Tiêu điểm

Danh sách 14 nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam

(VNF) - Bộ Ngoại giao cho biết tính đến ngày 16/2, có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận mẫu hộ chiếu vaccine được Việt Nam ban hành cuối tháng 12/2021, trong khi nhiều nước khác đang tích cực xem xét.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

"Tính đến ngày 16/2, có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine với Việt Nam bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong họp báo thường kỳ chiều 17/2.

Theo bà Hằng, một số đối tác khác cũng đang xem xét rất tích cực, trao đổi thêm về một số chi tiết kỹ thuật và sẽ sớm khẳng định với Việt Nam về công nhận hộ chiếu vaccine.

Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang tích cực vận động, trao đổi với các nước để thúc đẩy công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân. Về phía Việt Nam, hiện nay vẫn đang công nhận hộ chiếu vaccine của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước đó, Bộ Y tế hồi tháng 12/2021 đã ban hành Quyết định về biểu mẫu và quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine," có hiệu lực từ ngày 20/12/2021.

Theo đó, hộ chiếu vaccine được cấp cho người đã tiêm đủ 2 mũi với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép. Chứng nhận hộ chiếu vaccine được cấp sử dụng định dạng mã QR, hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày mã QR này được khởi tạo.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, quy trình cấp hộ chiếu vaccine cho người dân được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước.

Hộ chiếu vaccine cần hiển thị 11 trường thông tin: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vaccine; Sản phẩm vaccine; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận.

Các thông tin trên bao gồm họ và tên và ngày sinh kết hợp với giấy tờ định danh khác như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu.

Các thông tin sẽ được ký số, mã hoá và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.

Xem thêm >> Việt Nam lên tiếng việc Mỹ định áp thuế 400% với mật ong

Tin mới lên