Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Một trong những vấn đề làm nóng hội trường Quốc hội hôm nay là đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Các đại biểu tranh luận gay gắt về việc cấm hay không nên cấm loại hình dịch vụ này.
Nêu ý kiến tại Quốc hội, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng không nên đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, bởi đây là một hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu cuộc sống của khách hàng.
“Thực tế cho thấy nhiều người cho vay không đòi được nợ đã truy sát cả gia đình người thân, bạn bè, hàng xóm. Nguyên do là nếu kiện ra tòa thì thứ nhất là mất thời gian, thứ hai là chi phí kiện tụng không nhỏ và thứ ba, nếu như những người đi vay bị xử đi tù thì điều quan trọng nhất là món nợ của họ cũng không đòi được”, bà Thơ nói và đặt câu hỏi:
“Liệu việc cấm có ngăn chặn được hiện tượng đòi nợ thuê xảy ra không khi hàng loạt các công ty tài chính mọc lên với chức năng là cho vay nặng lãi và sau đó là đòi nợ?”
Bà Thơ cho rằng công an, chính quyền địa phương phải vào cuộc và có chế tài quản lý chặt chẽ, truy tố hình sự đối với những người đòi nợ thuê có hành vi bạo lực côn đồ chứ không phải quản không được thì cấm.
Đồng quan điểm với bà Thơ, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (đại biểu đoàn Bến Tre) viện dẫn 3 lý do để không cấm dịch vụ đòi nợ.
Thứ nhất, đây là ngành nghề hình thành từ nhu cầu thực tiễn, ở đó khách hàng thường áp dụng hình thức tín chấp, thủ tục vay đơn giản, rủi ro cao. Khi người đi vay không thanh toán mà người cho vay lại không muốn sử dụng các công cụ hỗ trợ tư pháp để thu hồi tài sản và nếu có sử dụng thì hiệu quả không cao thì lúc này thuê đơn vị trung gian đòi thuê là giải pháp tối ưu.
Thứ hai, báo cáo tổng kết thi hành Luật Đầu tư không nêu được số liệu có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ; tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ không tuân thủ các điều kiện là bao nhiêu; những vi phạm chủ yếu của các doanh nghiệp này là gì và mức độ vi phạm tác động đến an ninh trật tự xã hội đến đâu; có phải tất cả các vụ việc đòi nợ gây mất an ninh trật tự thời gian qua đều từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ hợp pháp hay từ các băng nhóm cho vay nặng lãi, biến tướng…
“Cho dù có cấm ngành, nghề kinh doanh đòi nợ cũng chưa chắc đã hạn chế được các hành vi đòi nợ biến tướng của các băng nhóm cho vay nặng lãi. Thậm chí có khi tình trạng mất an ninh trật tự còn tăng lên bởi vì khi cấm, các đơn vị cho vay sẽ hạn chế cho vay để bảo toàn vốn và có khả năng đẩy người vay tiếp cận với các nguồn cho vay nặng lãi nhiều hơn”, bà Thủy nói.
Lý do thứ ba, theo bà Thủy, là báo cáo cũng nêu rõ hạn chế của pháp luật, đó là một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa được quy định đầy đủ, chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ.
“Như vậy, báo cáo tổng kết đã thừa nhận những hạn chế vừa qua xuất phát từ cơ chế, điều kiện và năng lực kiểm soát, đồng thời cũng không có đánh giá tác động về việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Từ những phân tích trên cho thấy chưa có đủ cơ sở để cấm ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, bà Thủy kết luận.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), nêu một ví dụ so sánh giữa việc khởi kiện ra tòa và sử dụng dịch vụ đòi nợ để thu hồi tài sản để rút ra kết luận không nên cấm dịch vụ đòi nợ mà chỉ nên “tăng cường quản lý dịch vụ đòi nợ thuê”.
Ông Đồng cũng nhấn mạnh quan điểm: không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê vì có cấm cũng không cấm được. Theo ông, không thể cấm được dịch vụ đòi nợ vì hai lý do.
Một là pháp luật không phân biệt được phạm vi dịch vụ thu hồi nợ. “Người ta dễ dàng lách quy định cấm dịch vụ đòi nợ bằng cách làm giấy tờ ủy quyền đại diện tham gia giao dịch và hưởng thù lao đại diện. Biện pháp này hợp pháp theo Bộ luật Dân sự và không có cách nào cấm được”.
Hai là “nếu đã bất hợp pháp thì có cấm cũng vô nghĩa”. “Các băng, nhóm thu hồi nợ không đăng ký thì họ vẫn sẽ kinh doanh, các băng, nhóm này thường dùng biện pháp thu hồi nợ bằng đe dọa bạo lực. Khi các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp bị cấm thì các băng nhóm này sẽ dễ dàng mở rộng thị trường. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng chưa thấy có nước nào cấm dịch vụ đòi nợ thuê”, ông Đồng cho biết.
Trái ngược với luồng ý kiến trên, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (đoàn Ninh Thuận) cho rằng cần phải cấm dịch vụ đòi nợ.
Theo đại biểu Ngọc, nợ là một hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp hợp đồng, các bên tham gia phải tự thỏa thuận giải quyết, hoặc khiếu kiện để Tòa án giải quyết.
“Nhà nước có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án để giải quyết. Đối với các vụ việc đã có quyết định bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án thừa phát lại là cơ quan có thẩm quyền thi hành”, ông Ngọc nói.
Ông Ngọc cho hay thời gian qua báo chí, dư luận xã hội đã phản ánh tình trạng xã hội đen núp bóng doanh nghiệp và doanh nghiệp sử dụng xã hội đen đe dọa xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Đó là những hoạt động biến tướng của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, như việc một số đối tượng đòi nợ thuê có đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh đã bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ dẫn đến chết người. Phổ biến là các hành vi đe dọa khủng bố đối với người thân, con cái, cha mẹ của các con nợ. Những hành vi này gây bức xúc trong người dân và ảnh hưởng rất xấu đến an ninh trật tự ở địa phương.
Vì lẽ đó, ông Ngọc cho rằng việc cấm dịch vụ đòi nợ là phù hợp. “Ở đây không phải không quản được thì cấm mà vì ngành, nghề này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội”, ông nói.
Đồng tình với đại biểu Ngọc, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cũng cho rằng cần cấm dịch vụ đòi nợ.
“Thực tế các quan hệ giữa bên có nợ cần thu hồi và bên nợ là quan hệ dân sự. Theo tôi, hiện nay nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, các cơ quan và các thiết chế bảo vệ thi hành luật pháp, như là Tòa án, Viện kiểm sát, trọng tài hay cơ quan thi hành án, kể cả thừa phát lại”, bà Xuân khẳng định.
Bà Xuân cũng cho rằng dù pháp luật đang xếp dịch vụ đòi nợ vào danh mục kinh doanh có điều kiện nhưng thực tế công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này còn quá yếu, quá lỏng lẻo, gần như mất kiểm soát.
Trong khi đó ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không tuân thủ các điều kiện kinh doanh cũng như các quy định của pháp luật dẫn đến hoạt động này đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Ngoài ra, tình trạng vi phạm về an ninh trật tự của dịch vụ đòi nợ là phổ biến và gây bức xúc trong dư luận.
“Tôi thiết nghĩ không chỉ lý do nhà nước không quản lý được nên phải cấm mà vấn đề phải giải bài toán giữa hiệu quả kinh doanh và hiệu ứng của xã hội, có đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không hay là chỉ gây những hệ lụy tiêu cực cho người dân, cho xã hội quá lớn”, bà Ngọc phân tích.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng lên tiếng ủng hộ cấm dịch vụ đòi nợ. Theo ông Nhưỡng, dịch vụ đòi nợ là một trong những hình thái rất cổ điển, nhưng hình thái cổ điển này ở Việt Nam đã bị biến tướng đến mức độ hết sức khủng khiếp.
“Đây là loại hình xã hội ‘lành thì ít, dữ thì nhiều’. Đây không phải là cấm tự do kinh doanh mà kinh doanh phải ra kinh doanh. Bây giờ chúng ta cứ gọi đó là kinh doanh nhưng thực ra đây là loại hình mang tính tiêu cực hơn là tính tích cực”, ông Nhưỡng nói.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.