Công nghệ

'Đại gia' Nhật Bản muốn làm bán dẫn tại Bình Dương

(VNF) - Thông tin này được ông Hirohisa Fujiwara, Thường trực HĐQT, Giám đốc kinh doanh quốc tế Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) cho biết tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương mới đây.

'Đại gia' Nhật Bản muốn làm bán dẫn tại Bình Dương

Tập đoàn Tokyu nghiên cứu đầu tư lĩnh vực công nghệ bán dẫn tại Bình Dương.

Theo đó, Tập đoàn Tokyu đã thành lập các tổ nghiên cứu, khảo sát để mở rộng đầu tư một số lĩnh vực mới như công nghệ cao, công nghệ bán dẫn… tại Bình Dương trong thời gian tới.

Lãnh đạo doanh nghiệp này mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của tỉnh Bình Dương để triển khai hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt các dự án; góp phần thúc đẩy tỉnh Bình Dương phát triển thông minh, bền vững hơn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bình Dương cho biết địa phương đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, bền vững trên hệ sinh thái công nghiệp xanh, kinh kế tuần hoàn, năng lượng xanh, năng lượng sạch; chú trọng các dự án có hàm lượng công nghệ cao, ít tác động đến môi trường, ít thâm dụng năng lượng, thâm dụng lao động…

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đánh giá định hướng đầu tư của Tập đoàn Tokyu rất phù hợp với chủ trương của tỉnh, nhằm xây dựng Bình Dương trở thành thành phố phát triển bền vững. Địa phương này mong muốn thời gian tới, Tập đoàn Tokyu tiếp tục mở rộng đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chip bán dẫn tại Bình Dương.

Tập đoàn Tokyu đánh giấu việc đầu tư vào Bình Dương khi thành lập Công ty TNHH Becamex Tokyu vào tháng 3/2012. Đây là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu và Tổng công ty Becamex IDC.

Becamex Tokyu đầu tư vào lĩnh vực phát triển, kinh doanh bất động sản, nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí tại Bình Dương, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD.

Thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục là điểm sáng của Bình Dương, năm 2023 "thủ phủ công nghiệp" này thu hút gần 1,5 tỷ USD (đạt 81% kế hoạch, bằng 48% so với cùng kỳ).

Lũy kế đến nay, Bình Dương có 4.219 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,3 tỷ USD, đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI (chỉ sau TP. HCM) và chiếm hơn 8,7% tổng vốn FDI.

Quy mô trung bình dự án khoảng 9,6 triệu USD. Đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo gồm 3.639 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 29,7 tỷ USD, chiếm 74% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, với 100 dự án đầu tư đăng ký mới, 32 dự án điều chỉnh tăng vốn, 91 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư gần 964 triệu USD, chiếm khoảng 55% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Quý I/2024, tỉnh Bình Dươngđã thu hút được 177 triệu USD, tăng 385% so với cùng kỳ, đạt 14,75% kế hoạch năm nay. Tính đến nay, trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 3.112 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.433 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 29,5 tỷ USD và 679 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 94.000 tỷ đồng.

Hiện, Nhật Bản là nước đứng thứ hai trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại tỉnh Bình Dương, với tổng số vốn đăng ký hơn 6 tỷ USD. Nhiều công ty, tập đoàn xuyên quốc gia của Nhật Bản đều có dự án đầu tư tại Bình Dương như: Panasonic, Toshiba, Tokyu, Aeon Mall...

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, chú trọng vào ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nhằm giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Becamex IDC và các ngành liên quan hoàn thiện Kế hoạch thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ chip bán dẫn và đào tạo nguồn nhân lực.

Tin mới lên