Diễn đàn VNF

Đề xuất lập Bộ Thanh niên: Từ ‘nỗi khổ’ của Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn đến ba nguyên tắc cho tương lai

(VNF) – Ý tưởng thành lập Bộ Thanh niên có thể xem là một “lối thoát” cho những bất cập trong công tác thanh niên tại Việt Nam. Tuy vậy, việc tổ chức bộ này cần chú ý tới các nguyên tắc cốt lõi để đảm bảo nhiều mục tiêu.

Đề xuất lập Bộ Thanh niên: Từ ‘nỗi khổ’ của Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn đến ba nguyên tắc cho tương lai

Đề xuất lập Bộ Thanh niên: Từ ‘nỗi khổ’ của Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn đến ba nguyên tắc cho tương lai

Mới đây, khi cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra ý tưởng về việc nghiên cứu để thành lập Bộ Thanh niên trong tương lai.

Cần lưu ý rằng đây là một đề xuất cho tương lai, bởi trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án luật, có thể thấy phần lớn các cơ quan hữu quan đã đi đến thống nhất tiếp tục giữ nguyên qui định hiện hành: không thành lập mới Bộ Thanh Niên; Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ là tổ chức phối hợp liên ngành, tiếp tục thực hiện chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên.

Nói về việc thành lập mới Bộ Thanh niên hoặc nâng tầm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam bằng cách trao một số chức năng quản lý nhà nước cho thiết chế này, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đã đại diện cơ quan thẩm tra cũng đã nhấn mạnh: “Trong tình hình hiện nay, việc thành lập thêm bộ mới là khó khả khi; đồng thời, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chức năng quản lý nhà nước về thanh niên đã được giao cho Bộ Nội vụ, một việc giao cho hai cơ quan thực hiện là trái với chủ trương tinh gọn bộ máy”.

Tuy nhiên, khi xem xét kĩ bối cảnh và tổ chức của các cơ quan hữu quan trong công tác thanh niên ở Việt Nam hiện nay thì việc thành lập mới Bộ Thanh niên có thể trở thành một giải pháp toàn diện hơn mà không tốn kém thêm về ngân sách và biên chế.

Những khuyết điểm của mô hình hiện tại

Mô hình các thiết chế về thanh niên ở Việt Nam hiện nay gồm ba nhóm cơ quan chính, tương tự như ba “cột cái” trong mái nhà chung thanh niên Việt Nam:

Thứ nhất là các cơ quan quản lí nhà nước về thanh niên ở trung ương và địa phương, cụ thể là Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ cấp tỉnh, Phòng Nội vụ cấp huyện.

Thứ hai là hệ thống các tổ chức xã hội của thanh niên, bao gồm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt được qui định trong Hiến pháp), Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam…

Thứ ba là Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, được tổ chức theo Luật Thanh niên năm 2005. Đây là cơ quan có chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên, là chiếc “cầu nối” giữa các cơ quan quản lí hành chính nhà nước và các tổ chức, đoàn thể xã hội của thanh niên.

Thực tiễn vận hành mô hình này trong hơn một thập kỉ vừa qua (kể từ khi Luật Thanh niên năm 2005 có hiệu lực) đã cho thấy những bất cập nhất định.

Cụ thể, ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, Luật Thanh niên năm 2005 được ban hành chưa có qui định về cơ quan quản lí nhà nước về công tác thanh niên. Ba năm sau, Chính phủ mới giao nhiệm vụ này cho Bộ Nội vụ “kiêm nhiệm” tại Nghị định 48/2008/NĐ-CP. Và phải đến năm 2010, Vụ Công tác thanh niên mới được thành lập theo Quyết định 1471/QĐ-TTg ngày 13/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện nhiệm vụ tham mưu chức năng quản lí nhà nước về công tác thanh niên.

Ở địa phương, kể từ năm 2011 đã bắt đầu xây dựng bộ máy chuyên trách về công tác thanh niên, cụ thể: thành lập Phòng Công tác thanh niên (có từ 2-5 biên chế) thuộc Sở Nội vụ cấp tỉnh; giao 1 biên chế chuyên trách công tác thanh niên trong Phòng Nội vụ cấp huyện; giao công chức văn phòng - thống kê UBND cấp xã phụ trách thanh niên. Tuy nhiên, chưa đầy 3 năm sau, theo xu hướng tinh giản biên chế bộ máy nhà nước (do chính Bộ Nội vụ khởi xướng và tham mưu cho Chính phủ để thực hiện), các Phòng Công tác thanh niên ở Sở Nội vụ lại được tổ chức lại thành Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên; nhiều công chức chuyên trách thanh niên được điều chuyển sang làm nhiệm vụ khác.

Dễ thấy, Bộ Nội vụ là một bộ quản lí lĩnh vực (bộ chức năng cơ bản), với trọng tâm chủ yếu là thực hiện quản lí hành chính về tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức chính quyền, biên chế cán bộ, công chức… Với tính chất đó, việc giao Bộ Nội vụ “kiêm nhiệm” công tác thanh niên là chưa phù hợp. Mặt khác, Bộ Nội vụ hiện đang đảm nhiệm đến 28 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau (theo điều 2 Nghị định 34/2017/NĐ-CP), nên không có nhiều điều kiện đầu tư về chuyên môn cho công tác này. Hệ quả dễ thấy là hệ thống cơ quan nội vụ các cấp khá thụ động trong công tác thanh niên, chủ yếu trông đợi vào sự đề xuất của Đoàn Thanh niên.

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Thanh niên năm 2005 cũng cho thấy phần nào thực trạng này: do thiếu nguồn lực nên công tác kiểm tra, đôn đốc thi hành Luật Thanh niên còn chưa thường xuyên, và chưa hiệu quả; việc kiểm tra chuyên đề về công tác thi hành Luật thanh niên chủ yếu là lồng ghép trong các đợt kiểm tra của Đoàn Thanh niên hoặc của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam.

Thậm chí, mặc dù được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên từ năm 2008, nhưng Bộ Nội vụ lại không được giao thực hiện hợp tác quốc tế về công tác thanh niên (nhiệm vụ này được giao cho Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam tại Quyết định số 1328/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ). Phải đến giữa năm 2017, khi ban hành Nghị định 78/2017/NĐ-CP, Chính phủ mới phân công Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hợp tác quốc tế về thanh niên. Sự chồng chéo về nhiệm vụ này chỉ là một ví dụ điển hình cho sự chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan chuyên môn về công tác thanh niên.

Trong khi đó, hệ thống các cơ quan của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lại đang hoạt động như một thiết chế "bán hành chính": vừa thực hiện các hoạt động chính trị - xã hội, vừa đảm nhiệm một số chức năng mang tính chất hành chính công vụ.

Tổ chức của Trung ương Đoàn có các ban chức năng tương tự như các cục, vụ của một bộ; có các đơn vị sự nghiệp như Học viện Thanh thiếu niên, Viện Nghiên cứu Thanh niên, và khá nhiều đầu báo... Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thường là Ủy viên dự khuyết, thậm chí là Ủy viên Trung ương Đảng (tương đương với Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng). Mặc dù vậy, vai trò tham gia xây dựng chính sách pháp luật, hoạch định chiến lược về công tác thanh niên của Trung ương Đoàn lại khá hạn chế, phải qua nhiều khâu trung gian.

Về ngân sách, ngoài đoàn phí từ các đoàn viên, Trung ương Đoàn đang được phân bổ ngân sách nhà nước tương đương một bộ. Điều này là dễ hiểu, vì cơ quan này tham gia giải ngân khá nhiều khoản mục ngân sách quốc gia, trong các chương trình mục tiêu quốc gia, và quản lý nguồn vốn vay chính sách xã hội...

Đối lập lại với tổ chức bộ máy và ngân sách đồ sộ tương đương một bộ như kể trên, Trung ương Đoàn lại không phải chịu sự giám sát và thanh tra, kiểm tra như đối với các bộ ngành khác. Về ngân sách, phải đến khi Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 có hiệu lực, cơ quan này mới thuộc diện phải công khai ngân sách. Rõ ràng, đã có một sự thiếu cân đối giữa cơ cấu tổ chức, qui mô ngân sách của Trung ương Đoàn với phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm, và cả nghĩa vụ của cơ quan này.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra với các tổ chức Đoàn thanh niên ở địa phương, cũng như với các tổ chức xã hội khác của thanh niên.

Khái lược hình ảnh của Bộ Thanh niên trong tương lai

Theo nhiều cán bộ công tác lâu năm về công tác thanh niên, công tác Đoàn, thì khi xây dựng Luật Thanh niên năm 2005, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đã được dự liệu như một nền tảng cho một cơ quan nhà nước chuyên trách về công tác thanh niên, với người đứng đầu là một Phó thủ tướng, và sự tham gia của nhiều bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, sau đó công tác này đã được giao cho Bộ Nội vụ như hiện nay. Thậm chí, trong quá trình soạn thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), đã có nhiều ý kiến đề nghị không qui định về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Tuy vậy, trong tương lai xa hơn, có thể nghiên cứu giải pháp mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề xuất, để khắc phục triệt để những tồn tại của mô hình hiện nay, khi cơ quan quản lí nhà nước (Bộ Nội vụ) thì thiếu nguồn lực còn cơ quan có nguồn lực (Trung ương Đoàn) thì lại thiếu thẩm quyền.

Việc xây dựng Bộ Thanh niên trong tương lai cần quán triệt ba nguyên tắc cơ bản:

Thứ nhất, không làm phát sinh biên chế mới làm cồng kềnh bộ máy nhà nước. Bộ Thanh niên mới cần được xây dựng chủ yếu dựa trên cơ sở nhân sự của Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan trung ương của một số bộ ngành, tổ chức xã hội khác có liên quan đến thanh niên.

Thứ hai, cần “nhất thể hóa” giữa cơ quan quản lí nhà nước về công tác thanh niên và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn có thể đương nhiên là Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Thanh niên và là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam (hoặc là Phó chủ tịch thường trực, nếu như ủy ban này được nâng cấp lên, do Phó thủ tướng phụ trách văn hóa - xã hội đứng đầu).

Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất, việc thành lập Bộ Thanh niên (hay Bộ Thanh niên và Thể thao như đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân) không thể chỉ là thay đổi tên gọi, hay thay đổi cơ cấu hành chính mà cần phải thể hiện được tinh thần thanh niên, tính chất thanh niên trong hoạt động của bộ này.

Cơ cấu, tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự, phong cách làm việc của Bộ Thanh niên tương lai phải hướng đến sự “phi tiêu chuẩn”, tức là không máy móc sao chép cơ cấu tổ chức của các bộ ngành khác. Để làm được điều đó, cần xây dựng cơ chế đặc thù riêng về tổ chức bộ máy, ngân sách, về chế độ tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân sự của Bộ Thanh niên…

Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của các Bộ chuyên trách về công tác thanh niên đều thể hiện rõ tính “phi tiêu chuẩn” này. Điển hình là ở Singapore, vào tháng 7/2012, Bộ Phát triển Cộng đồng, Thanh niên và Thể thao của nước này đã được tái tổ chức lại thành Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore (Ministry of Community, Culture and Youth - MCCY) có tổ chức gồm các ủy ban chuyên ngành (statutory boards) và các cơ quan (agencies).

Trong đó, các ủy ban chuyên ngành là những thiết chế luật định đặc thù - nét đặc sắc của pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước của Singapore. Các ủy ban chuyên ngành tách biệt với tổ chức của chính phủ, nhân sự của ủy ban cũng không phải là công chức nhà nước. Mặt khác, các ủy ban này được trao quyền tự chủ và linh hoạt hơn trong hoạt động so với các cơ quan chính phủ thông thường.

Các cơ quan của MCCY cũng được tổ chức rất đặc thù, chẳng hạn như Hội đồng Thanh niên quốc gia (National Youth Council - NYC) là một cơ quan tự quản (autonoumous agency) phụ trách điều phối các chương trình thanh niên, kết nối các tổ chức của thanh niên như Outward Bound Singapore và Youth Corps Singapore. Trong năm tài khóa 2019, NYC sử dụng ngân sách hoạt động khoảng 67,77 triệu SGD (dollar Singapore), tức khoảng hơn 1.100 tỷ đồng Việt Nam. Chi đầu tư phát triển trong tài khóa 2019 do NYC quản lý là khoảng 15,76 triệu SGD, tương đương hơn 260 tỷ đồng Việt Nam. Dễ thấy, các cơ quan trong MCCY của Singapore không thiên về quản lý mà trực tiếp tham gia vào xây dựng chính sách và điều phối hoạt động của các tổ chức thanh niên. Đây là một kinh nghiệm rất quan trọng trong xây dựng mô hình Bộ Thanh niên ở Việt Nam.

Về công tác nhân sự, có thể tham khảo kinh nghiệm của Malaysia: vào năm 2018, nước này đã bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao là anh Syed Saddiq Abdul Rahman khi chỉ mới 25 tuổi. Anh Syed Saddiq có bằng cử nhân luật, giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tranh biện (debate) cấp quốc tế và đã từ chối học bổng thạc sĩ chính sách công của Đại học Oxford để phục vụ đất nước.

Ở nhiều quốc gia, những nhân sự phụ trách Bộ Thanh niên thường là thành viên trẻ nhất trong Nội các, là những nhân tố rất mới, đem lại nhiều tiềm năng cho hoạt động quản lý và điều hành của Chính phủ. Và đương nhiên, Việt Nam cũng có quyền đặt niềm tin vào thế hệ thanh niên của mình, trong hình mẫu một Bộ Thanh niên của tương lai.

Tin mới lên