Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng thế nào đến Tập đoàn Masan?
Thanh Long -
31/03/2019 08:03 (GMT+7)
(VNF) - Dịch tả lợn châu Phi (ASF) làm ảnh hưởng đến mảng thức ăn chăn nuôi của Masan nhưng theo tính toán, diễn biến này có tác động không đáng kể lên lợi nhuận. Mặt khác, ASF đang tạo ra cơ hội để Masan đẩy mạnh mảng kinh doanh thịt mát. Masan đã nâng mục tiêu nội bộ cho doanh thu thịt mát năm 2019 từ khi ASF xảy ra.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) mới đây đã tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư với nội dung đáng chú ý nhất là những cập nhật về thị trường thịt heo trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) xuất hiện ở Việt Nam cũng như kế hoạch hành động của công ty cho mảng kinh doanh này cho phần còn lại của năm 2019.
Theo tường thuật từ các chuyên viên của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tại miền Bắc, giá thịt heo hơi đã giảm mạnh khoảng 18% còn 39.000 đồng/kg kể từ khi ASF bùng phát.
Dựa theo khảo sát nội bộ, ban lãnh đạo Masan cho biết lượng heo thịt bán ra mỗi ngày tại Hà Nội ở một vài điểm bán đã giảm 30% kể từ khi ASF xảy ra.
Ban lãnh đạo Masan dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi heo công nghiệp sẽ giảm 5-10% trong năm 2019 trong kịch bản xấu nhất, so với kỳ vọng tăng trưởng 10% trước khi dịch ASF xuất hiện. Mức giảm này được kỳ vọng sẽ phần nào được bù đắp bởi tăng trưởng trong mảng thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản.
ASF làm ảnh hưởng đến mảng thức ăn chăn nuôi của Masan nhưng theo tính toán của VCSC, diễn biến này có tác động không đáng kể lên lợi nhuận của Masan do đóng góp từ mảng thức ăn chăn nuôi trong tổng lợi nhuận khá nhỏ.
Mặt khác, ASF đang tạo ra cơ hội để Masan đẩy mạnh triển khai mảng kinh doanh thịt mát, khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm thịt heo an toàn, chất lượng cao.
Ban lãnh đạo Masan cho biết đã nâng mục tiêu nội bộ cho doanh thu thịt mát năm 2019 sau khi ASF xảy ra khi nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ từ người tiêu dùng.
Phía Masan cũng đặt mục tiêu sản lượng bán thịt mát sẽ tăng gấp đôi mỗi tháng trong phần còn lại của năm 2019. Được biết năm 2019, Masan đặt kế hoạch doanh thu thịt mát khoảng 600 – 1.000 tỷ đồng.
Trong 4 tuần qua, sản lượng bán tại các cửa hàng Meat Deli của Masan đã tăng 2,5 lần trong khi sản lượng bán thông qua hệ thống siêu thị Vinmart đã tăng 2 lần. Nhu cầu cho Meat Deli cũng được thể hiện thông qua việc giá thịt heo bán lẻ tại các chợ truyền thống đã giảm 5-10% kể từ khi ASF xuất hiện, trong khi Masan đã tăng giá Meat Deli thêm khoảng 3%.
Ngoài các cửa hàng Meat Deli mà công ty tự vận hành và các siêu thị Vinmart, kể từ một tháng trước, Masan đã bắt đầu phân phối sản phẩm thịt thông qua các cửa hàng bách hóa, ví dụ như các đại lý bách hóa hộ gia đình ở gần hoặc trong các khu chợ truyền thống.
Tính đến hiện tại, công ty đã có 10 đại lý bách hóa kiểu này.
Theo ban lãnh đạo Masan, đây là kênh có thể mở rộng phân phối thịt hiệu quả do chỉ cần tài trợ khoảng 10 triệu đồng cho tủ lạnh để tại mỗi cửa hàng. Masan chiết khấu 10% biên lợi nhuận cho các cửa hàng trong khi thu tiền mặt ngay khi giao hàng. Masan hiện đang phân công 1 nhân viên bán hàng chăm sóc cho mỗi cửa hàng đại lý bách hóa. Trung bình, mỗi cửa hàng Meat Deli hiện đang bán khoảng 150kg/ngày so với ít nhất khoảng 50kg/ngày tại cửa hàng đại lý.
Để đảm bảo đủ nguồn cung thịt, Masan vừa thuê một trang trại của bên thứ ba để tự vận hành. Trang trại này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 6-7/2019.
Theo ban lãnh đạo Masan, trong tình huống xấu nhất là nếu trang trại của công ty bị lây nhiễm ASF và do đó phải tiêu hủy đàn heo, Masan sẽ phải dự phòng khoảng 100 tỷ đồng cho heo tiêu hủy. Mặt khác, để đảm bảo nguồn cung lâu dài, công ty đang nghiên cứu để triển khai mô hình liên kết chăn nuôi cùng các hộ nông dân.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.