Đề xuất trả lãi 10%/năm cho người nộp thuế bị chậm hoàn thuế
(VNF) - Theo đề xuất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp, người nộp bị hoàn thuế chậm có thể được bồi thường với mức lãi suất không quá 10% một năm.
Người nộp thuế bị chậm hoàn thuế có thể được trả lãi 10%/năm
Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi Chính phủ tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý thuế về quy định mức tiền phải trả lãi cho người nộp thuế khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm với mức tính lãi là 0,03% một ngày.
Một trong những lý do bởi chưa có quy định cụ thể về thẩm quyển, trình tự, thủ tục hoàn trả tiền lãi cho người nộp thuế và kinh phí chi trả, nên hiện nay cơ quan thuế chưa có cơ sở để triển khai thực hiện (không có phát sinh nguồn tiền chi trả lãi).
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Quy định về mức lãi phải trả tại 2 văn bản pháp luật nêu trên không có sự thống nhất.
Trong khi đó, Khoản 9 Điều 18 Luật Quản lý thuế cũng đã quy định nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế: “Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước”.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cơ quan thuế chưa có cơ sở thực hiện theo Luật Quản lý thuế. Cơ quan này đề xuất bỏ quy định về việc trả lãi tại luật này.
Thay vào đó, Bộ Tài chính đề xuất các yêu cầu bồi thường của người nộp thuế liên quan đến tiền lãi phải trả của cơ quan thuế sẽ theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường này, khoản tiền lãi phát sinh do chậm trả trong trường hợp không có thỏa thuận sẽ theo Bộ Luật dân sự, tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường. Hiện, theo Bộ Luật dân sự 2015, lãi suất này được xác định bằng 50% mức giới hạn quy định (20%), tức là không quá 10% một năm.
Như vậy, theo đề xuất của Bộ Tài chính, khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm, doanh nghiệp, người nộp bị hoàn thuế chậm có thể được bồi thường với mức lãi suất không quá 10% một năm.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng và rơi vào tình trạng "sống dở chết dở" do khó khăn tài chính vẫn chưa có hồi kết. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành như gỗ, giấy, cao su liên tục phản ánh việc bị nợ hoàn thuế cả nghìn tỷ đồng tiền khiến "sức khỏe" doanh nghiệp kiệt quệ.
“Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về yêu cầu bồi thường của người nộp thuế liên quan đến tiền lãi phải trả của cơ quan thuế thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước là biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế và đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong quản lý thuế, nâng cao tính tuân thủ và sự hài lòng của người nộp thuế”, Bộ Tài chính nhận định.
Quy định trách nhiệm của công chức quản lý thuế
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế; cơ quan thuế nào quản lý trực tiếp người nộp thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế thì cơ quan thuế đó giải quyết việc hoàn thuế, tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa Chi cục Thuế và Cục Thuế.
Theo Bộ Tài chính, pháp luật về quản lý thuế hiện hành chưa quy định rõ trách nhiệm của công chức trong quản lý thuế, đặc biệt trong lĩnh vực hoàn thuế. Thực tế đã xảy ra tại Cục Thuế TPHCM, một số công chức bị tòa án kết tội và phải thực hiện án phạt tù. Vụ án này gây tâm lý hoang mang, thận trọng trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế của các công chức thuế trên toàn quốc, làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ cho người nộp thuế.
Bộ Tài chính cho rằng, cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế sẽ tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định hoàn thuế lại thuộc về Cục trưởng các Cục thuế tỉnh, thành phố.
Do Cục trưởng Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế) không được quyết định nên một số tập đoàn, tổng công ty lớn do đơn vị này quản lý khi phát sinh hoàn thuế giá trị gia tăng phải chuyển về cho các Cục thuế tỉnh, thành phố giải quyết. Việc này cũng xảy ra tương tự với người nộp thuế do Chi cục thuế trực tiếp quản lý.
Quy định này chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, dẫn đến hoàn thuế chậm, ảnh hưởng tới doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính.
Vì vậy, Dự thảo bổ sung quy định trách nhiệm của công chức quản lý thuế để thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật để phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
Bồ Tài chính đề xuất bổ sung thẩm quyền quyết định hoàn thuế của người đứng đầu Cục thuế doanh nghiệp lớn, Chi cục thuế và Chi cục thuế khu vực.
Gian nan xin hoàn thuế thu nhập cá nhân: Bỏ thì mất tiền, theo thì quá mệt
- Bộ Tài chính: 'Chậm hoàn thuế thu nhập cá nhân chủ yếu do khai sai, thiếu' 05/08/2024 12:08
- Cảnh báo chiêu lừa cài đặt ứng dụng để được giảm thuế, hoàn thuế 07/06/2024 02:45
- Hoàn thuế VAT ách tắc vì nghiệp vụ… thủ công 31/10/2023 11:03
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.