Ngân hàng

DN tiếp cận nguồn vốn vẫn rất khó, khó nhất là điều kiện và thủ tục hành chính

(VNF) - Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, mặc dù hệ thống ngân hàng đã hào phóng giảm lãi suất 4 lần liên tục, nhưng việc doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vẫn là rất khó và khó nhất vẫn là những điều kiện ràng buộc và thủ tục hành chính.

DN tiếp cận nguồn vốn vẫn rất khó, khó nhất là điều kiện và thủ tục hành chính

DN tiếp cận nguồn vốn vẫn rất khó, khó nhất là điều kiện và thủ tục hành chính.

Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022, nền kinh tế hiện đang "khát vốn" nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5 đến 2%/1 năm, điều này cho thấy tình hình sản xuất và kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại, lãi suất cho vay vẫn còn cao, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động vốn bình quân còn lớn, cơ chế cho vay còn phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn hoặc do khả năng nhận đơn hàng đầu ra bị giảm sút, doanh nghiệp không còn nhu cầu vay vốn.

Cùng với đó, thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu đều cho thấy có dấu hiệu không ổn định, với mức giảm mạnh. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/1 năm với gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn thì có thể đánh giá không khả thi, bởi tính đến nay giải ngân chỉ đạt 781 tỷ đồng, bằng 1,95%, còn hơn 39.000 tỷ đồng.

Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng

Theo đại biểu Cường, tất cả những yếu tố trên cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, sự tiếp cận nguồn vốn trở nên cực kỳ hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, thị trường bất động sản gần như bị đóng băng, kéo theo sự suy giảm của nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Nhấn mạnh việc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết ở thời điểm hiện tại, theo đó, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, bên cạnh việc xem xét, điều chỉnh hạ lãi suất thì cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Cũng có cùng quan điểm trên, theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, cả việc thị trường, đơn hàng và tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù hệ thống ngân hàng đã hào phóng giảm lãi suất 4 lần liên tục, nhưng việc doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vẫn là rất khó và khó nhất vẫn là những điều kiện ràng buộc và thủ tục hành chính.

Theo đó, đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là các điều kiện, thủ tục hành chính cho vay để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.

Đồng thời tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. "Quan tâm và có cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các doanh nghiệp của Việt Nam phát triển để hướng tới một nền kinh tế tự chủ, phát triển ổn định và bền vững", đại biểu nói.

Cũng liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng và nợ xấu nội bảng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ số tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực là bao nhiêu. Theo báo cáo của Chính phủ tăng trưởng tín dụng đến ngày 11/10/2023 đạt 6,29% so với năm 2022, chậm hơn so với cùng kỳ tăng 11,12%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến tháng 6 là 3,36% cao hơn mục tiêu đề ra đến năm 2025 là dưới 3%.

"Trường hợp tăng trưởng tập trung vào lĩnh vực bất động sản ở thời điểm này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu khi phần cung bất động sản đang dư thừa. Thị trường bất động sản đang nguy cơ trầm lắng, niềm tin của người dân vào thị trường sụt giảm", đại biểu nói.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá, làm rõ vấn đề này, từ đó cân nhắc kỹ lưỡng việc nới lỏng điều kiện cho vay, đồng thời có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tin mới lên