Để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển
(VNF) - Trong những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt.
- Để doanh nghiệp, khu vực tư nhân thực sự lớn mạnh? 10/10/2024 07:00
Hiện nay, chúng ta đã có gần 1 triệu doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể trong đó hơn 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.
Hơn 10 năm qua, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng gấp 3 lần. Khu vực doanh nghiệp tư nhân đang tạo công ăn việc làm cho 14,7 triệu lao động, đóng góp 70% thu ngân sách nhà nước. Cả khu vực doanh nghiệp cả chính thức, cả hộ kinh doanh, cả FDI hiện chiếm xấp xỉ 60% GDP của Việt Nam.
Nhiều năm qua, bình quân có trên 130 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập hàng năm tại Việt Nam. Đất nước cũng đã có những tỷ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận như Vinamilk, VinGroup, FPT, Trường Hải, Hoà Phát…
Chính sách
Cách đây 13 năm, lần đầu tiên trong lịch sử có một Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết 09 ngày 9/12/2011) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá.
Dấu mốc lịch sử quan trọng thứ hai là Nghị quyết 10 của Hội nghị Trung ương 5 ngày 3/6/2017 về kinh tế tư nhân, Nghị quyết này đã khẳng định “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế” và “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP”. “Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng”.
Nghị quyết 10 của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (đây là tiêu chí mà hiện chúng ta chưa đạt được); đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp..
Vai trò
Vai trò của doanh nghiệp tư nhân ở tất cả các quốc gia đều rất quan trọng, đảm nhiệm nhiều chức năng lớn. Chúng ta đã biết tại Mỹ, Space X đã phóng tên lửa lên vũ trụ rất thành công, đây hoàn toàn là một doanh nghiệp tư nhân, thành công đột phá trong một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là công nghệ vũ trụ - lãnh địa tưởng chừng như không thể có chỗ cho doanh nghiệp tư nhân. Những phát minh, sáng kiến công nghệ làm thay đổi cả thế giới cũng từ khu vực tư nhân đi ra.
Nhìn vào trong nước, quá trình Đổi mới hơn 30 năm qua đã cho thấy chính sách phát triển doanh nghiệp đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Các doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần hiện đại hoá ngành công nghiệp, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ của du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp…
Các doanh nghiệp tư nhân tham gia thành công vào những dự án đột phá về hạ tầng quan trọng về hạ tầng như đường cao tốc, hầm đường bộ lớn, sân bay quốc tế. Những dự án sản xuất ô tô quy mô lớn lần đầu tiên ở Việt Nam cũng do những doanh nghiệp tư nhân đảm nhận.
Trong ngành bán lẻ, chúng ta có thể thấy những cửa hàng mậu dịch quốc doanh đã được thay thế bởi các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại khắp mọi miền đất nước. Trong ngành vận tải ô tô, trước đây là các doanh nghiệp vận tải quốc doanh thì nay là hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp taxi, xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch, xe container, xe tải phục vụ hầu hết mọi nhu cầu của xã hội.
Sự tham gia của tư nhân xuất hiện trong rất nhiều các lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả những lĩnh vực vốn được xem là “sân chơi” riêng của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp trước nay như sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, hàng không, điện lực, y tế, giáo dục, thể thao, điện ảnh, công chứng, chứng nhận sự phù hợp…
Dù được kỳ vọng nhiều nhưng khu vực kinh tế tư nhân chính thức (những doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp) vẫn có vai trò rất khiêm tốn. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chính thức trong GDP chưa bao giờ vượt quá 11%, thường chỉ ở mức 8-9% GDP. Trong khi đó, GDP của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) những năm vừa qua đã lên mức hơn 20% GDP.
Hạn chế
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng như điều tra của VCCI, quy mô của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ so với tiêu chuẩn các nước. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn có một số điểm hạn chế như:
Thứ nhất, tính phi chính thức còn cao, năng suất thấp: Việt Nam hiện nay có hơn 880.000 doanh nghiệp đăng ký chính thức nhưng có đến 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nghiên cứu của Ernst & Young về giảm thiểu kinh tế ngầm tại Việt Nam thông qua thanh toán điện tử công bố tháng 5/2018 ước tính quy mô nền kinh tế ngầm của Việt Nam năm 2016 là 27,4% GDP (giảm từ 34,1% GDP giai đoạn 2010-2011).
Nhiều nghiên cứu (Như Báo cáo Việt Nam 2035 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới) chỉ ra, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và phi chính thức, cản trở việc tăng năng suất thông qua tính hiệu quả về kinh tế theo quy mô, chuyên môn hóa và đổi mới sáng tạo. Hiện Việt Nam có quá ít doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô vừa và quy mô lớn, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế tác, sản xuất. Trên thực tế, tỷ trọng của các doanh nghiệp này trong tổng số doanh nghiệp tiếp tục giảm.
Hàng triệu hộ kinh doanh chúng ta hiện nay không có nhiều động lực để chuyển lên hoạt động thành doanh nghiệp vì những lo ngại về thủ tục phiền hà, rủi ro pháp lý và trình độ quản trị chưa theo kịp.
Thứ hai, trình độ quản trị của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu: So với doanh nghiệp nhiều nước, các doanh nghiệp Việt Nam mới hơn, non trẻ hơn. Nhiều doanh nghiệp đi lên từ quy mô hộ gia đình nên tổ chức kinh doanh và hoạt động quản trị chưa bài bản, dựa nhiều vào sự thuận tiện và kinh nghiệm tích luỹ. Ít có doanh nhân qua trường lớp đào tạo bài bản, thậm chí trình độ ngoại ngữ của nhiều doanh nhân còn kém, khi so sánh với các doanh nhân khác trong khu vực. Theo một nghiên cứu của VCCI sử dụng thước đo về chất lượng quản lý của Nicholas Bloom thì trình độ quản trị của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có điểm trung bình là 2,93 theo thang điểm 5, thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (3,15 điểm). Xếp hạng trình độ quản lý của các doanh nghiệp dân doanh ở Việt Nam ở dưới các doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ.
Việc nâng cao chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là giải pháp rất quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, gia tăng quy mô sản xuất kinh doanh, cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, từ đó, có thể góp phần quan trọng vào việc hình thành một đội ngũ doanh nghiệp trong nước có thể thành công trên trường quốc tế. Tuy nhiên, có tín hiệu tích cực là hiện đang hình thành một thế hệ doanh nhân trẻ vốn được đào tạo bài bản ở Mỹ và Châu Âu.
Thứ ba, dù đất nước đã hội nhập sâu rộng nhưng doanh nghiệp chúng ta kết nối chưa thành công với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và chuỗi sản xuất toàn cầu.
Gần 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, theo nhiều đánh giá thì kết nối giữa khu vực FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa thành công, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực công nghệ mới.
Các doanh nghiệp dân doanh trong nước kết nối chưa thành công vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Điều tra của VCCI nhiều năm liền cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI tương đối hạn chế. Ước tính chỉ có khoảng 17% doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Tín hiệu tích cực là con số này có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, dù rất chậm chạp.
Từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu. Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn.
Về yếu tố khách quan, dù cải thiện nhưng các doanh nghiệp hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn từ tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cho đến thủ tục hành chính. Chẳng hạn như 2 lĩnh vực vốn và đất đai.
Về vốn, nhiều báo cáo và nghiên cứu vẫn cho thấy khó khăn hàng đầu của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay vẫn là vốn với các trở ngại như lãi suất vay vốn cao, vốn kinh doanh vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng, quản trị tài chính còn yếu và thiếu kỹ năng lập hồ sơ tài chính để thuyết phục ngân hàng cho vay vốn. Hầu hết các khoản vay tại Việt Nam đều cần phải có tài sản đảm bảo trong khi hệ thống ghi nhận quyền tài sản trong đó có quyền sử dụng đất đai ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề…
Về đất đai, các khu công nghiệp hiện nay thường ưu tiên và phù hợp với các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nước ngoài. Những diện tích đất sử dụng tối thiểu trong các khu, cụm công nghiệp, khoản tiền sử dụng đất phải nộp trước nhiều năm… là những tiêu chuẩn không phù hợp với doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn và giá đất đối với nhiều doanh nghiệp cũng cao. Tính ổn định của quy hoạch sử dụng đất và sự phiền hà của thủ tục hành chính liên quan đến đất đai cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại…
Giải pháp
Để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, cần phải làm rất nhiều việc nhưng tập trung vào các định hướng sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Đây đang là công việc ưu tiên, trọng tâm của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới, thực hiện yêu cầu cải cách thể chế được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phải luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Chính sách phải vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân; xây dựng chính sách phải luôn lắng nghe ý kiến, tiếng nói của doanh nghiệp và người dân. Việc tham vấn ý kiến doanh nghiệp và người dân sẽ thực hiện tại mọi khâu, mọi giai đoạn trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật.
Thứ ba, cách tiếp cận chính sách sẽ từ tháo gỡ khó khăn sang chủ động tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách, pháp luật giai đoạn tới sẽ không chỉ dừng lại ở việc cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang có mà phải theo hướng tạo điều kiện thuận lợi lợi và yểm trợ cho các doanh nghiệp phát triển.
Thứ tư, kiên quyết bảo vệ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Chúng ta phải bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp. Thực hiện tốt chủ trương không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp để an lòng doanh nghiệp và động viên doanh nghiệp cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia. Xây dựng Việt Nam là một điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp là thương hiệu quốc gia
Không chỉ đóng góp cho phát triển, tăng trưởng, thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, hoạt động doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp chính là đóng góp quan trọng nhất tới thương hiệu, hình ảnh quốc quốc gia. Người dân nào trên thế giới biết đến một quốc gia và đều thiện cảm với quốc gia đó hay không có lẽ đều bắt đầu từ các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nước đó mà họ sử dụng.
Những sản phẩm xuất khẩu của chúng ta phải tốt, phải chất lượng, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; trong làm ăn, kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam phải xây và giữ được chữ tín, không làm ăn chụp giật, ngắn hạn; liên kết tốt giữa các doanh nghiệp. Các dự án đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam tại các nước phải tạo ra sự tin cậy, hữu ích, luôn tuân thủ đúng pháp luật, tạo ra tình cảm tốt đẹp cho người dân và chính quyền nước sở tại. Mỗi doanh nghiệp Việt Nam cần phải là một đại sứ tích cực nhất mang lại hình ảnh Việt Nam ra cả thế giới.
Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: [email protected].
Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới
- Kinh tế tư nhân và nỗ lực hoàn thiện thể chế 11/10/2024 10:00
- Lo ngại quy mô doanh nghiệp tư nhân đang giảm dần 11/10/2024 07:00
- Kinh tế tư nhân khó chưa từng có: 'Đẩy mạnh cải cách thể chế' 10/10/2024 11:30
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.