ĐHCĐ SHB: Lãi 5 tháng 1.300 tỷ, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển nói 'giá cổ phiếu vẫn dưới giá trị thực'
Minh Tâm -
15/06/2020 16:42 (GMT+7)
(VNF) - "SHBFC hoa hậu, rất nhiều chàng rể đến tìm hiểu. Tôi nghĩ sẽ sớm thống nhất việc chọn lựa đối tác. Khả thi sẽ thành công trong năm nay", Chủ tịch Đỗ Quang Hiển nói về thương vụ SHB bán vốn tại công ty tài chính SHBFC cho đối tác nước ngoài.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho hay giá cổ phiếu SHB trên thị trường hiện nay theo phân tích của các nhà tài chính "vẫn chưa đúng với giá trị thực, vẫn còn thấp hơn giá trị thực".
Liên quan đến vấn đề tăng vốn, ông Hiển khẳng định sau khi hoàn tất tăng vốn trong thời gian qua, thời gian tới, SHB sẽ tiếp tục tăng vốn. "Bản thân tôi là nhà quản trị, cũng là một cổ đông nên tôi cũng muốn tiếp tục tăng vốn và phải tăng vốn nữa. Tăng vốn là tăng sức khỏe, tăng tính bền vững cho ngân hàng", ông Hiển nói.
Về cổ tức, bầu Hiển cho biết sở dĩ năm nay không đề cập đến cổ tức là vì ngân hàng còn phải thận trọng. Thứ nhất là vì dịch Covid-19. Thứ hai là sau khi kết thúc dịch, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vẫn sẽ gặp khó khăn nên thời gian còn dài mới có thể ổn định và phát triển.
Bên cạnh đó, SHB chủ trương giảm chia cổ tức để giải quyết sớm trái phiếu VAMC, nhanh chóng dứt điểm, nên chưa dám đưa ra kế hoạch chính thức về cổ tức.
Đối với vấn đề bán vốn tại SHBFC, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh sẽ "chiến đấu vì lợi ích của các cổ đông, mức giá tốt nhất nhưng phải chọn một đối tác chiến lược nước ngoài có core business có thể đồng hành, đóng góp, cộng hưởng với sản phẩm, dịch vụ, khách hàng với SHB".
"SHBFC hoa hậu, rất nhiều chàng rể đến tìm hiểu. Tôi nghĩ sẽ sớm thống nhất việc chọn lựa đối tác. Khả thi sẽ thành công trong năm nay", ông Hiển nói.
Về trụ sở kinh doanh mới, bầu Hiển tiết lộ SHB hiện đang chờ hoàn tất các thủ tục pháp lý cuối cùng (thỏa thuận về quy hoạch, về hệ số xây dựng).
"Đất của SHB là mua của dân, đất thổ cư của hơn 50 hộ dân (sổ đỏ lâu dài), không phải đất dự án, quyền sở hữu là hợp pháp và lâu dài. Vị trí là đất vàng nên muốn xây tòa trung tâm tài chính, tạo điểm nhấn ở trung tâm thủ đô", người đứng đầu SHB chia sẻ.
Liên quan đến dự án Cocobay, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết chủ đầu tư là "người xây thực, làm thực" và dự án có "pháp lý thật" nên SHB đã căn cứ vào pháp lý, tính hiệu quả, tính khả thi để cho vay.
"Khi chủ đầu tư bán hàng thì việc giữa chủ đầu tư và khách hàng là thống nhất với nhau, thỏa thuận là việc của chủ đầu tư và khách hàng. SHB không có quyền can thiệp. Ngân hàng bảo lãnh tiến độ bàn giao nhà chứ không bảo lãnh cam kết bao nhiêu", Chủ tịch SHB cho biết.
"Thành Đô, Cocobay cũng đã có phương án thống nhất được với khách hàng. Ngân hàng luôn có trách nhiệm với chủ đầu tư và khách hàng vay vốn. Thành Đô cơ bản đã có biên bản thống nhất với khách hàng, đến giờ đa số đã thống nhất xong", ông Hiển thông tin thêm.
Tiết lộ về kết quả kinh doanh, Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết đến hết ngày 31/5/2020, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng là trên 378.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng trên 291.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.300 tỷ đồng.
Tổng giám đốc SHB cho hay năm 2020, ngân hàng sẽ mua lại khoảng 1.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, cùng với việc trích lập dự phòng rủi ro, lượng trái phiếu VAMC còn lại cuối năm sẽ vào khoảng trên 1.800 tỷ đồng.
* * *
Nhận định trong báo cáo trình cổ đông tại đại hội đồng cổ đông, ban lãnh đạo SHB cho hay ngành ngân hàng cũng như SHB sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn từ dịch Covid-19, do đó nguy cơ gia tăng nợ xấu là khó tránh khỏi.
"Các tỷ lệ an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng như SHB sẽ có xu hướng thắt chặt theo lộ trình để đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn, nên tăng trưởng tín dụng hiện nay phụ thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn hoạt động. Dù đã đáp ứng được chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016, ngân hàng sẽ vẫn phải tiếp tục nỗ lực để duy trì tỷ lệ CAR theo quy định trong mọi thời điểm", ban lãnh đạo SHB nhấn mạnh.
Trên cơ sở kết quả kinh doanh năm 2019, nghiên cứu dự báo môi trường kinh doanh năm 2020 và định hướng đạt Top 3 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam, SHB đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, quy mô tổng tài sản cả ngân hàng đạt tiếp tục trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam với mức tăng bình quân từ 10% - 13%/năm. Quy mô huy động vốn thị trường 1 (thị trường tổ chức kinh tế và dân cư) xếp thứ 4 trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn nhất Việt Nam, trong khi thị phần cấp tín dụng xếp thứ 3.
Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 3%. Năm 2020 dự kiến sẽ thu hồi nợ xấu đạt 6.081 tỷ đồng (bao gồm cả thu giữ tài sản), đồng thời mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC.
Ban lãnh đạo SHB cho biết sẽ cơ cấu lại danh mục tín dụng theo định hướng giảm rủi ro nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận. Mục tiêu dư nợ cho vay trung dài hạn của khách hàng doanh nghiệp không vượt quá 60% tổng danh mục cấp tín dụng của khách hàng doanh nghiệp.
Về lợi nhuận, ban lãnh đạo SHB chia sẻ rằng ban đầu, ngân hàng dự kiến tăng trưởng lợi nhuận từ 35% đến 40% trong năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến ngân hàng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của SHB là 3.268 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019. Để đạt mục tiêu này, SHB sẽ tiết giảm chi phí hoạt động quản lý từ 10% - 15%.
Liên quan đến cổ tức, tỷ lệ chia năm 2019 dự kiến ở mức 10% bằng cổ phiếu, theo kế hoạch sẽ thực hiện vào quý III và quý IV/2020.
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh và cổ tức, một nội dung cũng rất đáng chú ý là việc SHB trình cổ đông kế hoạch chuyển sàn từ HNX sang HoSE.
Ban lãnh đạo SHB cho hay ngày 7/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 32 QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sáp nhập HNX và HoSE. Dự kiến việc sáp nhập các sở giao dịch chứng khoán sẽ được thực hiện theo lộ trình đến hết năm 2023, các giao dịch của thị trường cổ phiếu sẽ do HoSE quản lý, các giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh do HNX quản lý.
"Nhằm thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là các tổ chức kinh tế lớn có uy tín, nâng cao vị thế của SHB trên thị trường chứng khoán, HĐQT kính trình Đại hội đồng cổ đông xem xét việc SHB chủ động chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu của Ngân hàng từ HNX sang HoSE", tờ trình của SHB nêu rõ.
HĐQT SHB đề xuất giao cho các thành viên HĐQT quyết định thời điểm chuyển đăng ký niêm yết, lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện tư vấn việc chuyển đăng ký niêm yết; quyết định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài/vốn điều lệ ngân hàng phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo lợi ích hợp pháp của SHB và của cổ đông. Cùng với đó, hoàn tất các hồ sơ, thủ tục liên quan đến các nội dung nêu trên theo quy định của pháp luật hiện hành.
SHB cũng trình cổ đông thông qua việc thoái vốn của SHB tại Công ty Tài chính MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB FC) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Phía ngân hàng cho biết việc thoái vốn tại công ty SHB FC cho đối tác chiến lược nước ngoài sẽ đem lại cho cổ đông và ngân hàng nguồn thặng dư vốn đáng kể; đồng thời nâng cao uy tín, hình ảnh của SHB trên thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng sẽ trở thành cầu nối để SHB mở rộng các hoạt động khác của ngân hàng ra thị trường quốc tế.
Tại đại hội, SHB trình miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với ông Đỗ quang Huy sau khi ông Huy có đơn từ nhiệm từ tháng 11/2019 vì lý do cá nhân. Bên cạnh đó, đề cử bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Hoạt, sinh năm 1986, trình độ Thạc sỹ kinh tế làm Thành viên HĐQT.
Kết thúc đại hội, các cổ đông đã thông qua tất cả các tờ trình với tỷ lệ tán thành 99%.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone