Đầu tư đất nông nghiệp đến thời lên ngôi?
(VNF) - Bất động sản nông nghiệp được coi là thị trường “ngách”, ít được chú ý tới. Tuy nhiên, chuyên gia nhìn nhận sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, phân khúc này sẽ dần trở nên phổ biến, được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
“Cuộc cách mạng” lớn về đất nông nghiệp
Từ trước đến nay, bất động sản nông nghiệp vẫn là thị trường “ngách” kém hấp dẫn, do được coi là tư liệu sản xuất hơn là hàng hóa, trong khi quy định liên quan đến phân khúc bất động sản này còn nhiều bất cập, hạn chế.
Điều này dẫn đến hệ lụy là ruộng đất manh mún, phân tán, phần lớn có quy mô nhỏ lẻ; quá trình dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất diễn ra chậm; lợi nhuận sản xuất nông nghiệp thấp, là rào cản lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn…
Thế nhưng, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 có nhiều quy định được đánh giá là sẽ “cởi trói” pháp lý cho thị trường bất động sản nông nghiệp. Đây cũng là nội dung được nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm.
Đơn cử, tại Điều 177 của Luật Đất đai mới đã tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp (Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức 10 lần). Quy định này làm tăng cơ hội tích tụ ruộng đất cho các hộ gia đình, cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Mặc khác, Điều 45 của Luật Đất đai 2024 quy định cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa; tuy nhiên nếu nhận chuyển nhượng quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế…
Thay đổi mấu chốt tiếp theo là tại Điều 179 quy định tăng thời hạn thuê đất công ích do UBND cấp xã quản lý (thường gọi là quỹ đất 5%) lên 10 năm, thay cho mức 5 năm theo Luật Đất đai 2013. Quy định này giúp các cá nhân được thuê quỹ đất công ích có thời gian sử dụng đất thuê ổn định, giúp người thuê yên tâm đầu tư sản xuất ổn định trên đất thuê.
Bên cạnh đó, Điều 194 Luật này quy định về “dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung” để cho thuê lại đất hoặc thực hiện dự án. Đây là hành lang pháp lý giúp hình thành cơ sở hạ tầng tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp (tạm gọi là dự án khu công - nông nghiệp, giống mô hình khu công nghiệp) giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận quỹ đất “sạch” để đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, một điểm thay đổi nổi bật trong Luật Đất đai 2024 liên quan đến đất nông nghiệp là “đất sử dụng kết hợp đa mục đích”, theo đó đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu…
Đất nông nghiệp sẽ lên ngôi?
“Luật Đất đai 2024 cho phép cá nhân, tổ chức không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là một điểm mới so với Luật Đất đai 2013”, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bình luận.
Theo ông Quê, mục tiêu của Đảng và nhà nước là muốn tiếp tục thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, tạo ra những cánh đồng lớn, phù hợp trình độ sản xuất bậc cao, hiện đại như ngày nay, nhằm nâng cao năng xuất, tăng giá trị khai thác sử dụng đất.
Ngoài ra, thời điểm chia ruộng đất từ năm 1993, trải qua 31 năm, người đã mất và người không sử dụng đất nông nghiệp nhưng không bị thu hồi, trong khi lại không cấp mới cho người sinh sau năm 1993, chính vì vậy, chính sách này giúp thuận lợi việc hợp pháp hóa quyền thừa kế, cho tặng, chuyển nhượng từ người không còn khả năng, không có nhu cầu sử dụng đất cho người có nhu cầu sử dụng đất.
Cũng theo ông Quê, trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, bất động sản nông nghiệp ít được chú ý tới, được coi là thị trường “ngách” của bất động sản. Sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, phân khúc này sẽ dần trở nên phổ biến, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hơn nữa, quy định này sẽ tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
“Tuy nhiên, quy định này cũng tạo ra rủi ro về việc đầu cơ ôm đất đẩy giá, bỏ đất hoang, gây lãng phí, ảnh hưởng an ninh lương thực. Việc ôm đất đẩy giá cũng tiềm ẩn rủi ro gây khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án”, Chủ tịch Tập đoàn G6 cảnh báo.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay đất nông nghiệp cũng là nhóm nội dung quan trọng trong luật mới.
Tuy nhiên, có 3 nhóm vấn đề cần lưu ý. Đầu tiên là liên quan đến bồi thường, nguyên tắc chung là thu hồi đất gì thì bồi thường loại đất đấy. Tiếp đến là việc nhận chuyển nhượng. Quy định trước đây là cá nhân được nhận chuyển nhượng 10 lần của hạn mức, hiện nay mở rộng là 15 lần hạn mức. Đối với tổ chức kinh doanh thì không hạn chế hạn mức nếu có mục đích, phương án sử dụng cụ thể.
“Mục tiêu của Luật trước đây là để hạn chế việc chiếm hữu, đầu cơ, không sử dụng đất nông nghiệp… Hiện nay cởi mở hơn về đầu vào nhưng hạn chế đầu ra. Cụ thể, nếu sử dụng không đúng mục đích trong 12 tháng bị xử phạt thì sẽ bị thu hồi trắng”, ông Hiếu nói.
Bình luận về tiềm năng của đất nông nghiệp sau khi Luật Đất đai 2024 được thực thi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), cho rằng Luật Đất đai 2024 thúc đẩy việc sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn để ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, nông dân ngày càng giàu có và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
“Điều này sẽ có tác động tích cực đến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản trong quá trình đô thị hóa cũng như phát triển các khu dân cư nông thôn, làm tăng nhu cầu tạo lập nhà ở của người dân nông thôn, nhất là các nông dân tỷ phú”, ông Châu nói.
Theo các chuyên gia, từ góc độ phát triển kinh tế, các quy định mới huy động được nguồn lực xã hội, các nhà đầu tư có trình độ, có công nghệ giúp khơi thông nguồn lực đất đai bằng việc phát triển các dự án nông nghiệp hiện đại.
Tuy nhiên, từ góc độ đầu tư bất động sản thì việc đầu tư, thậm chí đầu cơ đất nông nghiệp là không hiệu quả. Bởi thời gian qua, tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp không hề nhỏ.
“Làm nông nghiệp không chỉ có đất, có tiền là làm được mà phải thực sự có năng lực, ý chí và tâm huyết. Chính vì vậy, nếu chúng ta cho rằng cứ mua đất nông nghiệp là sẽ sinh lời thì nhà đầu tư sẽ bị thất bại”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nói.
Giá đất nông nghiệp TP.HCM tăng 30 lần, dự kiến cao nhất 10 triệu đồng/m2
- Giá đền bù đất nông nghiệp tăng, lo đầu cơ tạo sóng gom hàng? 07/08/2024 08:00
- Đất nông nghiệp bỏ hoang sẽ bị nhà nước thu hồi 02/08/2024 10:15
- Hà Nội đền bù đất nông nghiệp 252.000 đồng/m2: Dân kêu 'thấp vô cùng' 17/06/2024 03:15
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.