Nhân vật

Dấu ấn 'thuyền trưởng' Đỗ Xuân Diện ở Khu kinh tế mở Chu Lai

15 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai, nhưng ông Đỗ Xuân Diện có tới 18 năm ghi dấu chân trên mảnh đất này, kiên trì gỡ từng nút thắt góp phần đưa Chu Lai đến thành công hôm nay.

Diện mạo mới của Chu Lai

Chiều cuối năm, tại phòng làm việc, ông Đỗ Xuân Diện chăm chú nhìn vào tấm bản đồ quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai, nói chậm rãi mà rành rọt: “Năm 2018 đang dần khép lại, nhưng lại mở ra một trang mới cho Khu kinh tế mở Chu Lai. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa lệnh Thủ tướng đã ký phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với diện tích hơn 27.000 ha, là khu kinh tế mở đa ngành, đa lĩnh vực...

Đây là cơ hội rất lớn cho Chu Lai trong chặng đường tiếp theo, nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho Quảng Nam để thực hiện thành công điều chỉnh quy hoạch này”.


Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai

Ai đã từng đi qua vùng đất Chu Lai - Núi Thành mùa hè nóng bỏng sẽ phải nheo mắt trước ánh nắng chói chang từ những cồn cát trắng trải dài tít tắp. Ai đã từng nghe qua địa danh trận đầu đánh Mỹ, cứ điểm sân bay Chu Lai thì sẽ phần nào hình dung được mức độ khốc liệt của một vùng đất bị phong tỏa bởi vành đai chiến sự và bom đạn cày xới trong những năm 1965 - 1967…

Ấy vậy mà, khi được áp dụng cơ chế khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước, mặc cho giông bão, thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, Chu Lai đã sừng sững vươn lên những nhà máy đồ sộ.

Từ vùng đất “bốn không”: không hạ tầng, không nguồn nhân lực, không nhà đầu tư và không có thị trường, thì nay, Khu kinh tế mở Chu Lai là nơi hội tụ của 58 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 94.000 tỷ đồng, tương đương 4,5 tỷ USD.

15 năm, Khu kinh tế mở Chu Lai đóng góp vào ngân ngân sách tỉnh Quảng Nam hơn 70.000 tỷ đồng. Những “cánh chim đầu đàn” đã đưa Chu Lai bay qua bao thăng trầm của các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khó khăn bước đầu của mô hình khu kinh tế ven biển, trở thành những “tượng đài” tạc vào bức tranh kinh tế Việt Nam như THACO, Panko Tam Thăng, Nam Hội An, Vinpearl... và mai đây sẽ còn nhiều thêm nữa với những thương hiệu toàn cầu: Exxonmobil (Mỹ); TUI (Đức); Zuru (New Zealand)…

“Chu Lai ban đầu được duyệt có chức năng là Trung tâm tài chính, ngân hàng thương mại tự do và đô thị, nhưng 15 năm chuyển động đã bộc lộ những bất cập cần điều chỉnh để phù hợp với xu thế phát triển và phù hợp với lĩnh vực thu hút đầu tư. Cần có một “chiếc áo” mới đủ rộng cho Chu Lai”, ông Đỗ Xuân Diện chia sẻ.


Chu Lai từ bãi cắt trắng đã trở thành trung tâm công nghiệp ô tô và mai đây là điện khí, logistics hàng không, đường biển…

Ý thức được điều này, từ năm 2013, Chu Lai thẳng tiến với chiến lược xúc tiến đầu tư tập trung cho công nghiệp, trong đó công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ làm then chốt. Cơ hội đến với Chu Lai khi năm 2015, Chính phủ đưa Chu Lai vào trong nhóm ven biển được ưu tiên đầu tư.

Cuối năm 2015, tỉnh Quảng Nam đề xuất làm việc trực tiếp với Chính phủ, đề nghị cho điều chỉnh lại ranh giới trên cơ sở giảm gần 8.000 ha là khu vực giải phóng mặt bằng khó khăn, suất đầu tư quá cao; tăng 8.000 ha ở những khu vực chi phí giải phóng mặt bằng thấp, ít nhà dân, suất đầu tư thấp để thu hút đầu tư và được Chính phủ đồng ý.

Tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế mở Chu Lai theo hướng tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics để tạo thành điểm trung chuyển về logistics đường biển, đường hàng không tầm khu vực và quốc tế tại Chu Lai.

Trước mắt, tập trung 6 nhóm dự án động lực: dịch vụ du lịch đặc thù Nam Hội An; công nghiệp ô tô; công nghiệp khí điện và các sản phẩm dầu khí; công nghiệp phụ trợ dệt may xuất khẩu; quy hoạch bên trong và ngoài sân bay theo hướng sân bay trung chuyển hành khách và hàng hóa gắn với công nghiệp hàng không chuyển phát nhanh và phát triển hệ thống cảng cá, hệ thống hậu cần để an dân trong Khu kinh tế mở Chu Lai.

“Giữ nguyên các làng chài ven biển, các làng nông nghiệp, chỉnh trang lại các làng chài, khu sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch cộng đồng với diện tích 5.000 ha (trước đây nằm trong kế hoạch giải tỏa trắng), chỉ giải tỏa 8.000 ha tạo ra quỹ đất công nghiệp, dịch vụ ở những nơi hoang hóa, ít dân cư, không sản xuất nông nghiệp là một trong những nội dung chính điều chỉnh quy hoạch lần này”, ông Đỗ Xuân Diện cho biết thêm.

Tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Đúc kết ngót ngét gần hai thập kỷ gắn bó với Chu Lai, ông Diện nhận định: “Niềm tin của nhà đầu tư chính là điều quý giá nhất dành cho Chu Lai để khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước đứng vững đến ngày hôm nay. Nhờ có niềm tin đó mà Chu Lai có THACO, có Nam Hội An, Vingroup, Panko Tam Thăng…

Điều này được ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO thừa nhận. Khi nhắc đến ông Đỗ Xuân Diện, ông Dương đã dành những lời nhận xét chân thành: “Không chỉ như một người bạn, ông Diện còn là cầu nối hữu hiệu đến các nhà đầu tư”.

Mỗi khi nhắc đến sự thành công của Khu kinh tế mở Chu Lai luôn thấy ẩn hiện hình bóng ông Đỗ Xuân Diện. Những lúc thu hút đầu tư vào Chu Lai chững lại, ông Diện và các cộng sự luôn trăn trở phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, để lựa chọn cho Chu Lai một hướng đi phù hợp nhất, đề xuất tháo gỡ và đầu tư những dự án tạo cú hích đủ mạnh để đưa Chu Lai phát triển.

Những công trình mang đậm dấu ấn ấy chính là cầu Cửa Đại và tuyến ven biển kết nối từ Hội An - Tam Kỳ đã đánh thức vùng Đông Quảng Nam; nạo vét cảng Kỳ Hà, đưa những chuyến hàng container lớn tấp nập đi đến Chu Lai; phục hồi sân bay Chu Lai, mở cửa bầu trời đưa các nhà đầu tư đến với Chu Lai nhanh hơn…

Nhìn lại những công trình đó, ông Diện cho biết, phải rất liều lĩnh và quyết đoán mới có thể thành hiện thực. “Dự án được phê duyệt, nhưng không có nguồn lực đầu tư. Qua phân tích tình hình kinh tế trong nước và thế giới, chúng tôi dự báo Chính phủ sẽ có gói kích cầu. Nắm bắt cơ hội này, UBND tỉnh Quảng Nam đã trình Chính phủ để xin vốn và nhận được sự đồng ý. Cầu Cửa Đại và tuyến ven biển là hai hạ tầng quan trọng làm thay đổi hoàn toàn quy hoạch, phát huy hiệu quả rõ rệt cho Quảng Nam”.

“Những dự án đó ít nhiều mang dấu ấn của ông?”, tôi hỏi. Ông Diện không trả lời thẳng câu hỏi, mà chia sẻ: “Chu Lai hôm nay sẽ không có gì nếu không có người làm cụ thể, đưa ra những chiến lược thu hút đầu tư đúng hướng”.

Chặng đường phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai không dễ dàng. Quá trình áp dụng và triển khai cơ chế mở của Chu Lai những ngày đầu như người dò đá qua sông. Phải dò đúng để tư vấn, hỗ trợ và gỡ vướng cho nhà đầu tư. Niềm tin cũng chính từ đây mà hình thành và lớn dần lên.

Khu kinh tế mở Chu Lai đang bước vào chu kỳ phát triển mới, khi được điều chỉnh quy hoạch với hàng loạt đại dự án đã được trao chứng nhận và nghiên cứu đầu tư. Điều này một lần nữa minh chứng cho niềm tin mà Chu Lai đã nỗ lực gây dựng để tạo ra những hấp lực mới cho mình và tăng tính cạnh tranh vượt trội đối với các khu kinh tế ven biển khác của cả nước.

Sinh ra trên chính mảnh đất Chu Lai cằn cỗi, khắc nghiệt, ông Diện phiêu bạt tìm kế sinh nhai tại nhiều nơi trong và ngoài nước. Nhưng “quê hương mỗi người chỉ một”, ông đã trở về theo tiếng gọi quê hương, khi được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kêu gọi.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 18 năm gắn bó với Chu Lai với bao buồn vui, ông Đỗ Xuân Diện đã đưa mảnh đất này thẳng tiến trên đường băng cất cánh. Được biết, ông sắp nghỉ quản lý ở Khu kinh tế mở Chu Lai và chuẩn bị khởi nghiệp với một giấc mơ lớn, về một lĩnh vực hoàn toàn mới, hướng đến giá trị gia tăng cao với khát vọng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Tôi tin, với tài năng, bản lĩnh của ông, thành công sẽ đến sớm.

Tin mới lên