M&A

DealStreetAsia: 'VNG IPO tại Mỹ sẽ là cú hích lớn cho hệ sinh thái công nghệ Việt Nam'

(VNF) - Theo DealStreetAsia, đợt IPO tại Mỹ sắp tới của VNG sẽ là cú hích cho sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ Việt Nam. Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam đã chỉ ra trong Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2023 rằng Việt Nam cần có thêm những câu chuyện thành công về thoái vốn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào các công ty Việt Nam.

DealStreetAsia: 'VNG IPO tại Mỹ sẽ là cú hích lớn cho hệ sinh thái công nghệ Việt Nam'

DealStreetAsia: 'VNG IPO tại Mỹ sẽ là cú hích lớn cho hệ sinh thái công nghệ Việt Nam'

Công ty Cổ phần VNG mới đây thông báo rằng VNG Limited đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). Theo đó, VNG Limited, cổ đông chi phối của VNG, dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán NASDAQ Global Select Market với mã giao dịch “VNG”.

Theo DealStreetAsia, đợt IPO tại Mỹ sắp tới của VNG sẽ là cú hích cho sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ Việt Nam. Đợt IPO của VNG diễn ra sau khi hãng ô tô VinFast niêm yết trên NASDAQ thông qua một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam đã chỉ ra trong Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2023 rằng Việt Nam cần có thêm những câu chuyện thành công về thoái vốn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào các công ty Việt Nam.

Ông Sam Van, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp tại Freedom US Markets, “ông bầu” gốc Việt giúp hàng chục doanh nghiệp niêm yết trên sàn Mỹ, bình luận rằng sự kiện tạo tính thanh khoản như IPO VNG sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm những khoản đầu tư tiềm năng tại Việt Nam như VNG.

Mặc dù không thể xác định chắc chắn mức định giá của VNG nhưng các nhà phân tích tin rằng nó sẽ được định giá “hợp lý” do được bảo lãnh phát hành bởi các định chế tài chính toàn cầu dày dạn kinh nghiệm.

Đỗ Bùi, cổ đông sáng lập của quỹ đầu tư mạo hiểm ThinkZone Việt Nam, nhận xét: “Thị trường hiện tại không thuận lợi nên việc đạt được mức định giá mong muốn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và chiến lược phù hợp”.

VNG bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM tại Việt Nam vào đầu năm nay. Cổ phiếu của công ty này đang được giao dịch với thị giá trên 1,2 triệu đồng/cổ phiếu (tức khoảng 50 USD/cổ phiếu), tương đương giá trị vốn hóa khoảng 1,5 tỷ USD.

VNG được thành lập vào năm 2004 với tên gọi Vinagame, được lãnh đạo bởi doanh nhân Lê Hồng Minh. Trong khi kinh doanh trò chơi điện tử (game) vẫn đem về nguồn thu chính, VNG muốn được coi là một tập đoàn công nghệ đa lĩnh vực.

Công ty cho biết, vào năm 2022, tổng doanh thu trò chơi di động của VNG chiếm 39,2% thị trường trò chơi di động Việt Nam. “Hoạt động kinh doanh trò chơi của chúng tôi đóng góp lần lượt 80% và 81,7% doanh thu của chúng tôi vào năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023”, phía VNG cho biết thêm.

Hoạt động kinh doanh trò chơi của VNG có mặt ở Đông Nam Á, Đài Loan và Châu Mỹ Latinh.
Ngoài mảng game, công ty đang tích cực đầu tư vào nền tảng thanh toán ZaloPay và nền tảng dịch vụ điện toán đám mây VNG Cloud. VNG cũng đang theo đuổi các cơ hội đầu tư khác nhau khi đã rót 55 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.

Leif Schneider, cố vấn cấp cao của công ty luật DFDL, cho biết sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong hai thập kỷ qua “hoàn toàn trùng khớp” với quỹ đạo tăng trưởng của VNG, hiện đang hướng tới trở thành một công ty toàn cầu.

“Có rất nhiều điều để phấn khích nếu bạn nghĩ tới việc công ty đã trưởng thành như thế nào và cần vốn để phát triển”, Sam Van nói và cho rằng việc VNG tìm đến thị trường Mỹ “là đúng đắn”, vì một công ty như VNG có thể khó huy động được khoảng 300-400 triệu USD tại Việt Nam.

Theo các nhà quan sát thị trường, đợt IPO của VNG nếu thành công sẽ giúp cho các thương vụ huy động vốn của các doanh nghiệp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Bình Trần, Tổng giám đốc Quỹ Ascend Vietnam Ventures (AVV), chỉ ra rằng việc VNG IPO tại Mỹ là một tín hiệu cho thấy rằng Việt Nam không chỉ là nơi thuê ngoài phát triển trò chơi mà còn là "điểm nóng" sáng tạo và phát triển trò chơi có khả năng thương mại hóa cao.

Các chuyên gia được DealStreetAsia khảo sát đều đồng ý rằng sức hấp dẫn của VNG đối với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phụ thuộc vào tính bền vững của mô hình kinh doanh và tính nhất quán trong việc mang lại lợi nhuận, đặc biệt là khi hoạt động kinh doanh trò chơi của VNG đang phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn.

“Chúng ta đừng quên những rủi ro. Nếu IPO không thuận lợi, nó có thể có tác động lan tỏa không chỉ đến VNG mà còn đến tâm lý của nhà đầu tư đối với lĩnh vực trò chơi ở Việt Nam”, ông Bình Trần nói.

Leif Schneider thì quan sát thấy ngày càng có nhiều công ty Việt Nam xem xét niêm yết ở nước ngoài trong những năm gần đây để bổ sung nguồn tiền mới cho tăng trưởng. Ông nói: “VNG có thể tận dụng động lực này để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường nước ngoài và thu hút sự tin tưởng ngày càng tăng của nhà đầu tư trong thời đại AI và điện toán dựa trên đám mây hiện nay”.

Tin mới lên