Điều gì chờ đợi VIB sau chuỗi năm tăng trưởng thần tốc?

Minh Tâm - 11/02/2020 08:58 (GMT+7)

(VNF) - Tín dụng tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của VIB trong năm 2019. Ngân hàng này đã triệt để tận dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhờ được Ngân hàng Nhà nước "ưu ái" do đạt chuẩn Basel II sớm, theo đó, dư nợ cho vay của VIB đã tăng tới 34,4%, cao bậc nhất ngành ngân hàng và cao nhất kể từ năm 2011.

VNF
VIB đã tăng trưởng lợi nhuận thần tốc trong 3 năm qua

Năm 2019 tiếp tục nối dài chuỗi năm tăng trưởng thần tốc của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) khi theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm của ngân hàng này đạt 4.081 tỷ đồng, tăng tới 49% so với năm 2018.

Hai năm trước đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của VIB lần lượt là 100% và 95%.

Tín dụng tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của VIB trong năm 2019. Ngân hàng này đã triệt để tận dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhờ được Ngân hàng Nhà nước "ưu ái" do đạt chuẩn Basel II sớm, theo đó, dư nợ cho vay của VIB đã tăng tới 34,4%, cao bậc nhất ngành ngân hàng và cao nhất kể từ năm 2011.

Song song, VIB tiếp tục giữ tỷ trọng dư nợ cho vay trung và dài hạn trong tổng dư nợ cho vay ở mức rất cao 83,4% (hai năm trước đó lần lượt là 84,9% và 77%). Việc dồn lực vào cho vay trung và dài hạn (đặc biệt là cho vay dài hạn) là nguyên nhân quan trọng giúp năng lực sinh lời của VIB cải thiện rõ rệt trong vài năm trở lại đây, do thời hạn cho vay càng dài càng có lãi suất cao bởi rủi ro cao hơn.

Hai động thái này đã giúp thu nhập lãi (biểu thị doanh thu mảng tín dụng) của VIB tăng tới 37,4% trong năm qua. Đây là nguồn thu chính của ngân hàng này.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là chi phí lãi (biểu thị giá vốn huy động) của VIB lại tăng kỷ lục 45,4%, cao hơn khá nhiều tăng trưởng thu nhập lãi.

Áp lực huy động lượng lớn vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao buộc VIB phải huy động vốn với giá cao hơn thông thường, là một trong hai nguyên nhân chính khiến chi phí lãi tăng "phi mã". Nguyên nhân còn lại đến từ cấu phần huy động vốn, khi lượng lớn vốn huy động tăng thêm có kỳ hạn dài (từ 1 đến 5 năm), có lãi suất cao hơn đáng kể lãi suất huy động ngắn hạn (dưới 1 năm).

Năm 2020 khó lòng thuận lợi với VIB như năm 2019. Đầu tiên, ngân hàng này không còn nhiều dư địa để mở rộng khả năng sinh lời bởi tỷ trọng dư nợ cho vay trung và dài hạn trong tổng dư nợ cho vay hiện đã quá cao, có thể hình dung là đã đạt đỉnh.

Duy trì tỷ trọng này ở mức như hiện tại để giữ biên lợi nhuận hiện có đã là một nhiệm vụ đầy áp lực với VIB trong năm nay. Vĩ mô không thể cứ mãi thuận lợi và trên thực tế đã có những áp lực lớn hơn trong việc duy trì tăng trưởng cao - lạm phát thấp, trong khi đó, dư địa cho vay mua nhà, cho vay mua ô tô đang hẹp dần.

Bên cạnh cái khó trong việc mở rộng khả năng sinh lời, việc duy trì tăng trưởng tín dụng cao cũng không phụ thuộc vào VIB mà phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước. Năm 2019, VIB được "ưu ái" hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhờ đạt chuẩn Basel II sớm, còn năm 2020, điều gì sẽ giúp ngân hàng này có được hạn mức cao hơn hẳn mặt bằng chung?

Sụt giảm mạnh về tăng trưởng tín dụng so với năm 2019 sẽ không phải là kịch bản bất ngờ trong năm 2020. Tăng trưởng thu nhập lãi - nguồn thu chính của ngân hàng - theo đó cũng giảm tốc theo.

Giảm tốc tăng trưởng thu nhập lãi đồng nghĩa áp lực huy động vốn cũng giảm, kéo theo tăng trưởng chi phí lãi giảm. Tuy nhiên, do lượng lớn vốn huy động của VIB là kỳ hạn dài (từ 1 đến 5 năm) nên nền chi phí huy động cao sẽ được duy trì lâu hơn và do đó, có khả năng năm 2020, tăng trưởng chi phí lãi sẽ vẫn cao hơn tăng trưởng thu nhập lãi, ảnh hưởng tới tăng trưởng lợi nhuận chung.

Ngoài ra, một yếu tố khác giúp VIB đạt được tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm 2019 là việc giảm tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần, sẽ ít dư địa giảm hơn trong năm 2020. Tỷ lệ này liên tục đi xuống trong 4 năm qua và năm 2019 chỉ còn 12,9%.

Tính toán cũng cho thấy, lượng xóa nợ bằng dự phòng năm 2019 của VIB là rất thấp, phần nào phản ánh ngân hàng này đã đạt giới hạn nhất định trong việc cố gắng giảm quy mô cũng như tỷ lệ trích lập dự phòng.

Bên cạnh những yếu tố bớt thuận lợi hơn cho tăng trưởng lợi nhuận, dịch vụ vẫn là điểm sáng ổn định của VIB. Lãi thuần từ mảng này đã tăng tới 145% trong năm 2019 và tăng 85%/năm bình quân 4 năm qua.

Năm 2020, dịch vụ được kỳ vọng sẽ tiếp tục một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của VIB. Năm vừa qua, lãi thuần từ dịch vụ đã chiếm tới trên 22% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này.

Cùng chuyên mục
Tin khác