'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Đại hội đồng cổ đông của FCN đã thông qua tất cả tờ trình của HĐQT. Đáng chú ý trong các tờ trình là: kế hoạch kinh doanh năm 2022 và nhân sự HĐQT/ban kiểm soát.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, FCN đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 280 tỷ đồng, tăng lần lượt 44% và 296% so với kết quả thực hiện năm 2021; EPS hợp nhất 1.643 đồng, tăng 208%.
Mục tiêu doanh thu công ty mẹ 3.080 tỷ đồng, lãi sau thuế công ty mẹ 80 tỷ đồng, tăng lần lượt 27% và 67% so với mức thực hiện năm 2021.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, FCN có tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế của côgn ty mẹ chưa phân phối đến hết năm 2021 là 111,8 tỷ đồng. Công ty sẽ trích quỹ khen thưởng phúc lợi 4,8 tỷ đồng (10% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ), chia cổ tức 2021 bằng tiền 47,2 tỷ đồng (3% vốn điều lệ).
Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022 như sau: trích quỹ khen thưởng phúc lợi không quá 15% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ, cổ tức không quá 10% vốn điều lệ (bằng tiền).
Mức thưởng cho HĐQT và ban kiểm soát theo hướng: nếu công ty hoàn thành kế hoạch lãi sau thuế hợp nhất thì thưởng 1,5% lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2022; nếu vượt kế hoạch lãi sau thuế hợp nhất thì thưởng thêm 3% phần vượt lãi sau thuế hợp nhất thực tế và lãi sau thuế hợp nhất kế hoạch năm 2022.
Về nhân sự, các thành viên HĐQT bị miễn nhiệm gồm: Hà Thế Phương, Nguyễn Song Thanh, Phùng Tiến Trung, Phạm Trung Thành, Phạm Thị Hồng Nhung.
FCN điều chỉnh số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 từ 9 thành viên xuống 7 thành viên.
Công ty bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT gồm: ông Nguyễn Trần Đăng Phước của Quỹ đầu tư hạ tầng Red One và Giám đốc Tài chính Fecon bà Nguyễn Thị Nghiên.
Một thành viên ban kiểm soát được bầu là Trưởng ban kiểm soát nội bộ Fecon, bà Nguyễn Thị Lan Hương.
Trước đó, năm 2021, FCN đạt doanh thu hợp nhất 3.484 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 71 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 89% và 93% kế hoạch. Fecon giải thích nguyên nhân chưa hoàn thành các chỉ tiêu tài chính so với kế hoạch phần lớn đến từ 2 lý do khách quan là đại dịch Covid-19 và bão giá nguyên vật liệu xây dựng. Nhiều dự án chậm triển khai như Nhiệt điện Nam Định, Nhiệt điện Vũng Áng 2, gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2… đặc biệt là dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Metro Line 3) hầu như không triển khai trong năm 2021. Bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công còn chậm đã ảnh hưởng lớn đến các dự án hạ tầng. Công tác thu hồi công nợ cũng bị ảnh hưởng, làm phát sinh chi phí tài chính và khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp. Sự thiếu hụt lợi nhuận từ mảng đầu tư cũng là nguyên nhân rất đáng kể, khi tất cả các kế hoạch thoái vốn dự án chưa thể hoàn thành để có thể đóng góp vào lợi nhuận chung của tập đoàn. Điểm sáng của mảng đầu tư năm 2021 là các dự án bất động sản tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Tháp đã đạt được các bước tiến đáng kể để “sẵn sàng bùng nổ” trong năm 2022. |
Đại diện cổ đông Raito Kogyo: Đề nghị lãnh đạo FCN giải thích rõ hơn về chiến lược phát triển của công ty?
Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa: FCN đã có chiến lược phát triển giai đoạn 2020 – 2025, đã được phê duyệt vào đại hội năm 2020, điều chỉnh năm 2021. Chiến lược đó xác định FCN sẽ phải dựa trên năng lực cốt lõi về nền móng và công trình ngầm cũng như uy tín của công ty để đẩy mạnh hoạt động thi công trong 2 mảng chính: xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng, đặc biệt là công trình có kết cấu đặc biệt.
Hai là với uy tín thương hiệu, FCN cũng quyết định tham gia đầu tư dự án trong các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, khu công nghiệp, đô thị vệ tinh của các thành phố lớn.
Chi tiết triển khai các chiến lược này, FCN đã được KPMG và các đơn vị khác tư vấn. Hiện nay, công ty đang từng bước thực thi chiến lược đó. Trong phát biểu của HĐQT hôm nay, tôi cũng nhấn mạnh FCN sẽ phải tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp để tập trung những mảng có thế mạnh, để huy động được nguồn lực công ty đang có cũng như các đối tác có như: công nghệ xử lý nền đất yếu, công trình ngầm, công trình hạ tầng đặc biệt của đối tác Raito, hay như đối tác Red One có năng lực tài chính, dự án bất động sản…
Chắc chắn rằng FCN sẽ phát huy được thế mạnh này để hiện thực hóa cơ hội đầu tư dự án, nâng cao hiệu quả kinh doanh toàn tập đoàn.
Cổ đông Giang Thị Xuyến: Doanh thu, lợi nhuận năm 2022 của FCN dự kiến từ đâu?
Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa: Đến nay, các dự án lớn mà FCN bước chân vào, gồm: khu liên hiệp gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2, dự án sân bay Long Thành (bước vào gói cọc đầu tiên), nhiệt điện Nhơn Trạch 3 – 4 (xử lí nền), nhiệt điện Vũng Áng 2 (đang triển khai khung cọc).
Cùng lúc, FCN đang tham gia 2 dự án trọng điểm tại Hà Nội gồm: hầm chui Lê Văn Lương, đường sắt đô thị số 3 (đoạn Voi Phục – Ga Hà Nội).
FCN cũng đang theo đuổi các dự án lớn khác về: nhà máy điện gió, dự án điện khí LNG và 1 – 2 dự án theo đuổi từ lâu như nhiệt điện Nam Định.
CEO Nguyễn Văn Thanh: Giá trị các hợp đồng backlog năm 2021 chuyển sang năm 2022 là hơn 2.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến giờ, công ty kí mới 1.800 tỷ đồng; các quý tiếp theo sẽ ký mỗi quý 1.500 – 2.000 tỷ đồng, mục tiêu cả năm sẽ ký mới 7.500 tỷ đồng, để hiện thực hóa doanh thu 5.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 280 tỷ đồng.
Ngoài dự án Chủ tịch Khoa đã nói, ban điều hành rất tự tin với các dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi Quy hoach điện 8 sắp được phê duyệt như: điện gió Trà Vinh 1.1, điện gió Duyên hải và một số dự án ở khu vực khác.
Trong lĩnh vực hạ tầng, chúng tôi theo đuổi nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị như: Hưng Yên có 3 dự án khu đô thị, mỗi dự án sẽ mang lại 500 – 600 tỷ đồng giá trị hợp đồng, có thể triển khai từ quý II/2022 trở đi.
Với các tuyến đường cao tốc, chúng tôi cũng đang đăng kí để trở thành tổng thầu, 1 hoặc 2 tuyến.
Đối với các dự án về công nghiệp nặng, chúng tôi cũng kỳ vọng ký được hợp đồng lớn tiếp theo tại nhiệt điện Vũng Áng 2 (hiện đang làm cọc, san lấp nhưng kỳ vọng có thể ký được 500 tỷ đồng nữa), nhiệt điện Nhơn Trạch 3 – 4 cũng kỳ vọng ký được hợp đồng tiếp theo (trước đó đã ký 400 tỷ đồng gói xử lí nền).
Cổ đông Đặng Thị Xuyến: Giá vật liệu sẽ tăng, FCN có biện pháp ứng phó thế nào?
CEO Nguyễn Văn Thanh: Khi lập kế hoạch kinh doanh năm 2022, rút kinh nghiệm năm trước, chúng tôi đã tính toán tương đối cẩn thận về ảnh hưởng của giá vật liệu xây dựng, như có thể đột biến.
Ban cung ứng của FCN cũng đã liên tục khảo sát, đánh giá, cập nhật giá vật liệu giúp ban lãnh đạo có kế hoạch ứng phó.
Ngoài ra, FCN cũng cố gắng đàm phán với đối tác nhà cung cấp chiến lược để có giá ưu đãi, phục vụ các dự án của công ty. Họ cam kết sẽ không tăng giá trong suốt thời gian thực hiện dự án.
Một điều quan trọng là chúng tôi đàm phán với các chủ đầu tư những điều kiện về điều chỉnh giá khi giá vật liệu tăng trên 5% như ở các dự án: Hòa Phát Dung Quất 2, nhiệt điện Vũng Áng 2.
Giá trị hợp đồng backlog chưa ghi nhận vào doanh thu tới giờ là bao nhiêu?
CEO Nguyễn Văn Thanh: Khoảng 2.500 tỷ đồng, cụ thể: giá trị backlog của năm 2021 chuyển sang năm 2022 là khoảng 2.000 tỷ đồng, ký mới trong quý I/2022 là 1.800 tỷ đồng, nhưng giá trị thực hiện chưa nhiều đối với hợp đồng ký mới.
Cổ đông Nguyễn Minh Đức, Hoàng Văn Linh, Giang Thị Xuyến: Các dự án bất động sản công ty đang phát triển đã đến bước nào? Quy mô các dự án là bao nhiêu? Dự án tại Thái Nguyên khi nào có doanh thu?
Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa: Các dự án đã theo đuổi 2 năm nay tại 5 tỉnh đang ở những bước khác nhau: có dự án chuẩn bị đấu thầu, có dự án chuẩn bị đấu giá. Những dự án này FCN tài trợ quy hoạch, là một trong những đơn vị có thể tham gia đấu thầu nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi chưa không thể khẳng định các dự án này là của công ty, do đó chúng tôi không nói tên các dự án.
Về quy mô, ở Bắc Ninh dự án quy mô khoảng 6ha, ở Thái Nguyên khoảng 30ha, ở Hưng Yên 206ha, Đồng Tháp 4ha, Bắc Giang có dự án khu công nghiệp khoảng trên 300ha (2 dự án).
Chúng tôi đang quyết tâm năm nay có 2/5 dự án có doanh thu vào khoảng quý IV/2021.
Cổ đông Phạm Văn Ngát: FCN được hưởng lợi thế nào từ việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ?
Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa: FCN làm về hạ tầng, chắc chắn chúng ta được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích đầu tư công, vì các dự án sẽ được Chính phủ, địa phương ưu tiên đầu tư là hạ tầng. Khi công việc nhiều lên, các đối thủ cũng nhiều việc hơn, ta cũng xông xênh hơn trên thị trường, có được nhiều dự án. Nhưng vấn đề hiện nay là giá dự toán của các dự án hạ tầng đầu tư công đang thấp hơn giá thị trường. Do đó, FCN cũng khá thận trọng trong việc tham gia dự án hạ tầng. Chúng tôi đang cân nhắc có nên tham gia cao tốc không, tham gia đoạn nào.
Với các dự án lớn về sân bay, metro, các cảng… chúng tôi cũng đang theo từng bước để tham gia vào, phải đảm bảo lợi nhuận mới tham gia, không đảm bảo thi cũng không mặn mà.
Các dự án hạ tầng nội bộ, có thể có “room” tốt hơn, vì chủ yếu là của tư nhân, thay về định mức dự toán, đơn giá dễ hơn nhà nước. Các dự án nhà nước hi vọng năm nay có thay đổi tích cực, vì các nhà thầu tham gia đều có kiến nghị thay đổi định mức đơn giá để có lợi nhuận. Có lẽ phải từ quý III – IV trở đi, việc điều chỉnh mới ra đến thực tế.
Fecon Invest có 3 mảng: hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, bất động sản công nghiệp – đô thị, thời gian tới có mở thêm mảng nước sạch không? Trong tương lai, Fecon Invest có IPO không? Vừa rồi FCN thoái vốn khỏi Tedy, đây là mảnh ghép quan trọng của FCN, lí do tại sao thoái?
Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa: Fecon Invest thành lập dựa trên sự sáp nhập Fecon Power – chuyên về năng lượng tái tạo và Fecon Hạ tầng – chuyên đầu tư hạ tầng và bất động sản, do đó 3 mảng nêu trên là cốt lõi. Mảng nước là chuyên môn mới, thực ra trước đây Fecon Hạ tầng đã nghiên cứu nhưng cơ hội không còn nhiều. Thị trường nước có nhiều nhà đầu tư sành sỏi tham gia.
Việc Fecon Invest có lên sàn không thì thời điểm này chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể dù đây đang là trụ quan trọng của FCN, FCN nắm trên 95%. Việc IPO sẽ là kế hoạch trong dài hạn, nếu chúng tôi cần vốn lớn
Việc thoái vốn khỏi Tedy là để giải quyết vấn đề do luật đấu thầu quy định, vì Tedy là đơn vị thiết kế FS thì FCN ko được tham gia thi công. Việc xem xét thoái vốn đã được xem xét từ lâu, không phải quyết định nhất thời. Nhưng dù thoái vốn, 2 bên vẫn là đối tác của nhau.
Quỹ đầu tư chủ động VND: Trong kế hoạch 2022 có 109 tỷ đồng lợi nhuận đến từ hoạt động đầu tư, xin hỏi cụ thể là từ dự án nào? Kết quả kinh doanh quý I ra sao?
Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa: Trong kế hoạch năm nay, FCN có ý đinh thoái vốn dự án điện Vĩnh Hảo 6, hoặc có thể là Quốc Vinh Sóc Trăng, tức sẽ thoái 1 trong 2. Lợi nhuận sẽ đến từ đây. Chúng tôi cũng có kế hoạch ghi nhận lợi nhuận tại 1 – 2 dự án ở Bắc Ninh, Thái Nguyên.
CEO Nguyễn Văn Thanh: Về kết quả kinh doanh quý I: doanh thu đạt 500 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ 3 tỷ đồng, hợp nhất thì chúng tôi đang tập hợp để ra số liệu chính xác.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.