'Đầu tư vàng lợi nhuận cao nhưng không phải nộp thuế là vô lý'
GS-TS. Trần Thọ Đạt - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mấy năm gần đây, đầu tư vàng thu được lợi nhuận rất cao, gấp nhiều lần kênh đầu tư khác, nhưng không phải nộp thuế là vô lý. Tại sao đầu tư vào các kênh đầu tư tài chính khác như chứng khoán, bất động sản phải nộp thuế mà đầu tư vào vàng không phải nộp thuế?.
Giá vàng chưa “hạ nhiệt” ngay sau đấu thầu
Trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục tăng vào những tháng gần đây, tạo ra chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khởi động lại việc đấu thầu vàng miếng SJC. Việc đấu thầu nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường.
Phiên đấu thầu đầu tiên sau hơn 11 năm tạm ngưng được tổ chức vào ngày 22/4 nhưng bị hủy do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.
Sáng 23/4, NHNN tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC sau 11 năm tạm dừng hoạt động này. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. Mức giá này thấp hơn so với giá vàng SJC bán ra nhưng cao hơn giá mua vào tại các nhà vàng.
Trong phiên đấu thầu này, chỉ có hai đơn vị là SJC và ACB quyết định bỏ phiếu trả giá và trúng thầu 3.400 lượng, 9 đơn vị còn lại để phiếu trắng. Kết quả phiên đấu thầu này cho thấy, chỉ được khoảng 20% lượng vàng có chủ mới, lượng vàng còn “ế” chiếm gần 80%.
Hơn 13.400 lượng vàng bị ế trong phiên đấu thầu ngày 23/4 do nhiều doanh nghiệp ngại rủi ro khi phải chi số tiền lớn nếu mua nhưng giá kém hấp dẫn.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng chia sẻ sau giai đoạn giá vàng thế giới và trong nước tăng kéo dài, người dân có xu hướng quan sát thay vì nhảy vào thị trường. Hơn nữa, lực mua vàng miếng SJC cũng giảm bớt do có sự dịch chuyển sang vàng nhẫn trơn 24K.
Nhìn chung, mức giá mà NHNN đưa ra không hấp dẫn trong bối cảnh thị trường thế giới đi xuống, cộng với việc không cân đối được đầu ra, khiến nhiều đơn vị quyết định không trả giá thầu.
Ngày 24/4, NHNN tạm dừng đấu thầu vàng miếng và sẽ tiếp tục đấu thầu bán vàng miếng vào sáng 25/4. Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tiếp tục là 16.800 lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa là 2.000 lượng.
Tuy nhiên, việc tăng cung vàng miếng SJC thông qua đấu thầu trong phiên vừa qua chưa giúp vàng trong nước “hạ nhiệt”.
Trong phiên sáng 23/4, giá vàng miếng của SJC giảm tới 1,2 triệu đồng/lượng. Nhưng sau phiên đấu thầu, giá vàng miếng SJC vụt tăng cả triệu đồng, về giá cũ trước đấu thầu.
Phiên giao dịch 24/4, giá vàng trong nước tiếp tục đi lên. Giá vàng miếng SJC đắt hơn 1,5 triệu đồng mỗi lượng, niêm yết cuối phiên ở mức 82,5-84,5 triệu đồng. Mỗi lượng vàng miếng SJC hiện chênh 12-13 triệu đồng so với thế giới.
Theo giới chuyên gia, giống như năm 2013, các phiên đấu thầu vàng đầu tiên thường mang tính chất thăm dò, lượng trúng thầu không cao. Vì vậy, chưa thể đánh giá hiệu quả đấu thầu vàng qua vài phiên mà cần quan sát dài hạn.
Khi sử dụng vàng dự trữ để can thiệp thị trường, NHNN sẽ thận trọng một cách hợp lý. Can thiệp thị trường phải có quá trình, một phiên đấu thầu không thể đánh giá hết được. NHNN sẽ làm nhiều bước để đi đến mục tiêu đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới.
Cần giải pháp căn cơ, dài hạn
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, đấu thầu vàng miếng có thể tác động tâm lý trong ngắn hạn nhưng không phải là giải pháp căn cơ cho vấn đề chênh lệch giá hiện nay.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất, đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng và áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Ông Nghĩa phân tích, muốn xóa bỏ chênh lệch về giá giữa giá vàng trong nước và thế giới thì cần các biện pháp thương mại, chứ không phải là biện pháp tiền tệ như là đấu giá vàng miếng.
Cách đơn giản nhất là cho phép công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện được xuất nhập khẩu vàng. Còn cơ quan quản lý sử dụng công cụ mạnh nhất hiện nay là thuế để quản lý. Hiện nay, hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng.
Liên quan đến lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến tỷ giá bị ảnh hưởng, ông Nghĩa cho rằng, những năm qua, cung vàng trong nước được đáp ứng bởi vàng nhập lậu (do không được nhập khẩu chính thức). Vàng nhập lậu đương nhiên cũng phải sử dụng đến nguồn ngoại tệ trong nước. Như vậy, Nhà nước thất thu thuế.
Hơn nữa, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Do đó, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng.
Đánh giá cao động thái đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường của NHNN, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, vẫn cần phải nhập khẩu vàng.
GS-TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cũng cho hay, ngoài đấu thầu vàng miếng, cho phép nhập khẩu vàng, cần phải đánh thuế hoạt động đầu tư vàng.
Theo ông Đạt, nhu cầu mua vàng của người dân lớn nhưng chắc chắn không thể có đột biến mỗi khi giá vàng có xu hướng tăng, mà người mua vàng chủ yếu là đầu cơ, tức là coi vàng là kênh đầu tư tài chính. Tại sao đầu tư vào các kênh đầu tư tài chính khác như chứng khoán, bất động sản phải nộp thuế mà đầu tư vào vàng không phải nộp thuế.
Trong mấy năm gần đây, đầu tư vào vàng thu được lợi nhuận rất cao, gấp nhiều lần kênh đầu tư khác, nhưng không phải nộp thuế là vô lý.
Vì vậy, cùng với giải pháp đấu thầu vàng miếng, cần phải nghiên cứu đánh thuế đối với hoạt động kinh doanh, đầu tư vàng. Tất nhiên, mức thuế suất phải hợp lý để phát triển thị trường vàng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư.
Mới đây, NHNN yêu cầu tất cả doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng phải thực hiện hóa đơn điện tử trong giao dịch mua - bán vàng. Giao dịch được xác lập bằng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng kết nối với cơ quan thuế thì mọi giao dịch mua vào - bán ra được ghi nhận, từ đó sẽ thu được thuế.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, đấu thầu vàng là giải pháp an toàn để để tăng cung, ai trả giá cao hơn mới bán, bảo đảm giá vàng sát giá thị trường.
Liên quan đến chuyện đấu thầu, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, góp ý, giá tham chiếu nên lấy giá đêm hôm trước hoặc đầu ngày của SJC, có thể bằng hoặc thấp hơn giá mua vào của công ty.
Cùng với đó, nên điều chỉnh giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu xuống một nửa như quy định tại phiên đấu giá hôm 23/4. Như vậy, sẽ thu hút các đơn vị tham gia nhiều hơn.
Đồng quan điểm, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng nhu cầu mua của mỗi doanh nghiệp hiện chỉ vài trăm lượng, nên khối lượng đấu thầu tối thiểu cần giảm xuống. Ông Phương đề xuất khối lượng đặt mua tối thiểu chỉ nên quy định khoảng 5 lô, tức 500 lượng, mới thu hút các đơn vị tham gia.
Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lưu ý giải pháp dài hạn là cần thay đổi nhanh chóng Nghị định 24. Đồng thời, ngoài việc quản lý vàng vật chất, cần chú ý đến vàng tài khoản, vàng kỳ hạn, chứng chỉ vàng… mới phù hợp với thông lệ quốc tế, kéo bớt chênh lệch giá và tuân thủ quy luật thị trường.
Để phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch và bền vững thị trường vàng, Chính phủ cần có trong tay “phương thuốc đặc trị” để quản lý hữu hiệu thị trường này, đặc biệt là xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu và kinh doanh mua, bán vàng miếng. Đồng thời, có giải pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời sự mất cân đối cung - cầu hay những “cơ sốt” giá bất thường.
Người Trung Quốc đổ xô mua vàng bất chấp giá cao, đẩy giá tăng sốc
- Phó Thủ tướng: Ngân hàng Nhà nước đảm bảo cung cầu, giá vàng hợp lý 26/04/2024 02:55
- NHNN hủy đấu thầu vàng miếng lần 2 vì doanh nghiệp không 'mặn mà' 25/04/2024 03:51
- Giá vàng biến động sau phiên đấu thầu, nhiều nhà đầu tư vội 'xuống tiền' 25/04/2024 05:01
Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.