Dịch corona có dấu hiệu đạt đỉnh, chứng khoán Mỹ lập đỉnh cao lịch sử

Nguyên Hà - 13/02/2020 08:28 (GMT+7)

(VNF) - Thị trường chứng khoán Mỹ đã lại có đỉnh cao lịch sử mới ở tất cả các chỉ số chính trong phiên giao dịch ngày 12.2 nhờ số liệu ca nhiễm cúm corona mới tại Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại.

VNF
Giới đầu tư hào hứng khi thị trường chứng khoán Mỹ liên tục đạt đỉnh cao mới.

Chỉ số DJIA tăng 0,94%, S&P 500 tăng 0,65% và Nasdaq Composite tăng 0,9%. Cả ba chỉ số này đều đang ở đỉnh cao nhất lịch sử dù vẫn xuất hiện nhiều phân tích lo ngại về việc dừng hoạt động sản xuất các cơ sở tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp trong quý 1/2020 do gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như sự giảm sức mua tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Thông tin hỗ trợ thị trường chính là số liệu mới nhất của Trung Quốc cho thấy số ca nhiễm mới đang có dấu hiệu chậm lại. Điều này có thể báo hiệu đỉnh của dịch. Kỳ vọng này cũng giúp hàng loạt cổ phiếu của các công ty có đầu tư kinh doanh lớn tại thị trường Trung Quốc tăng bùng nổ. Cổ phiếu của Wynn Resorts và Las Vegas Sands tăng vọt trên 3%. Cổ phiếu của các hãng hàng không Delta và American Airlines cũng tăng tương ứng 1,4% và 2,1%.

Diễn biến của chỉ số S&P 500 trong phiên ngày 12.2.2020

Diễn biến của chỉ số S&P 500 trong phiên giao dịch ngày 12.2.2020.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hôm thứ Ba đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện, cho rằng rằng nền kinh tế Mỹ đang ở mức tích cực, nhưng ngân hàng trung ương này vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình trạng rủi ro kinh tế toàn cầu dưới tác động của dịch cúm corona. Sau đó một ngày, tại phiên điều trần nữa trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào thứ Tư, ông Powell nhắc lại rằng ngân hàng trung ương nên sớm có đánh giá về tác động của coronavirus đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Điều này hàm ý nếu những tác động của dịch cúm corona cũng như sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc là rõ ràng, FED sẽ tung ra có các biện pháp hỗ trợ.

Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư, cho rằng dịch cúm corona ở Trung Quốc sẽ tác động xấu đối với nền kinh tế thế giới hơn nhiều so với dịch SARS 2002-2003. Trong thời gian dịch SARS, Trung Quốc chỉ chiếm 8% nền kinh tế toàn cầu. Ngày nay, nguồn sản xuất cung ứng từ Trung Quốc chiếm tới 28%, do đó tác động sẽ mạnh hơn nhiều thông qua các chuỗi giá trị ở các quốc gia khác.

Theo số liệu đến 8h55 ngày 13/2 (giờ Bắc Kinh), Mỹ đã xác nhận 01 ca nhiễm coronavirus mới tại California, nâng tổng số ca nhiễm tại Mỹ lên 14. Ca nhiễm này thuộc nhóm được kiểm dịch sau khi họ trở về Mỹ từ Hồ Bắc.

Tại Trung Quốc, cũng tính đến thời gian nói trên, tỉnh Hồ Bắc đã báo cáo thêm 242 trường hợp tử vong và 14.840 trường hợp niễm mới kể từ ngày 12/2 - tăng mạnh so với ngày hôm trước. Tổng cộng đã có 1.310 ca tử vong tại Hồ Bắc và 48.206 người đã bị nhiễm bệnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác