ĐHĐCĐ SHS: Làm rõ tham vọng trở lại nhóm dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu

Thanh Long - 28/04/2023 16:46 (GMT+7)

(VNF) - Tổng giám đốc Vũ Đức Tiến cho biết trước đây SHS từng lọt vào top 5 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE nhưng sau đó bị bật ra do thua kém các công ty chứng khoán khác về nguồn vốn, về công nghệ thông tin, về cách tiếp cận khách hàng, về hệ sinh thái. Tuy nhiên hiện nay, SHS đã khắc phục được các vấn đề trên. Đây là cơ sở để SHS đặt mục tiêu trước mắt lọt top 6 thị phần môi giới sàn HoSE và trong trung, dài hạn là lọt top 3.

VNF
ĐHĐCĐ SHS

Chiều 28/4, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

SHS đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.942,2 tỷ đồng trong năm nay, tăng 25,5% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 1.103,4 tỷ đồng, gấp 5,6 lần năm ngoái. Liên quan đến phương án chia cổ tức năm 2022, SHS trình đại hội cổ đông phương án không thực hiện chia cổ tức để phục vụ các hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2023, theo đó toàn bộ lợi nhuận còn lại tính đến thời điểm 31/12/2022 sau khi trích lập các quỹ sẽ được giữ lại.

Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch SHS Đỗ Quang Vinh cho biết 2023 vẫn là năm khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Do đó, SHS xác định cần tập trung vào 3 yếu tố: Tích lũy, thận trọng nhưng vẫn phải phát triển. 

"Khi thị trường chưa ổn định, chúng tôi sẽ thận trọng trong công tác đầu tư và kinh doanh, tập trung bảo vệ an toàn vốn. Bên cạnh đó, tập trung tái cấu trúc công ty hướng tới mô hình tiêu chuẩn, các mảng kinh doanh chưa phát huy được thế mạnh sẽ được chuẩn bị nền tảng để phát huy trong tương lai, trong đó có việc xây dựng nền tảng công nghệ thông tin, nền tảng con người cũng như làm việc với các đơn vị tư vấn nước ngoài", Chủ tịch SHS nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, Tổng giám đốc SHS Vũ Đức Tiến cho hay hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, nhiều thử thách, chưa xác định sẽ biến động theo xu hướng nào, ổn định và phát triển hay suy thoái. 

"SHS đang phải quan sát trạng thái của nền kinh tế trong quý II và quý III, nếu tệ hơn quý I thì nền kinh tế sẽ bước vào suy thoái, khi đó chúng ta sẽ phải chờ đợi. Còn nếu nền kinh tế phục hồi thì SHS sẽ đẩy mạnh đầu tư theo các định hướng đã có", ông Tiến nói, đồng thời lưu ý thêm mặc dù vốn chủ sở hữu của SHS lớn và dư địa vay nợ còn rất nhiều nhưng hoạt động đầu tư vẫn phải chờ xu hướng thị trường.

Về tham vọng trở lại nhóm dẫn đầu về thị phần môi giới trên sàn HoSE, Tổng giám đốc Vũ Đức Tiến cho biết trước đây SHS từng lọt vào top 5 nhưng sau đó bị bật ra do thua kém các công ty chứng khoán khác về nguồn vốn, về công nghệ thông tin, về cách tiếp cận khách hàng, về hệ sinh thái. Tuy nhiên hiện nay, SHS đã khắc phục được các vấn đề trên, đặc biệt là SHS đã kết nối với ngân hàng số SHB. Đây là cơ sở để SHS đặt mục tiêu trước mắt lọt top 6 thị phần môi giới sàn HoSE và trong trung, dài hạn là lọt top 3 thị phần.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, ông Tiến nhận định: "Qua cuộc khủng hoảng trái phiếu, chúng ta đánh giá được chất lượng các tổ chức phát hành, tổ chức tư vấn đầu tư. Không thể nhận định trái phiếu là xấu. Tất cả chính sách pháp lý đều hướng đến thị trường trái phiếu phát triển minh bạch".

Đối với SHS, ông Tiến cho hay không có trái phiếu nào SHS tham gia bị quá hạn, vỡ nợ. Danh mục đầu tư trái phiếu của SHS là 2.000 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu khoảng 10.000 tỷ thì đây là mức đầu tư an toàn, các trái phiếu đều có tài sản bảo đảm.

Về hoạt động cho vay margin, Tổng giám đốc SHS cho biết trước đây, công ty có lượng margin lớn đối với cổ phiếu NVL của Novaland nhưng thời gian qua đã bán giải chấp toàn bộ cổ phiếu này và không chịu thiệt hại nào. Hiện nay, SHS không còn dư nợ margin liên quan đến NVL.

Về đến khoản đầu tư vào EIB, ông Tiến tiết lộ SHS sẽ chốt bán trong năm nay với lợi nhuận tối thiểu 20% trên vốn gốc khoảng 400 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.