Ngân hàng

Diễn biến lạ: Lãi suất qua đêm liên ngân hàng lên đỉnh 9 tháng

(VNF) - Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ngày 21/2 đã vọt lên mức cao nhất trong 9 tháng lại đây. Sự đi lên của lãi suất liên ngân hàng cùng với việc NHNN phải bơm tiền qua kênh OMO cho thấy thanh khoản không còn trong trạng thái quá dư thừa.

Diễn biến lạ: Lãi suất qua đêm liên ngân hàng lên đỉnh 9 tháng

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90-95% giá trị giao dịch) trong phiên 21/2/2024 ở mức 4,14%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ cuối tháng 5/2023. 

Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã bắt đầu có dấu hiệu nhích lên kể từ phiên giao dịch đầu tuần này (19/2).

Ngày 19/2, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng lên 1,41%/năm từ mức 1,04%/năm vào phiên trước đó.

Đến phiên 20/2, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm đã tăng lên 2,15%/năm.

Tới phiên 21/2, lãi suất liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm tăng lên 4,14%/năm.

Đây là phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp của lãi suất qua đêm liên ngân hàng. So với mức ghi nhận vào cuối tuần trước, lãi suất qua đêm liên ngân hàng hiện đã tăng lên gấp 3 và lên mức cao nhất trong 9 tháng qua.



Lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn chủ chốt khác cũng tăng mạnh.

Trong phiên 21/2, lãi suất kỳ hạn 1 tuần tăng 1,57%, lên mức 3,81%/năm. Lãi suất hai tuần là 3,02%/năm, tăng 1,08 %. 

Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài hơn như 1 tháng với 3 tháng gần như không có sự thay đổi quá lớn, lần lượt ở mức 2,55%/năm và 3,15%/năm. Trong đó, lãi suất 3 tháng giảm 0,32 điểm % so với phiên 20/2. 

Có thể thấy, lãi suất liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm đang cao hơn cả những lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường đang khát thanh khoản ngắn hạn.

Hiện trần lãi suất qua đêm được quy định là 5%, theo Quyết định số 1123/QĐ-NHNN ngày 16/6/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ.

Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng tăng cùng thời điểm NHNN hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Trong hai phiên 20/2 và 21/2, NHNN đã bơm tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng qua kênh OMO cho một thành viên, với lãi suất 4%/năm và kỳ hạn 7 ngày.

Phiên giao dịch 20/2, NHNN đã chào thầu thành công hơn 5.091 tỷ đồng trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Theo đó, 1 thành viên đã "vay nóng" NHNN số tiền trên với kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4%/năm.

Trong phiên 21/2, NHNN tiếp tục bơm số tiền 946 tỷ đồng cho 1 thành viên vay với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4%. 

Đây là 2 phiên liên tiếp hệ thống ngân hàng cần đến nguồn hỗ trợ từ NHNN.

Tuy nhiên, sang đến phiên 22/2, kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá đã không phát sinh thêm giao dịch mới. 

Trong suốt nửa cuối năm 2023, kênh cho vay OMO không phát sinh giao dịch mới dù NHNN vẫn duy trì hoạt động chào thầu nhằm hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng có nhu cầu. Điều này xuất hiện trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào. Thậm chí, trong đầu quý III/2023, nhà điều hành còn phải khởi động lại kênh tín phiếu để hút bớt thanh khoản hệ thống nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Nhưng sau khi tăng trưởng tín dụng cao đột biến trong tháng 12/2023, lãi suất liên ngân có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là giai đoạn trước và sau Tết nguyên Đán.
Việc lãi suất liên ngân hàng tăng đi cùng với nhu cầu vay mượn qua kênh OMO xuất hiện trở lại sau nhiều tháng "đóng băng" cho thấy thanh khoản hệ thống đã không còn quá dư thừa như trong nửa cuối năm 2023.

Vào đầu năm 2024, cũng đã xuất hiện các giao dịch, nhưng chỉ với quy mô nhỏ, trị giá vài tỷ đồng. Kênh tín phiếu cũng không phát sinh thêm giao dịch mới. Lô tín phiếu cuối cùng đã đáo hạn vào tháng 12.

Sự tăng lên của lãi suất liên ngân hàng cùng với việc NHNN phải bơm tiền qua kênh OMO có thể là dấu hiệu cho thấy thanh khoản không còn trong trạng thái quá dư thừa như nửa cuối năm 2023.

Tin mới lên