Tiêu điểm

Diện mạo huyện Đông Anh trước thời điểm có quyết định lên quận

(VNF) - Đông Anh là huyện nằm ở phía bắc của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 18km. Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận này.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đông Anh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định xây dựng Đông Anh thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính thương mại và giao dịch quốc tế phía Bắc sông Hồng, đóng vai trò là động lực phát triển ở phía Bắc của Thủ đô.

Quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 185km2, dân số 437.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có.
Dự án nhà văn hóa có họa tiết được mô phỏng theo kiến trúc trống đồng Đông Sơn với vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Dự án nằm trên đường Cao Lỗ khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thay đổi phần nào bộ mặt của huyện Đông Anh trước thời điểm lên quận.
Nằm cách Nhà văn hóa Đông Anh không xa là công trình nhà thi đấu đa năng đang được triển khai, với diện tích khoảng 33ha, tổng mức đầu tư 672 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 10/2020, gồm nhiều hạng mục chính như: nhà thi đấu đa năng, cung thể thao dưới nước, bến thuyền, quảng trường trung tâm, các tuyến giao thông kết nối, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. 
Nhiều khu vực đô thị được quy hoạch, đầu tư chỉnh trang. Rất nhiều nhà đầu tư lớn cũng đổ về Đông Anh để đầu tư dự án bất động sản quy mô lớn như: BRG, Sun, EuroWindown
Những năm gần đây, Đông Anh cũng nổi lên là một điển hình về sự bứt phá hạ tầng mạnh mẽ thời gian qua. Hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch kết nối thông suốt gồm tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đường cao tốc Thăng Long-Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt); đường cao tốc Nhật Tân-Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp); Quốc lộ 5 kéo dài gồm đường Trường Sa và đường Hoàng Sa.
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh (Hà Nội), giúp việc di chuyển giữa 2 bờ sông Hồng, sông Đuống trở nên thuận tiện, góp phần giải tỏa lượng giao thông liên tỉnh từ hướng Hải Phòng, Quảng Ninh đi các tỉnh phía Tây và Tây Bắc Hà Nội.
Cầu Thăng Long là cây cầu bắc qua sông Hồng nằm trên tuyến đường vành đai 3, nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm của Hà Nội.
Cầu Nhật Tân là 1 trong 2 cây cầu bắc qua sông Hồng nối huyện Đông Anh với trung tâm Hà Nội. Ngoài 2 cầu trên, theo quy hoạch, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai cầu Tứ Liên, là cây cầu nối từ xã Đông Hội huyện Đông Anh sang đường Nghi Tàm quận Tây Hồ (khu vực khách sạn Thắng Lợi). 
Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. 6 tháng đầu năm 2023 giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn đạt 89.453 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp xây dựng cơ bản tăng 8,7%; thương mại - dịch vụ ước tăng 15,4%; Nông nghiệp chiếm 1,4%, cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng.
Đường Võ Nguyên Giáp có tổng chiều dài 12,1km, chạy qua địa phận 4 xã của huyện Đông Anh gồm xã Vĩnh Ngọc, xã Tiên Dương, xã Vân Nội và xã Nguyên Khê. Điểm đầu của tuyến là phía bắc cầu Nhật Tân và kết thúc tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định Đông Anh là khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Bắc TP Hà Nội với chức năng phát triển thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, khai thác cảnh quan sông Thiếp và đầm Vân Trì; trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của thành phố.
Ngoài ra, trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố phía Bắc (trong đó có khu vực Đông Anh) được định hướng nghiên cứu với chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân – Nội Bài; tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh. Một số khu vực được phép phát triển cao tầng, hiện đại, xanh, kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Cổ La, sông Thiếp…
Tin mới lên