doanh có lúc lời lúc lỗ. Tuy nhiên, tôi cho rằng phát biểu như vậy là chưa chuẩn, bởi vì doanh nghiệp nào cũng quyết toán năm tài chính là trọn 1 năm, mà khi quyết toán thì 20% nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân chia các quỹ khen thưởng, phúc lợi và bù lỗ các năm trước còn lỗ. Nên doanh nghiệp bán lẻ cũng không còn nguồn lực tài chính để gánh lỗ kéo dài hơn 1 chu kỳ kinh doanh”.

Đáng chú ý, cũng theo ông Tây, sau hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu được tổ chức ở VCCI thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tùy khu vực. “Đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu mà có trong khi nghị định chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi? Phải chăng do không phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối lợi dụng gom hết phần này? Nay thấy không thể thâu tóm được tất cả nên phải trích ra cho doanh nghiệp bán lẻ?”, ông Tây nêu.

Cũng theo ông Tây, Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thỏa thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. Trong khi đó, chiết khấu 0 đồng thì chắc chắn là sẽ có khâu khác gom hết của doanh nghiệp bán lẻ.

Ở chiều ngược lại, dù bày tỏ sự đồng cảm với các doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối về việc kinh doanh lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhấn mạnh rằng họ cũng bị lỗ nên “không đủ nguồn lực chia sẻ lại với các doanh nghiệp bán lẻ”.

Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro cho biết mặc dù có 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhưng số doanh nghiệp thực sự nhập hàng về trong thời gian qua chỉ khoảng 15 doanh nghiệp do khó khăn về tài chính. Nếu nhập khẩu theo đúng quy định thì doanh nghiệp phải đi vay mượn trong khi việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn. “Các doanh nghiệp bán lẻ ý kiến việc chiết khấu thấp hoặc không có chiết khấu thì cũng nên hiểu cho chúng tôi. Chúng tôi cũng phải chịu lỗ trong 6 tháng cuối năm 2022 và phải có trách nhiệm nhập khẩu với cái giá trên trời, rất khó để nhập. Ngoài ra, nhập khẩu về bằng tiền USD trong khi đồng tiền này thời gian qua liên tục tăng… Tôi rất chia sẻ với doanh nghiệp bán lẻ khi thời gian qua khó khăn và mong muốn chiết khấu cao hơn. Thế nhưng chúng tôi phải có lãi thì mới chia được; bản thân chúng tôi cũng lỗ”, ông Thoại nói.

Có thể tự do hóa thị trường xăng dầu?

Từ quá trình quan sát và làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI đúc kết: “… Trong vài chục năm qua chưa bao giờ có chuyện doanh nghiệp lỗ vẫn phải bán, bỏ tiền nhà ra để duy trì bán hàng”.

Nội hàm của các câu chuyện đó, thật trớ trêu, đi ngược lại những quy luật giá trị, cung cầu – những quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam theo đuổi hơn 30 năm nay. Thực tế tình hình kinh doanh xăng dầu cho thấy, cơ chế điều hành của cơ quan quản lý là nắm quyền định giá xăng dầu nhưng không quy định chi phí kinh doanh, chiết khấu, dẫn đến các doanh nghiệp thua lỗ. Tình trạng đứt gãy cung ứng xăng dầu thời gian qua lan rộng không phải do thiếu nguồn cung, nhất là khi giá xăng dầu thế giới đã quay lại ngưỡng trước xung đột Nga Ukraina.

Tình trạng này kéo dài sẽ làm các doanh nghiệp bán lẻ không chịu được nữa, dẫn đến đóng cửa ngừng hoạt động hàng loạt, ảnh hưởng đến hạ tầng cung cấp năng lượng cho đất nước. Điều này mới gây ra rủi ro không chỉ là “an sinh”.

Do đó, để thị trường xăng dầu vận hành ổn định, bền vững, tránh những cú sốc chỉ cần làm một việc rất đơn giản, đó là hãy cho nó vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Bỏ giá trần bán lẻ, bỏ điều hành giá, bỏ quỹ bình ổn… để thị trường tự điều tiết.

TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc duy trì cung cấp xăng dầu liên tục, không bị đứt gãy cho người dân là trách nhiệm của Nhà nước, không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nhà nước có thể giao trách nhiệm này cho doanh nghiệp nhà nước; không thể giao trách nhiệm này cho các doanh nghiệp khác.

Để thực hiện trách nhiệm này, Nhà nước phải có dự trữ nhà nước về xăng dầu, giống như một số mặt hàng chiến lược thiết yếu khác, như lúa gạo chẳng hạn. Không thể đẩy trách nhiệm này cho doanh nghiệp bằng cách yêu cầu họ duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu. Trong trường hợp nhà nước yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm này, thì phải bù đắp chi phí thoả đáng hợp lý cho họ, kể cả doanh nghiệp nhà nước.

Khi chưa có dự trữ quốc gia về xăng dầu, thì hệ thống cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế nước ta vẫn khá mong manh, dễ vỡ và đứt gãy, do thế giới đang ngày càng biến động khó lường, không dự đoán trước được. Theo TS Nguyễn Đình Cung, cần thảo luận, tìm kiếm và đề xuất những cải cách cơ bản, khác biệt hơn; không nên chỉ cơi nới trong khuôn khổ tư duy và thể chế quá chật hẹp so với kinh tế thị trường nước ta hiện nay.

Tin mới lên